Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace (phải) trên boong HMS Queen Elizabeth. Ảnh: Telegraph
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, chuyến đi đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh đến châu Á cho thấy nước Anh đã "trở lại" với tư cách là một lực lượng quân sự toàn cầu.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nhấn mạnh nhóm tàu này sẽ thể hiện sức mạnh mềm của Anh, như niềm tin vào thể chế dân chủ và luật pháp.
Khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh chuẩn bị rời cảng Portsmouth trong chuyến hành trình đầu tiên đến châu Á hôm 22-5, ông Wallace phát biểu: "HMS Queen Elizabeth đại diện cho quyền lực cứng cũng như kỹ thuật sản xuất của Anh. Nó đại diện cho liên minh của Anh với Mỹ, đồng thời thể hiện tầm nhìn của nước Anh. HMS Queen Elizabeth không đến địa hạt Jersey (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland,), con tàu này đến Nhật Bản".
Ông khẳng định tàu sân bay không mang ý đối đầu trong chuyến đi đến châu Á, đồng thời phản bác ý kiến cho rằng nhóm tàu chiến đến châu Á sẽ né eo biển Đài Loan để tránh làm phật lòng Trung Quốc. Ông Wallace khẳng định với báo The Telegraph: "Chúng tôi hướng đến biển Đông, biển Hoa Đông và vùng biển của Philippines".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh chia sẻ về chính sách đối ngoại trong tương lai trên thế giới: "Ngoài NATO và G7, sẽ ngày càng có nhiều hình thức 4 bên, 3 bên và song phương giữa các quốc gia về các vấn đề mà họ có mục tiêu chung".
Nữ hoàng Elizabeth II thị sát tàu sân bay mang tên bà. Ảnh: The Sun
Cũng trong ngày 22-5, Nữ hoàng Anh Elizabeth II thăm tàu sân bay mang tên bà, trước khi tàu này dẫn đầu nhóm tàu chiến đến châu Á.
Nữ hoàng đã đặt chân lên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tại Portsmouth, bảy năm sau khi bà cùng cố hoàng thân Philip đặt tên cho con tàu.
Tàu sân bay Queen Elizabeth với lượng choán nước 65.000 tấn sẽ mang theo 8 tiêm kích F-35B của Anh và 10 tiêm kích của Mỹ, cũng như 250 lính thủy đánh bộ trong đội hình gồm 1.700 thủy thủ.
Tàu này sẽ dẫn đầu nhóm tác chiến gồm 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống, 1 tàu ngầm và 2 tàu hỗ trợ trong chuyến hải hành hơn 48.150 km trong vòng 28 tuần. Bên cạnh đó, một tàu khu trục của Mỹ và một tàu hộ tống của Hà Lan cũng tham gia nhóm.
Nhóm tàu sân bay này sẽ đi qua biển Đông trên đường đến vùng biển của Philippines và sẽ ghé thăm nhiều nơi, trong đó có Ấn Độ và Singapore.