Ngày 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố, ông sẽ không chứng thực Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) vào 15/10 tới đây.
CNN cho rằng, quyết định này sẽ khiến ông Trump hoặc người kế nhiệm - một ngày nào đó - phải đối mặt với lựa chọn khó khăn mà JCPOA đã cố gắng ngăn chặn: Liệu có nên sử dụng vũ lực để buộc Iran ngừng phát triển vũ khí hạt nhân?
Quyết định của ông Trump sẽ cho Quốc hội Mỹ 60 ngày để xét xem có khôi phục lệnh cấm vận nhằm vào Iran hay không.
Gọi thỏa thuận là "nỗi xấu hổ", ông Trump chỉ ra những sai phạm của Iran trong quá trình thực thi thỏa thuận, mặc dù những bằng chứng hiện có của nhiều cơ quan, bao gồm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cũng như các đồng minh của Washington đều cho thấy Iran đang tuân thủ các ều khoản của JCPOA.
"Tổng thống chọn không chứng thực thì đó đã là một bước đi tiêu cực. Quyết định này sẽ khởi động quá trình cô lập ta với đồng minh", Ernest Moniz, cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nhận định.
"Nếu chúng ta tìm mọi cách và áp cấm vận trong khi Iran tuân thủ thỏa thuận, thì đây sẽ là một vết trượt dài tới một viễn cảnh tồi tệ, hoàn toàn không phục vụ lợi ích an ninh quốc gia Mỹ".
Phe chỉ trích cho rằng Trump đang đưa thỏa thuận vào vòng nguy hiểm chỉ để thỏa mãn sự ác cảm của mình đối với JCPOA và chứng minh cho người ủng hộ rằng mình đã đạt được một thắng lợi chính trị hiếm hoi.
Trong khi đó, phe ủng hộ thì khẳng định, thỏa thuận sẽ đưa Iran đi theo con đường của Triều Tiên khi nó hết hiệu lực vào năm 2025, vì vậy cần có một thỏa thuận ưu việt hơn.
Ông Trump cũng phàn nàn rằng thỏa thuận năm 2015 không cho phép các điều tra viên của Liên Hợp Quốc được tiếp cận các khu vực quân sự. Tuy nhiên, một quan chức nước ngoài đã phủ nhận thông tin này và đặt ra nghi vấn rằng, liệu ông Trump có hiểu rõ các điều khoản trong thỏa thuận hay không.
Bằng cách "đá bóng sang chân" Quốc hội Mỹ, ông Trump có thể tránh bị đổ lỗi cho những hệ lụy sau đó trong trường hợp ông chính thức hủy bỏ thỏa thuận.
Nếu Quốc hội Mỹ khôi phục cấm vận, nhiều khả năng Iran sẽ là bên từ bỏ trước. Và nước này sẽ khởi động lại chương trình hạt nhân, nỗ lực tạo ra vũ khí hạt nhân, một quá trình mà các chuyên gia tin rằng sẽ chỉ mất khoảng 1 năm.
Nếu các nghị sĩ quyết định không làm gì, thì thỏa thuận sẽ vẫn còn nguyên hiệu lực. Lúc này, Iran có thể quyết định xem mình có muốn tiếp tục duy trì thỏa thuận không. Nhưng dù tình huống này có xảy ra thì thỏa thuận cũng khó lòng được duy trì dài hạn.