Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số những ca tử vong có liên quan tới ung thư trên toàn thế giới. Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) ước tính trong năm 2020, toàn thế giới có khoảng 1,8 triệu ca tử vong do ung thư phổi.
Khi nhắc tới ung thư phổi, phần lớn mọi người đều nghĩ tới thuốc lá. Thế nhưng trên thực tế, có rất nhiều người không hút thuốc lá vẫn được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Hãy cùng tìm hiểu về những yếu tố khác có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển căn bệnh ung thư đáng sợ này.
6 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư phổi (Ảnh minh họa)
Cho tới nay, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới ung thư phổi. Khoảng 80% số ca tử vong do ung thư phổi có nguyên nhân từ hút thuốc. Nguy cơ mắc ung thư phổi ở những người hút thuốc lá cao gấp nhiều lần so với người không hút thuốc. Thời gian hút thuốc càng lâu và số lượng thuốc lá hút càng nhiều, nguy cơ mắc ung thư phổi sẽ càng lớn.
Tuy nhiên, không chỉ những người hút thuốc trực tiếp mà những người hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc) cũng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân phổ biến thứ 3 gây ung thư phổi tại quốc gia này.
Việc hút xì gà, thuốc lào cũng có khả năng gây ung thư phổi tương đương với hút thuốc lá.
Tiếp xúc với radon
Radon là một loại khí phóng xạ không màu, không mùi, hình thành từ sự phân hủy uranium trong đất và đá. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, radon là nguyên nhân gây ung thư phổi đứng hàng thứ 2 ở quốc gia này và là nguyên nhân hàng đầu ở những người không hút thuốc.
Tiếp xúc với amiăng
Những người thường xuyên tiếp xúc với amiăng (như người làm trong hầm mỏ, nhà máy dệt, nhà máy đóng tàu hoặc nơi có sử dụng vật liệu cách nhiệt) có nguy cơ tử vong vì ung thư phổi cao hơn gấp nhiều lần.
Việc tiếp xúc với amiăng thường xuyên làm tăng nguy cơ phát triển u trung biểu mô (loại ung thư hình thành ở màng phổi).
Ngoài radon, amiăng, việc tiếp xúc thường xuyên với quặng phóng xạ như uranium, hóa chất asen, berili, cadmium, silica, vinyl clorua, hợp chất niken, hợp chất crom, sản phẩm than, khí thải diesel cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi (Ảnh minh họa)
Ô nhiễm không khí, đặc biệt tại những thành phố có mật độ giao thông đông đúc, cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư phổi. Nguy cơ mắc ung thư phổi do ô nhiễm không khí dù thấp hơn nhiều so với hút thuốc lá, nhưng theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khoảng 1-2% số ca tử vong do ung thư phổi tại quốc gia này có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí.
Đã từng xạ trị tại vùng ngực
Những người đã từng xạ trị vào vùng ngực để điều trị các bệnh ung thư khác, ví dụ như ung thư vú, bệnh Hodgkin, có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn, đặc biệt nếu họ hút thuốc.
Tiền sử cá nhân hoặc gia đình
Những người đã từng bị ung thư phổi vẫn có nguy cơ tái phát bệnh. Những người có người thân trong gia đình mắc ung thư phổi cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.
Có dấu hiệu nào cần đi khám ung thư phổi?
Ho kéo dài, đặc biệt nếu bạn là người hút thuốc, hãy cẩn trọng với ung thư phổi (Ảnh minh họa)
Ung thư phổi có nhiều dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp thông thường nên khó phát hiện ở các giai đoạn sớm. Đó chính là lý do vì sao tỷ lệ tử vong do ung thư phổi vẫn ở mức cao.
Những triệu chứng phổ biến của ung thư phổi là:
- Ho dai dẳng
- Đau, tức ngực
- Khó thở
- Ho ra máu
- Mệt mỏi
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần
Việc nhận biết được các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn đầu sẽ giúp ích cho quá trình điều trị và tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là chủ động phòng ngừa ung thư phổi. Theo đó, mọi người nên bỏ hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá. Đối với những người làm việc trong môi trường có các hóa chất độc hại nêu trên cần sử dụng các công cụ bảo hộ lao động; người sống trong khu vực ô nhiễm không khí nên hạn chế ra ngoài khi chất lượng không khí được cảnh báo nguy hiểm và đeo khẩu trang khi ra ngoài, cùng với đó là thực hiện một lối sống khoa học, lành mạnh.
Đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt đối với những người mang yếu tố nguy cơ, cũng sẽ giúp phát hiện sớm ung thư phổi.