Không chỉ trẻ em, người lớn cũng "khốn đốn" với căn bệnh gây đau đớn kinh khủng này

Tiểu Nhã |

Sâu răng gây tổn thương nặng đến vùng lõi răng. Nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng viêm tủy răng, gây đau răng nặng nề làm ảnh hưởng đến sức khỏe

Bệnh ở mọi lứa tuổi

Bé Nguyễn Gia A. 4 tuổi, Hải Dương được bố mẹ đưa vào Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương khám sâu răng. Mẹ bé kể, bé bị sâu răng từ lâu nhưng bố mẹ nghĩ răng sữa sẽ thay khi bé học lớp 1 nên không chú trọng chăm sóc răng cho bé.

Cách đây 1 tháng, bé bị đau răng liên tục, không ăn được cơm chỉ ăn chút cháo loãng. Bà nội bé đi mua thuốc nam về đắp vào vết sâu cho bé và có bớt đau nhưng hậu quả là toàn bộ vùng răng bị tổn thương.

Qua thăm khám, bác sỹ thấy có rất nhiều vấn đề với hàm răng sữa của bé. Hầu như các răng của bé đều sâu và tổn thương tổ chức cứng của răng khá lớn. Tình trạng khớp cắn của bé cũng không tốt có cắn ngược vùng răng trước.

Các bác sĩ cho biết, nếu để tình trạng sâu răng này kéo dài mà không điều trị cho bé thì sẽ gây biến chứng viêm tuỷ. Như vậy sẽ làm bé rất đau, ảnh hưởng đến ăn nhai cũng như sinh hoạt của bé.

Sau khi tư vấn và được sự đồng ý của mẹ, bác sỹ đã làm cho bé 8 chụp thép có sẵn cho 8 răng hàm (thay vì hàn phục hồi thân răng vì tổn thương sâu răng khá lớn nên khả năng lưu giữ sẽ kém dễ bị bong chất hàn) và hàn phục hồi các răng phía trước bằng cement.

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng khốn đốn với căn bệnh gây đau đớn kinh khủng này - Ảnh 1.

Hình ảnh sâu răng

Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng bị sâu răng. Chị Vũ Hoàng Nhi – Đầm Trấu, Hà Nội cũng khốn khổ khổ vì sâu răng. Chị Nhi nghĩ, sâu răng không "gõ cửa" người lớn nên không bao giờ để ý. Chỉ đến khi răng đau, buốt kèm theo ê răng chị mới đi khám.

Bác sĩ cho biết, răng số 7 hàm dưới của chị bị sâu nặng gây viêm tuỷ không phục hồi đã phải điều trị cách đây 1 năm. Đến nay, răng số 7 đau trở lại, nghiêm trọng hơn răng số 6 hàm dưới cũng bị hõm sâu do sâu răng. Mỗi lần ăn gì chị lại bị ê buốt đặc biệt là ăn thức ăn nóng hay lạnh.

Trường hợp mắc bệnh sâu răng vẫn ngày càng tăng, đặc biệt là tỷ lệ bệnh sâu răng ở trẻ em Việt Nam đang gia tăng ngày càng cao. Ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe răng vĩnh viễn sau này, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng nhận biết được các dấu hiệu sâu răng ở trẻ. Chỉ đưa con em mình đến Bệnh viện chuyên khoa điều trị, cháu đã trong tình trạng bệnh rất nặng.

Trong nhiều trường hợp răng bị vi khuẩn tấn công, rất khó phát hiện. Chỉ đến khi răng bị ăn mòn, dấu hiệu sâu răng có nguy cơ biến chứng nguy hiểm thì nhiều người mới phát hiện ra mình bị sâu răng.

Dấu hiệu sâu răng

Bác sĩ Bùi Việt Hùng - Khoa Răng miệng – Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, sâu răng là sự tiêu hủy cấu trúc vô cơ của răng. Sâu răng do nhiều nguyên nhân phối hợp tạo ra.

Trong đó có 3 nguyên nhân chính dưới đây:

- Thứ nhất do vi khuẩn: Thường xuyên có trong miệng trong đó vi khuẩn S. mutans đóng vai trò quan trọng.

- Thứ hai: Chất bột và đường dính vào răng sau khi ăn sẽ lên men và biến thành axit do tác động của vi khuẩn. Thói quen này rất hay gặp đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên tình trạng sâu răng ở trẻ em ngày càng tăng.

- Thứ ba: Yếu tố cấu trúc của răng.

Ngoài ra còn nhiều yếu tố gây sâu răng như nước bọt, di truyền, một số yếu tố vi lượng như fluor, vitamin D, bệnh nhân tiểu đường...

Theo bác sĩ Hùng, để chẩn đoán sâu răng thường dựa vào các triệu chứng nên người bệnh cần chú ý răng của mình để điều trị sớm với các dấu hiệu dưới đây.

Nhìn thấy lỗ sâu: Thường là thương tổn men và ngà răng. Nếu dùng que nạo ngà, lấy hết vụn bẩn thức ăn trong lỗ sâu, sẽ thấy đáy lỗ sâu rộng hơn miệng lỗ.

Đau buốt khi kích thích: Khi thức ăn lọt vào lỗ sâu, khi ăn nóng, lạnh, ngọt..., bệnh nhân sẽ đau buốt; hết tác nhân kích thích sẽ hết đau.

Nếu thấy răng có lỗ sâu mà đau thành cơn kéo dài khoảng 10 phút rồi dịu dần thì đó là dấu hiệu nhiễm trùng tủy răng. Lúc này, sự can thiệp của thầy thuốc là rất cần thiết.

Để điều trị sâu răng, cần nạo sạch ngà vụn, sát khuẩn lỗ sâu và hàn kín. Tùy theo vị trí của lỗ sâu, mức độ sâu và điều kiện kinh tế của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chọn chất hàn phù hợp.

Để phòng sâu răng, không nên ăn vặt, nhất là thức ăn có đường; tăng cường thức ăn có nhiều chất xơ như rau, táo, cam...

Cần tăng cường chất lượng tổ chức cứng của răng bằng cách: người mẹ mang thai ăn uống tốt, nhất là cung cấp đủ canxi và vitamin; trẻ em cần chống còi xương, suy dinh dưỡng vì điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của răng. Vitamin D, fluor là chất vi lượng rất quan trọng để nâng cao chất lượng tổ chức cứng của răng.

Về vệ sinh răng miệng, cần chải răng đúng cách với kem chứa fluor, tốt nhất là sau bữa ăn. Nếu chải 1 lần/ngày thì nên làm vào buổi tối trước khi đi ngủ. Lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.

Nên thay bàn chải 3 - 4 tháng một lần, hoặc khi lông bàn chải tòe, mòn để có tác dụng làm sạch thức ăn, dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng.

Tăng cường ăn thức ăn có nhiều chất xơ nhằm gia tăng cọ xát, chải rửa tự nhiên khi ăn nhai. Nhiều trẻ em được cha mẹ cho ăn quá nhiều kẹo, nhất là vào buổi tối, lại không đánh răng sau khi ăn, hậu quả là hàm răng bị sâu "đục khoét" gây biến dạng, vừa mất thẩm mỹ, vừa gây ra đau đớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại