Theo báo cáo của hãng thông tấn Sina (Trung Quốc) ngày 17/3, một số nguồn tin Trung Quốc xác nhận rằng, một "tòa tháp cao" đã được dựng lên và đưa vào sử dụng. Đây chính là tháp radar của hệ thống radar chống tàng hình Vera-NG mới được Việt Nam nhập khẩu từ Cộng hòa Séc.
Sina cho rằng, Vera-NG là một trong những hệ thống radar chống tàng hình tiên tiến nhất thế giới hiện nay, có thể phát hiện nhiều máy bay chiến đấu tàng hình khác nhau bao gồm cả máy bay J-20 của Trung Quốc.
Tháp radar xuất hiện chính thức đánh dấu việc Quân đội Việt Nam đã triển khai thành công hệ thống radar chống tàng hình Vera-NG.
Vera-NG được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc chiến Kosovo, khi đó Nam Tư đã sử dụng hệ thống radar này để theo dõi và bắn hạ máy bay ném bom tàng hình F-117 của Quân đội Mỹ.
Sau khi kết thúc chiến tranh, hệ thống radar này tiếp tục được Cộng hòa Séc nâng cấp và sử dụng nó như một phương tiện chính để chống lại các máy bay chiến đấu tàng hình chống lại các quốc gia xung quanh.
Radar Vera-NG có khả năng chống tàng hình mạnh mẽ.
Vera-NG là hệ thống radar mảng pha thụ động hoạt động theo phương pháp TDOA (Time Difference Of Arrival). Đây là phương pháp đo đạc chênh lệch thời gian, phát hiện và bám sát nguồn bức xạ vô tuyến, dựa trên vi sai thời gian lan truyền của sóng điện từ, từ nguồn bức xạ đến các đài thu.
Do hoạt động theo nguyên lý thu động, nên radar Vera-NG gần như vô hình với các thiết bị chống radar thông thường; hệ thống có thể phát hiện bức xạ điện từ của các vật thể bay, để trinh sát, theo dõi mục tiêu và điều khiển hỏa lực cho các tổ hợp đánh chặn (pháo, tên lửa).
Hệ thống Vera-NG gồm ba đài thu tín hiệu vô tuyến có thể bao quát không phận 360 độ và trạm xử lý trung tâm đóng vai trò là đài vô tuyến điện thứ hai.
Máy tính trung tâm tiến hành kết nối và đồng bộ hóa các tín hiệu, tính toán và xác định sớm tọa độ của mục tiêu, bao gồm khoảng cách, góc phương vị...
Việt Nam sở hữu Vera-NG có thể "tóm gọn" nhiều loại máy bay tàng hình.
Vera-NG có phạm vi theo dõi lên đến 400 km đối với vật thể bay thông thường có diện tích phản xạ radar (RSC) khoảng 1m2, các máy bay chiến đấu tàng hình mới như F-22, F-35 và J-20 đều sẽ hiện hình toàn bộ trên hệ thống radar này. Còn đối với máy bay ném bom tàng hình B-2, phạm vi phát hiện của Vera-NG là 250 km.
Dải tần làm việc của radar nằm trong phạm vi tần số 50 MHz và tần số tối đa là 18 GHz. Hệ thống có thể theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc trong thời gian cập nhật tham số từ 1-5 giây, sai số khoảng 20 m.
Ngoài khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình ở khoảng cách xa, bản thân Vera-NG cũng có khả năng tàng hình tương đối tốt, có thể tránh được các cuộc oanh tạc bằng tên lửa dò bức xạ của đối phương, đây là loại tên lửa được phát triển để tìm kiếm và tiêu diệt các trung tâm phát ra sóng phát xạ vô tuyến.
Radar này cũng được trang bị khả năng gây nhiễu điện tử mạnh mẽ, các hệ thống của tổ hợp radar này được lắp đặt trên khung xe dã chiến bánh lốp 6x36 có khả năng cơ động tác chiến nhanh trên đại đa số các địa hình, điều này cũng làm tăng đáng kể khả năng sống sót của radar này.
Đáng chú ý, hệ thống Vera-NG được triển khai cùng với hệ thống tên lửa phòng không SPYDER nhập khẩu từ Israel, sự kết hợp này làm cho radar Vera-NG có thể tránh được các cuộc tấn công "phủ đầu" của đối phương.
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, Vera-NG thực sự là một radar chống tàng hình nổi tiếng thế giới. Sau chiến tranh Kosovo, Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên kế hoạch mua radar này, nhưng đã buộc phải đình chỉ do bị Mỹ ngăn chặn.
Việt Nam trang bị loại radar này đã nâng cao đáng kể sức mạnh quân sự của mình, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại với đa số vũ khí đều được trang bị khả năng tàng hình.