Thực tế là không hãng bay nào trên thế giới muốn chậm hủy chuyến. Càng chậm, thiệt hại của hãng càng lớn nên hãng nào cũng tìm cách bay đúng giờ.
Các yếu tố tác động đến tỷ lệ đúng giờ như hạ tầng, kỹ thuật và an toàn bay đã trở nên quen thuộc với khách hàng không quốc tế.
Vì thế, mỗi khi bị chậm, hủy chuyến, khách đón nhận điềm đạm, coi delay như một phần tất yếu của hàng không. Ngược lại ở nước ta, dù tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không cao hơn mức bình quân của thế giới nhưng khách liên tục phàn nàn.
Hầu hết các nước, hành khách đi lại bằng đường hàng không thường chỉ quan ngại với sân bay. Các sân bay gây chậm chuyến có điểm chung: Đường ra vào trên không bận rộn do có hàng trăm, hàng ngàn chuyến bay đi đến mỗi ngày; hạ tầng sân bay (nhà ga đường băng, đường lăn, sân đỗ…) chưa đáp ứng kịp nhu cầu của hãng hàng không và khách bay.
Các báo cáo điều tra, thống kê, phân tích rất ít khi quy trách nhiệm Delay cho các hãng hàng không. Chỉ một số ít nguyên nhân liên quan trực tiếp đến việc vận hành và quản lý nội bộ của các hãng bay.
Theo Bộ Giao thông Hoa Kỳ, đó là do máy bay chờ nạp thêm nhiên liệu, máy bay cần thêm thời gian chuyển hành lý của khách lên khoang, do kỹ thuật, và tàu bay cần vệ sinh hoặc bảo dưỡng gấp. Tuy nhiên, những nguyên nhân thuộc về hãng hàng không này thường gây ra chậm chuyến không quá 15 phút.
Đối với nguyên nhân khách quan, không thuộc trách nhiệm hãng hàng không, Cục Thống kê Giao thông Hoa Kỳ chỉ ra hàng loạt lý do chậm chuyến: Chậm chuyến theo yêu cầu của hệ thống quản lý, giám sát không lưu quốc gia, chậm chuyến do thời tiết, chậm chuyến do máy bay đến trễ (chủ yếu do bị trễ khi xuất phát ở sân bay chặng liền kề trước đó), chậm chuyến vì lý do an ninh (như soi chiếu tàu bay trước mỗi chuyến bay).
Cuối năm ngoái, tạp chí Forbes liệt kê 15 sân bay Hoa Kỳ có tỉ lệ chậm chuyến thấp nhất và tồi tệ nhất. Báo cáo này cũng không quy kết việc chậm chuyến cho các hãng bay.
Cũng trên Forbes, nhà báo Gary Stoller theo dõi các sân bay trong nhiều ngày và phát hiện ra tỉ lệ chậm chuyến tăng dần theo các mốc thời gian trong ngày, trong quãng thời gian 7h-8h sáng, tỉ lệ trung bình là 11,2%, nhưng càng về cuối ngày, tần suất các chuyến bay đi và đến các sân bay tăng lên, cao nhất lên đến 27,2% vào lúc 22h.
Gary chỉ ra rằng nếu chuyến bay của hãng này trễ 10 phút thì chuyến bay kế tiếp của một hãng khác ở cùng một cửa ra vào sẽ chậm hơn 10 phút.
Đáng chú ý, bài báo do cây bút nổi tiếng về lữ hành Laura Bloom xác nhận việc chậm chuyến là chuyện ‘cơm bữa’ trong ngành hàng không, đặc biệt là trong mùa du lịch cao điểm, và mỗi hành khách nên chuẩn bị tâm lý trước mỗi chuyến đi.
Đó cũng là lý do khiến trang FlightStats chuyên về thống kê số liệu hàng không toàn thế giới dành hẳn một mục cho các sân bay thường xuyên chậm chuyến và không có mục nào cho việc chậm chuyến của các hãng bay.
Tại Việt Nam, trong 9 tháng năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 240.000 chuyến bay.
Trong đó, trung bình hơn 85,5% số chuyến bay được thực hiện đúng giờ. Mỗi khi bị delay, hành khách thường có xu hướng quy trách nhiệm cho các hãng hàng không, trong khi nguyên nhân chủ yếu cũng đến từ hạ tầng hàng không quá tải.
Theo theo Cục Hàng không, 7/22 sân bay của Việt Nam bị quá tải. Còn một chuyên gia hàng không cho rằng, chậm chuyến trầm trọng nhất chủ yếu do tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất, dẫn đến chậm chuyến dây chuyền ở các sân bay khác.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý giám sát chuyến bay của Việt Nam còn rất hạn chế so với các quốc gia trong khu vực.
‘Ngược lại năng lực của hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines và Vietjet rất ổn. Riêng Vietjet độ tuổi tàu bay của họ thuộc top mới và hiện đại nhất trên thế giới. Điều đó cho thấy chỉ có sân bay Delay, không có hãng Delay’, vị chuyên gia cho hay.