Cộng hòa Benin ở Tây Phi từng có một lịch sử đẫm máu dưới cái tên “Vương quốc Dahomey”. Vào khoảng năm 1890, vua Houegbadja - người thứ ba trị vì triều đại này đã thành lập một đội quân gồm toàn phụ nữ để bảo vệ mình khỏi những cuộc chinh phạt khốc liệt.
Nhiều lời đồn cho rằng, binh đoàn phụ nữ này bắt nguồn là thợ săn ngà voi vì cánh đàn ông đã ra chiến trường. Thế nhưng nhờ kĩ năng chiến đấu xuất thần, các nữ binh đã dần thay thế nam giới trở thành rường cột của quốc gia.
Một giả thuyết khác lại nói do nhà vua không cho phép đàn ông bước vào cung điện khi trời tối, vậy nên cận vệ của vua cũng toàn là phái nữ.
Duy chỉ có một điều mà tất cả sử gia đều hoàn toàn nhất trí là sự dũng mãnh khét tiếng của nữ binh Dahomey. Một số học giả châu Âu gọi họ là “Dahomey Amazons”, bởi Amazons gắn với những người phụ nữ mạnh mẽ và huyền bí nhất trong Thần thoại Hy Lạp.
Trên thực tế, đúng là chỉ có những thiếu nữ tiềm năng nhất mới được chọn vào đội quân chiến đấu. Họ tuyên thệ với nhà vua và sẽ không kết hôn hay sinh con trong suốt cuộc đời.
Một vài người bị buộc tham gia vào quân đội, thế nhưng hầu hết coi đó là một sự giải thoát khỏi nỗi bất hạnh của người nữ thông thường. Họ không còn phải bó mình trong gian bếp hay trên cánh đồng mà được trọng vọng như những vị anh hùng.
Dù vậy, chiến đấu chưa bao giờ là việc nhẹ nhàng. Để rèn luyện tinh thần của một sát thủ, các tân binh mới 16 tuổi đã phải tự tay đẩy tử tù xuống chỗ chết.
Sau đó, họ còn phải trải qua đợt huấn luyện gắt gao không khác gì “đấu trường sinh tử”. Kỷ luật và cường độ huấn luyện dày đặc đã vắt kiệt mồ hôi, máu và nước mắt của người phụ nữ, biến họ thành những cỗ máy nghiền nát quân thù.
Khi chính thức ra chiến trận, các nữ binh tự xưng là “N’Nommiton” (“Mẹ của chúng ta”). Họ sẽ chiến đấu cho đến chết trừ khi có lệnh rút lui của nhà vua.
Trong hai trận chiến giữa quân Pháp và người Dahomey (1890-1894), lính Pháp đã tử thương rất nhiều do đánh giá thấp đội quân tóc dài. Những kẻ sống sót trở về thì luôn bị ám ảnh bởi “sự dũng cảm và tàn bạo lạ thường” của nữ binh vùng Tây Phi.
Thế nhưng không có huyền thoại nào là mãi mãi. Cuối thế kỷ 19 bằng vũ khí hiện đại, Đế quốc Pháp đã đưa người Dahomey bước vào những ngày tàn.
Điều đáng nói là dù thời cuộc xoay vần nhưng người phụ nữ Dahomey vẫn giữ vững được kĩ năng và khí khái của mình. Bất kỳ lính Pháp nào đưa họ đến phòng ngủ đều gục chết vào sáng hôm sau, vết thương mở toang và sâu hoắm nơi cổ họng.
Người cuối cùng của đội quân phụ nữ được ghi nhận là bà Nawi, mất năm 1979 khi đã tròn 100 tuổi.
Nguồn: The Guardian, Face2face Africa