Ảnh minh họa
Theo thông tin của chính phủ Nhật Bản, kinh tế nước này đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2023. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật Bản trong quý này đã tăng 6% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho xứ sở hoa anh đào bởi đó là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý IV/2020 và vượt qua dự báo 2,9% của thị trường.
Mức tăng trưởng GDP này được thúc đẩy nhờ hoạt động xuất khẩu - tăng 3,2% so với quý trước, chủ yếu nhờ lượng xe xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu tăng đột biến. Cụ thể, xuất khẩu đã đóng góp 1,8 điểm phần trăm, cao hơn so với các ước tính chung là 0,9 điểm.
Không rõ liệu sự gia tăng đó có được duy trì hay không, khi các nhà kinh tế nhìn thấy những cơn gió ngược sắp xảy ra ở Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu. Ngoài ra, nhập khẩu đã giảm 4,3% trong khoảng thời gian này.
Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn dự kiến
Nhật Bản không bị tác động quá mạnh bởi đại dịch Covid nhưng vẫn có những thiệt hại đáng kể. Theo Bloomberg, nước này cũng đang trong quá trình tiếp tục phục hồi.
Kết quả quý này phù hợp với nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây khi đã nâng triển vọng tăng trưởng năm 2023 của Nhật Bản lên 1,4%.
Tuy nhiên, kết quả tốt đi kèm với một vài rủi ro, vì phần lớn sự tăng trưởng đến từ nhu cầu bên ngoài. “Chỉ có xuất khẩu là có tín hiệu tốt, trong khi tiêu dùng vẫn suy yếu. Tôi có thể nói rằng đây sẽ không phải một yếu tố đủ để thúc đẩy BOJ tiến tới bình thường hóa chính sách”, Taro Saito , người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI cho biết.
Bloomberg cũng viết, số lượng khách du lịch trong nước ngày càng tăng đã đóng góp một phần vào nền kinh tế Nhật Bản. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia nước này, lượng du khách nước ngoài đã phục hồi hơn 70% so với mức trước đại dịch tính đến tháng 6.
Chi tiêu du lịch dự kiến sẽ tăng mạnh hơn từ tháng 8 sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm du lịch theo đoàn vào tuần trước. Bởi khách du lịch Trung Quốc chiếm hơn 1/3 trong số hơn 1 nghìn tỷ yên chi tiêu của du khách vào năm 2019.
Nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence Harumi Taguchi nói: “So với quý I, sự cải thiện trong tiêu dùng đã yếu đi do giá cả tăng lên. Nó khiến người tiêu dùng chần chừ trong việc mua hàng”.
Chi tiêu vốn của các doanh nghiệp không thay đổi so với dự báo tăng 0,4%, trong khi tiêu dùng tư nhân - chiếm hơn 50% tổng GDP, bất ngờ giảm 0,5%.
Tham khảo Bloomberg, The New York Times