Cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới bị thay đổi, dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021. Năm ngoái, hàng loạt hãng hàng không trên thế giới lần lượt tuyên bố phá sản.
Ngày 21/4/2020, Virgin Australia trở thành hãng hàng không lớn nhất sụp đổ do tác động của đại dịch Covid-19, quyền kiểm soát được trao cho công ty kiểm toán Deloitte. Virgin Australia cũng là hãng hàng không đầu tiên tại khu vực châu Á sụp đổ trước ảnh hưởng của dịch bệnh này.
Virgin Australia là hãng hàng không giá rẻ của Australia, cũng là hãng hàng không lớn thứ 2 tại Australia. Do tác động của dịch Covid-19, hãng phải tạm dừng hầu hết các hoạt động với 95% chuyến bay bị cắt giảm và 80% lực lượng lao động trong số 16.000 nhân viên tạm thời nghỉ việc. Suốt 2 tháng cho đến khi phá sản, hãng hàng không Virgin Australia mất sạch doanh thu.
Đến tháng 5/2020, hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh LATAM đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Theo luật pháp của Mỹ, quy trình tố tụng cho phép một công ty không còn khả năng trả nợ được tái cơ cấu dưới sự giám sát của tòa án mà không chịu sức ép của các chủ nợ.
Doanh thu hoạt động của hãng hàng không LATAM 2014-2020
Do khủng hoảng Covid-19, doanh thu của LATAM sụt giảm 58,4% trong năm 2020. Hãng đã phải sa thải khoảng 13.000 lao động và gánh khoản nợ lên tới hơn 4,5 tỷ USD. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hãng hàng không này khai thác đến 145 tuyến bay tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tháng 11/2020, hãng hàng không đầu tiên ở Nhật Bản là AirAsia Japan đã nộp đơn xin phá sản kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020.
AirAsia Japan (trụ sở tại tỉnh Aichi) là một công ty liên doanh giữa tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia Group của Malaysia và các đối tác Nhật Bản. AirAsia Japan phải nộp đơn xin phá sản do dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh.
Trong quý 2/2020, AirAsia báo lỗ kỷ lục 238 triệu USD, so với mức lãi 4,3 triệu USD cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý của tập đoàn này giảm tới 96% xuống còn 28,9 triệu USD do lượng hành khách giảm tới 98%.
Ngày 26/5/2020, Thai Airways International Pcl đã đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan. Khi ấy, Thai Airways đứng trước khả năng trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên phá sản sau khi chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Hãng dự kiến nộp đơn xin bảo hộ theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ hoặc tài sản của họ, gồm các văn phòng và máy bay ở nước ngoài có thể bị tạm giữ. Trong số tất cả các khoản nợ, có tới 49% là của chủ nợ nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Đức.
Nguồn: QUICK-FactSet, Thai Airways
Khoản lỗ ròng của Thai Airways trong quý 3/2020 là 21,5 tỷ baht (hơn 715 triệu USD), tăng từ 4,6 tỷ baht cùng kỳ năm ngoái. Thai Airways lỗ ròng tổng cộng 49,5 tỷ baht trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020.
Đến tháng 9/2020, Tòa án Phá sản Trung ương của Thái Lan đã chấp nhận yêu cầu phục hồi hoạt động của Thai Airways. Việc tái cơ cấu có sự giám sát của tòa án sẽ nâng cao uy tín tín dụng của hãng hàng không, nhưng hãng vẫn phải tạo ra nguồn tài chính để thực hiện quá trình phục hồi.
Lượng hành khách giảm mạnh do đại dịch Covid-19 đã khiến đội bay của Thai Airways giảm 26%, với từ 17-25 máy bay đang hoạt động. Song, nhu cầu tăng cao đối với các chuyến bay chở hàng dự kiến sẽ nâng số lượng máy bay lên 45 chiếc vào năm 2021. Đội bay của Thai Airways dự kiến đạt 75 máy bay vào năm 2025.
Tại Việt Nam, trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay, hàng không là nhóm có doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khiến "các doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản".
Cụ thể, Vietnam Airlines đối mặt rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn cao, còn Vietjet Air đang thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ kinh doanh. Cũng theo báo cáo của Vietnam Airlines, dự kiến số lỗ của quý I ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.
Hiện, số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. Trước đó, tháng 7/2020, Vietnam Airlines đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý gói cứu trợ trị giá 12.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, Vietnam Airlines vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ này.
Đầu tháng 4, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4 khi lợi nhuận sau thuế năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.