"Không có Việt Nam, tôi đã chết": Người Campuchia kể khoảnh khắc gặp quân tình nguyện Việt Nam năm 1979

Thi Anh |

"Lần đầu tiên chạm mặt quân tình nguyện Việt Nam sau khi trốn chạy khỏi Khmer Đỏ, chúng tôi rất sợ hãi", sử gia Campuchia Nop Sokha chia sẻ.

Ngày 7/1 định mệnh năm 1979: Không có Việt Nam thì tôi đã chết

Ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam hỗ trợ các binh lính Campuchia tiến vào Phnom Penh và lật đổ chế độ tàn ác của Khmer Đỏ, khiến Pol Pot và bè lũ tay sai phải chạy tới nương náu ở các khu rừng dọc biên giới với Thái Lan, chấm dứt cơn ác mộng kinh hoàng kéo dài hơn 3 năm và lấy đi mạng sống của gần 2 triệu người Campuchia.

Một số người Campuchia đã được trả tự do khỏi nhà tù ở thủ đô Phnompenh, nơi gần 14.000 người lớn và trẻ em bị thẩm vấn, tra tấn và giết chóc ở các khu mộ tập thể. Chum Mey là một trong những người may mắn sống sót khỏi nhà tù địa ngục S-21 của Pol Pot.

Đối với ông, ngày 7/1 năm ấy là một ngày đặc biệt.

"Nếu quân Việt Nam không tới, tất cả người dân Campuchia sẽ bị giết bởi chúng cáo buộc chúng tôi nằm trong CIA", Chum Mey nói, "Đừng quên, Pol Pot đâu có để chúng tôi được nói, được nhìn, được nghe".

"Tôi biết ơn Tiền tuyến [giới lãnh đạo Campuchia năm 1979] và quân đội Việt Nam, những người đã tới giải phóng chúng tôi. Nếu họ không đến, tôi sẽ không thể sống sót. Tôi không thể nào quên được điều này. Nếu không có ngày 7/1 thì không có ngày hôm nay".

Và Chum Mey rất tức giận khi một số kẻ, trong đó có chính trị gia đối lập Sam Rainsy, khi họ vu cáo rằng 7/1/1979 là khởi đầu của quãng thời gian mà họ gọi là "Việt Nam chiếm đóng Campuchia".

Không có Việt Nam, tôi đã chết: Người Campuchia kể khoảnh khắc gặp quân tình nguyện Việt Nam năm 1979 - Ảnh 1.

Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Campuchia ngày 7/1 để đánh đuổi bè lũ Pol Pot. Ảnh: Open Source

Theo phát ngôn viên Chính phủ Campuchia Phay Siphan, những người như Sam Rainsy không hiểu được tầm quan trọng của ngày 7/1 vì không sống dưới chế độ diệt chủng của Pol Pot: "Sam Rainsy sống ở nước ngoài, chẳng bao giờ phải chịu sự thống khổ khi bị Khmer Đỏ giết hại. Họ có quan tâm đâu", ông nói.

Về phần mình, Siphan coi 7/1 là ngày ông được cứu mạng: "Không có Việt Nam thì tôi đã bị giết ngay bởi lúc đó tôi đã bị giam giữ rồi. Vào thời điểm ấy, tôi nói với chúng (Khmer Đỏ - ND) mình là một sinh viên nhưng hầu như ai cũng bị tống vào trại giam cả", Siphan nói.

"Mọi người thế nào, các anh chị em Campuchia?"

Ký ức về những ngày tháng 1 năm 1979 vẫn còn sống động trong ký ức của nhiều người dân Campuchia. Nop Sokha, nhà sử học Campuchia đã kể lại kỷ niệm của mình khi ông còn là một đứa trẻ cùn gia đình trốn chạy khỏi Khmer Đỏ và khoảnh khắc "chạm mặt" quân tình nguyện Việt Nam.

Không có Việt Nam, tôi đã chết: Người Campuchia kể khoảnh khắc gặp quân tình nguyện Việt Nam năm 1979 - Ảnh 2.

Sử gia Campuchia Nop Sokha. Ảnh: KT/Taing Rinith

"So với hầu hết người Campuchia sống dưới chế độ Khmer Đỏ, tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều khi được sống ở Phnom Penh bởi mẹ tôi và một số người bà con được chọn vào làm công nhân cho xưởng dệt may của Khmer Đỏ tại đó".

"Trong những ngày đầu năm 1979, chúng tôi nghe thấy tiếng súng và bom nổ, ở mức độ mà chúng tôi chưa từng trải nghiệm trước đây. Tới ngày 5/1, tôi để ý thấy sự hỗn loạn trong hàng ngũ sĩ quan Khmer Đỏ. Họ chạy đi chạy lại và tiến hành các cuộc họp bí mật".

"Ngày hôm sau, trong khi đang ngủ, mẹ tôi tới đánh thức tôi dậy và nói rằng Khmer Đỏ đang rời đi và tất cả người dân Phnom Penh phải đi theo chúng".

"Trong những tuần kế tiếp, chúng tôi chật vật di chuyển trên đường cho tới khi đến một khu trại ở Kampong Speu".

"Không chịu đựng được, gia đình tôi rời bỏ khu trại. Đó thực sự là một quyết định đúng đắn bởi sau đó chúng tôi hay tin, Khmer Đỏ đã giết toàn bộ những người đi cùng với chúng".

"Lần đầu tiên chạm mặt quân tình nguyện Việt Nam sau khi trốn chạy khỏi Khmer Đỏ, chúng tôi rất sợ hãi".

"Khmer Đỏ đã dọa chúng tôi rằng, bộ đội Việt Nam sẽ mổ bụng chúng tôi, nhồi cỏ vào rồi khâu lại. Nhưng khi những người lính đó tiến về phía chúng tôi, họ ân cần nói với chúng tôi bằng một thứ tiếng Khmer chưa sõi: "Mọi người thế nào, các anh chị em Campuchia?"

"Khoảnh khắc đó, tất cả chúng tôi đều hò reo vui sướng".

Cuộc chia tay đầy lưu luyến

Theo yêu cầu của chính phủ và nhân dân Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam lưu lại đất nước Chùa Tháp 10 năm, từ năm 1979 tới năm 1989 sau khi hoàn thành nhiều đợt rút quân để đánh đuổi hoàn toàn Khmer Đỏ, không để chúng có đường quay trở lại.

10 năm gian khổ ấy bị một số kẻ có ý đồ xấu xuyên tạc, vu cáo là "xâm lược", "chiếm đóng". Nhưng trong một bài báo trên tờ Chicago Tribune đăng ngày 1/7/1988 - thời điểm quân đội Việt Nam đang tiến hành rút khỏi Campuchia, nhà báo Mỹ Joseph A. Reaves đã kể lại chi tiết không khí ở thủ đô Phnompenh trong những ngày tháng rút quân cuối cùng.

Không có Việt Nam, tôi đã chết: Người Campuchia kể khoảnh khắc gặp quân tình nguyện Việt Nam năm 1979 - Ảnh 4.

Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia tháng 9/1989 trong sự bịn rịn, lưu luyến của người dân nước bạn. Ảnh: Chip HIRES/Gamma-Rapho/Getty

Theo Reaves, trong tuần đầu của tháng 7 năm 1988, ở thủ đô Campuchia, khắp nơi nơi, người dân lo lắng về khả năng Pol Pot quay trở lại nắm quyền. Gần như tất cả mọi người dân của thành phố đều mất người thân trong những năm tháng Khmer Đỏ khiến Campuchia bị gắn liền với cái tên "cánh đồng chết".

"Người dân ở đây đều cảm thấy bịn rịn khi phải chia tay những người lính Việt Nam", Kam Haeng, nhân viên của Bộ Ngoại giao Campuchia chia sẻ.

Khi binh lính Việt Nam lên đường về nước, hàng nghìn người dân Campuchia đã đổ xuống các đại lộ, đứng dọc các con đường ở thủ đô Phnompenh để chia tay quân tình nguyện Việt Nam. Họ vẫy cờ hai nước và hô vang "Tình bạn Việt Nam - Campuchia muôn năm" khi đoàn xe ô tô chở những người lính chầm chậm đi về phía Đường 1, hướng tới cửa khẩu Mộc Bài.

Cảnh tượng ấy đã được rất nhiều phóng viên nước ngoài ghi lại trong những bức ảnh ở Campuchia năm 1989. Và đó là minh chứng rõ ràng nhất. Liệu người dân Campuchia có trao gửi những cái bắt tay lưu luyến, những nụ cười tươi tắn nhường ấy cho những người lính Việt Nam, nếu họ coi những người lính ấy là "kẻ xâm lược" như một số lời vu cáo?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại