“Không có tiền mua nổi thì nhìn lại bản thân”.
“Nhiều năm không được tăng lương, hay đó là vì bạn chưa làm việc chăm chỉ”.
Thật khó để tưởng tượng rằng đây là những phát ngôn của Lý Giai Kỳ - một trong những người đi đầu ngành livestream bán hàng ở Trung Quốc, hay còn được biết đến với biệt danh “Ông hoàng son môi”.
1. Phát ngôn "động chạm" đến người tiêu dùng
Ngày 10/9 vừa qua, Lý Giai Kỳ đã giới thiệu loại bút kẻ mày Hoa Tây Tử trong phòng livestream với giá 79 NDT (hơn 260 nghìn đồng).
Một người đã bình luận: “Bút kẻ mày của Hoa Tây Tử ngày càng đắt”.
Không ngờ bình luận này đã chọc giận Lý Giai Kỳ. Anh cau mày, rồi nói một cách thiếu kiên nhẫn: "Đắt chỗ nào? Đừng mở to mắt rồi nói nhảm. Bút kẻ mày luôn có giá 79 tệ, mua hàng trong nước khó lắm. Tôi đã theo Hoa Tây Tử nhiều năm, tôi biết thương hiệu này được gầy dựng như thế nào, tôi hiểu rõ nhất. Đôi khi phải tìm lý do ở bản thân, nhiều năm không được tăng lương, hay đó là vì bạn chưa làm việc chăm chỉ?".
Trợ lý bên cạnh nghe lời này cũng sửng sốt, nhất thời quên mất mình cũng đang trên sóng livestream. Giữa chừng, cô cố gắng ngắt lời Lý Giai Kỳ, nhưng anh kích động nói tiếp:
“Thật ra tôi có thể không cần làm việc, thật sự ngày nào cũng ngồi đây rất nhức đầu. Nhưng tại sao tôi vẫn ngồi đây? Đó là vì trong công ty vẫn còn rất nhiều đồng nghiệp đang chờ tôi đào tạo. Không phải các bạn từng nói ‘Chúng tôi có thể không mua, nhưng Lý Giai Kỳ phải livestream’ sao?
Ngoài ra, việc tôi ngồi đây livestream là vì người hâm mộ, các bạn mới là người yêu cầu tôi phát sóng”.
Sau phát ngôn này, hashtag #Lý Giai Kỳ livestream bán hàng khiến dân mạng phẫn nộ đã chiếm sóng mạng xã hội Trung Quốc.
Vô số cư dân mạng bày tỏ: "Anh kiếm tiền từ người bình thường, nhưng cuối cùng lại chế giễu người bình thường vì nghèo".
Thậm chí cụm tên thương hiệu “Hoa Tây Tử” đã trở thành một đơn vị tiền tệ của nhiều người dùng mạng.
“Món này phải dùng bao nhiêu Hoa Tây Tử mới có thể mua được?”, “Lương của bạn bao nhiêu Hoa Tây Tử?”... Trong đó Hoa Tây Tử chỉ bút kẻ mày giá 79 NDT.
Thấy sự việc tiếp tục leo thang, Lý Giai Kỳ đã đăng bài xin lỗi. Trong đó, anh còn cụ thể giới thiệu mình từng là nhân viên bán hàng tại quầy mỹ phẩm.
Rõ ràng đây chính là cách dẫn dắt tâm lý khiến người dùng nghĩ rằng bản thân anh cũng “giống với người bình thường”, nhưng cách này lại không được đồng tình.
Theo cách mà nhiều người đã nhận định: Lý Giai Kỳ hiện tại hoàn toàn khác với Lý Giai Kỳ đầy nhiệt huyết, năng nổ và luôn quan tâm đến người tiêu dùng khi xưa.
2. Một Lý Giai Kỳ của trước đây
Cha mẹ ly hôn khi còn nhỏ, Lý Giai Kỳ lớn lên cùng mẹ.
Năm đó, Lý Giai Kỳ được nhận vào đại học với chuyên ngành nghệ thuật và phải trả hơn 20.000 NDT tiền học phí (hơn 66 triệu đồng). Nhưng mẹ không đủ khả năng nên Lý Giai Kỳ đã gọi điện cho bố vay tiền. Không ngờ anh lại bị bố từ chối một cách tàn nhẫn.
"Ai bảo học chuyên ngành này? Bố không đồng ý con học chuyên ngành này".
Mẹ đành phải làm nhiều công việc để đủ trả tiền học phí cho con trai. Lý Giai Kỳ rất biết ơn và thầm thề rằng anh sẽ dựa vào nỗ lực của bản thân để giúp mẹ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Để kiếm tiền, Lý Giai Kỳ làm nhân viên trong một cửa hàng quần áo, làm giáo viên dạy nhảy bán thời gian tại một cơ sở đào tạo khiêu vũ với mức lương 3.000 NDT/tháng (gần 10 triệu đồng), đồng thời còn làm nhân viên pha chế trong quán bar...
Sau này, khi tiếp xúc với lĩnh vực livestream, Lý Giai Kỳ đã có được vinh quang trong cuộc đời khi đã lập nên kỷ lục những con số bán hàng chưa từng có chỉ trong một lần phát sóng.
Năm 2020, Lý Giai Kỳ định cư ở Thượng Hải. Theo một số thông tin, anh đã chi 130 triệu NDT (gần 430 tỷ đồng) để mua một căn biệt thự ba tầng rộng hơn 1.000 mét vuông và trở thành hàng xóm với minh tinh Hồ Ca và Đường Yên.
Được biết, thu nhập chỉ trong một đêm của Lý Giai Kỳ ở thời kỳ đỉnh cao vượt quá 50 triệu NDT (hơn 165 tỷ đồng). Một số phương tiện truyền thông ước tính rằng chỉ riêng thu nhập ròng của Lý Giai Kỳ trong năm 2021 đã lên tới 1,8 tỷ NDT (hơn 5,9 nghìn tỷ đồng).
Bây giờ đã hai năm trôi qua, thu nhập còn khủng khiếp đến mức nào? Thật khó có thể tưởng tượng được!
Nhưng sự giàu có nhiều khi lại khiến người ta quên mất mình xuất thân từ đâu. Qua những phát ngôn trên sóng livestream, Lý Giai Kỳ không còn có thể đồng cảm với “người bình thường” nữa.
Nhưng người bình thường không thể mua nổi chiếc bút kẻ chân mày có gì sai? Có thật là do làm việc không đủ chăm chỉ nên không được tăng lương?
Khi nói điều này, nhiều người cho rằng Lý Giai Kỳ không hề xem xét đến môi trường kinh tế hiện tại.
Sau ba năm dịch bệnh, bao nhiêu người lao động phải làm việc cật lực để kiếm miếng ăn, bao nhiêu công ty ồ ạt sa thải nhân viên và cắt giảm lương để duy trì hoạt động bình thường...
Trong một môi trường như vậy, làm việc chăm chỉ dường như không còn là điều kiện để bạn có thể trụ vững ở nơi nào đó.
Những người trong ngành nhận xét: Trong ba năm qua, do mức tiêu thụ ngoại tuyến (tại chỗ, tại quầy) tiếp tục sụt giảm, ngành công nghiệp livestream đã thu được rất nhiều lợi nhuận và bối cảnh kinh doanh của Lý Giai Kỳ ngày càng trở nên lớn mạnh hơn.
Trong cuốn “Sự kiêu ngạo của giới thượng lưu” có câu: “Càng nghĩ mình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, tự làm nên tất cả thì chúng ta càng ít quan tâm đến số phận của những người kém may mắn hơn mình”.
Nếu thành công của tôi là thứ mà tôi đã nỗ lực hết mình để đạt được thì thất bại của họ chắc chắn là lỗi của họ.
3. Cuộc sống thực sự của “người bình thường” là như thế nào?
Một cư dân mạng đã liệt kê như sau:
"Với 79 NDT (hơn 260 nghìn đồng), bạn có thể mua 2kg thịt và một đống rau, có thể đáp ứng vấn đề cơm ăn áo mặc của cả gia đình trong một ngày. Có thể mua được khoảng 10kg gạo, còn có thể mua 5 lít dầu, 8 bình giấm, 40 gói muối. Cũng có thể mua được cả thùng sữa đầy, cũng có thể cho nhiều đứa trẻ miền núi bữa trưa đầy dinh dưỡng...".
Lý Giai Kỳ không hiểu tại sao một số người không đủ tiền mua bút kẻ mày 79 NDT (hơn 260 nghìn đồng). Không phải anh làm gì sai mà là anh ở quá xa với “người bình thường”.
Nguyên nhân có lẽ là vì bản thân đã đứng ở vị trí cao quá lâu đến nỗi hoàn toàn quên mất mình đã leo lên như thế nào và những người bình thường thực sự sống ra sao.
Người tiêu dùng đánh giá sản phẩm nhưng chính Lý Giai Kỳ lại buông lời đánh giá người tiêu dùng, chứ không phải tìm nguyên nhân từ sản phẩm, thậm chí còn khiến không ít "người bình thường" bị tổn thương.
Nguồn: Zhihu