1. Có một con số thống kê khiến mọi người giật mình. Lần cuối cùng Pep Guardiola vào chung kết Champions League đã là năm 2011, tức cách đây 7 năm. Trong 3 năm ở Đức, Bayern của Pep luôn vào đến bán kết, nhưng đều hứng chịu những thất bại rất đậm. Còn với Man City, vòng đấu dành cho 4 đội mạnh nhất hãy còn xa vời.
Tháng 9/2008, Chủ tịch Khaldoon al-Mubarak của Man City đã tuyên bố: "Tôi tin chúng ta sẽ để lại một di sản. Mười năm tới sẽ là một quãng thời gian rất trọng đại cho Man City. Tôi tin chúng ta sẽ mang đến một làn gió mới cho bóng đá châu Âu".
Mười năm đã trôi qua, và có vẻ như ông đã đúng. Mười năm tràn ngập những niềm vui và cột mốc đáng nhớ cho Man City và các CĐV của họ. Nó khởi đầu với sự hiện diện của các ngôi sao, rồi sau đó là những siêu sao.
Trái ngọt bắt đầu tới: vé dự Champions League, Cúp FA, cũng là danh hiệu đầu tiên sau 35 năm. Rồi ba chiếc League Cup, ba chức vô địch Premier League. Trong đó, chức vô địch Premier League mới nhất được đánh giá là một trong những màn trình diễn giàu cảm xúc nhất trong lịch sử bóng đá Anh.
Man City chưa bao giờ mạnh đến thế, ngay cả vào thời hoàng kim của họ trong thập niên 1960, dưới thời Joe Mercer. Chỉ 10 năm dưới thời Sheikh Mansour, Man City đã lột xác và đặt ra những mục tiêu lớn hơn.
Với Pep Guardiola, Man City không đơn thuần cần một HLV mang về cho họ những danh hiệu. Họ đặt ra ham vọng rất rõ ràng: phải tạo ra đế chế, phải xây dựng lối đá đặc trưng và phải bước chân vào chiếu trên của những CLB hàng đầu châu Âu. Và để làm điều ấy, Man City sẽ không tiếc tiền cho Pep. Mới đây, họ đề nghị Pep ký hợp đồng mới đến 2020, với mức lương tăng đáng kể.
Champions League là điều kiện tiên quyết để Man City trở thành một thế lực lớn của bóng đá châu Âu.
2. Quyền lợi hiển nhiên đi liền với trách nhiệm. Để biến Man City thành một CLB vĩ đại, Pep phải xác lập chỗ đứng cho đội bóng ở châu Âu. Hai năm qua, Man Xanh đều bị loại ở Champions League bởi những đội bóng ít kinh nghiệm hơn là Monaco và Liverpool.
Cả hai đội bóng ấy đều có một điểm chung: trẻ trung và không biết sợ. Họ đã liều lĩnh chơi đôi công với Man City và thành công. Sự kiệt sức vì một mùa giải phải chơi thứ bóng đá tấn công tổng lực là một nguyên nhân.
Nguyên nhân khác, quen thuộc hơn, là Man City thiếu hẳn những phương án B, để họ có thể thích nghi với tình huống khó khăn trên sân. Đấy là lý do một khi Man City đã thua ở châu Âu là thường… thua đậm!
Sự quá tải khiến Man City "tụt hơi" ở Champions League.
Man City phải thay đổi điều đó. Còn ở Premier League, họ không phải chứng minh cho ai nữa. Họ đã xếp trên Liverpool trong 9 mùa gần nhất, xếp trên Arsenal 7/8 mùa, Chelsea 6/8 gần nhất và xếp trên Man United trong 5 mùa gần nhất. Vị trí của Man Xanh hiện nay ở nước Anh vốn đã được Roberto Mancini và Manuel Pellegrini chuốt từ trước.
Sir Alex Ferguson từng viết trong cuốn tự truyện: "Bảo vệ thành công chức vô địch là điều mà Man City phải làm được nếu muốn giành được sự tôn trọng. Suy nghĩ ấy làm tôi không chịu nổi". Thật vậy. Từ ngày Sir Alex nghỉ hưu, không một ai còn bảo vệ được chức vô địch nữa. Thậm chí trong 3 mùa bóng gần đây, nhà đương kim vô địch thậm chí còn không thể kết thúc nổi mùa bóng trong "top 4".
Tuổi tác đang là vấn đề lớn với tham vọng của Man City.
Đội hình Manh Xanh hiện nay rất mạnh, nhưng vẫn còn đó vấn đề tuổi tác. Những Vincent Kompany, David Silva, Fernandinho đều đã ngoài 30 trong khi năm sau Kun Aguero sẽ bước vào tuổi băm. Việc thay thế họ cũng là một gánh nặng, trong bối cảnh Man Xanh đang bị soi bởi luật Công bằng Tài chính.
Premier League là một giải đấu của những HLV hàng đầu thế giới. Sẽ thật khó tin nếu họ tiếp tục để cho Man Xanh "một mình một chợ" mùa sau.
Man Xanh sẽ giành được sự kính trọng nhiều hơn nếu bảo vệ được chức vô địch Premier League. Nhưng rốt cục, để giành được sự tôn trọng thật sự ở châu Âu, họ vẫn phải vào chung kết Champions League một lần. Mà điều này, so với bảo vệ ngôi vương Anh quốc, còn khó hơn gấp bội. Nhưng đó là con đường duy nhất để Man Xanh không trở thành một PSG.