Ung thư dạ dày vì ăn mặn
45 tuổi, anh Nguyễn Văn H. trú tại Hà Nội vừa trải qua cuộc phẫu thuật trị ung thư dạ dày. Anh H. kể, anh bị viêm dạ dày khoảng chục năm nay, điều trị khoảng 3 năm nay bệnh đã khỏi.
Gần đây, anh lại có cảm giác đau ở thượng vị kèm theo chán ăn nên đi kiểm tra. Nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện có vết loét to ở niêm mạc dạ dày, sinh thiết thấy bệnh nhân đã dương tính với ung thư dạ dày.
Anh H. được phẫu thuật cắt bỏ khối u và nạo tổn thương. Ca phẫu thuật thành công, anh H được bác sĩ chuyển sang điều trị hoá chất.
Anh H. tâm sự, khi vào đây điều trị, được bác sĩ dặn đừng ăn mặn mà anh thấy khó chịu không nuốt nổi. Từ trước tới nay anh ăn rất mặn.
Vợ anh kể “đồ chị xào cho cả nhà bao giờ anh ý cũng phải chấm mới đủ vị của mình. Anh ấy ăn mặn nên thành quen, cả nhà ăn nhạt hơn chút nhưng lúc nào anh cũng có bát nước mắm để bên cạnh” .
Anh H. được bác sĩ giải thích vì thói quen ăn mặn kèm theo có tiền sử viêm dạ dày nên lớp niêm mạc bị tổn thương.
Quan niệm của mọi người chỉ nghĩ ăn mặn hại thận chứ chẳng ai ngờ rằng ăn mặn còn có khả năng gây ung thư.
Muối làm tan chảy các màng nhày ở dạ dày |
Hay như câu chuyện của Vũ Thị H. 28 tuổi, bị ung thư dạ dày đang phải điều trị tại bệnh viện. Mái tóc rụng chẳng còn cọng nào, hàng ngày, H. đội tóc giả để che đi nỗi mặc cảm đầu trọc.
H. chưa lập gia đình, 1 năm trước cô bị đau bụng, kèm theo buồn nôn. Đi khám bệnh bác sĩ cho biết H, bị ung thư dạ dày.
H. vô cùng lo lắng bởi vì em còn quá trẻ. Cách đây không lâu bố của H. cũng bị ung thư tuỵ qua đời. Nỗi lo về căn bệnh ung thư ngày càng lớn ở gia đình cô.
H. kể, cô cũng ngỡ ngàng khi trò chuyện với bác sĩ của mình, người bác sĩ hỏi H. về chế độ ăn trong đó có ăn mặn. Bản thân cô và gia đình ăn khá mặn. H cho biết “bạn bè em ai cũng chê em ăn mặn, em biết nhưng thói quen khó bỏ nên kệ”.
Từ ngày bị bệnh, H. phải ăn nhạt thậm chí chỉ cho chút xíu nước mắm nên mọi thứ cô còn chẳng thấy ngon nhưng vì bệnh nên H phải chấp nhận.
Ăn mặn cực hại dạ dày
Bệnh ung thư dạ dày phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước kém phát triển. Nó là nguyên nhân hàng đầu của các ca tử vong liên quan đến ung thư trên thế giới.
Riêng tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ hai ở nam giới sau ung thư phổi, thứ ba ở nữ giới sau ung thư vú và cổ tử cung.
Khoảng 2/3 người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, khối u đã xâm lấn và di căn hạch lympho hay di căn xa.
Bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết bệnh dạ dày chưa có nguyên nhân rõ ràng nhưng dựa trên các yếu tố người ta thấy rằng ung thư dạ dày có liên quan tới các lối sống sinh hoạt, ăn uống đặc biệt là thói quen ăn mặn.
Nếu ăn trên 5gram muối/ngày thì không chỉ hại tim mạch mà còn hại dạ dày bởi muối mặn làm tan các chất nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày làm cho các chất độc, các chất có khả năng gây ung thư tiếp xúc trực tiếp lên niêm mạc dạ dày ảnh hưởng tới các tế bào đó.
Người ta đã làm các nghiên cứu thấy rằng tỷ lệ ung thư dạ dày giảm ở các nước Châu Âu và Mỹ do họ bỏ thói quen muối cá trong tủ lạnh còn ngược lại ở các nước châu Á tăng nhất là các nước có thói quen ăn dưa muối, cá muối.
Không chỉ mặn, các thực phẩm như cá muối, dưa cà muối tuy rất tiện lợi và dễ ăn nhưng chúng lại chứa khá nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày có thể kết hợp thành chất Nitrosamines cực độc gây ung thư.
Vì vậy hãy hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này và nên dùng đồ ăn tươi sống sẽ đầy đủ chất dinh dưỡng và an toàn hơn cho dạ dày của bạn.
Yếu tố nguy cơ:
- Có tiền sử gia đình bị bệnh
- Có tiền sử bệnh lý về dạ dày
- Ăn nhiều thức ăn có chứa nitrat, nitrit, nitrosamin: dưa cà muối, đồ nướng, thịt xông khói.
- Nhiễm vi khuẩn HP gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
- Dị sản, loạn sản về ung thư
Triệu chứng điển hình của ung thư dạ dày:
- Ăn không ngon miệng, không muốn ăn
- Đầy hơi, khó tiêu
- Đau vùng thượng vị ở nhiều mức độ khác nhau
- Nôn và buồn nôn liên tục
- Hẹp môn vị, thể trạng suy kiệt, sút cân nhanh
- Có xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu, nhược sắc.
- Có u thượng vị, hạch di căn xa, cổ chướng