Ngày 22/2, một video ghi lại sự cố trong nhà bếp khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, chú chuột đã vô tình chạy ngang qua khu vực bếp từ/bếp hồng ngoại. Lần đầu tiên, con vật khiến bếp được khởi động. Còn ở lần thứ 2 chạy qua, chú chuột tiếp tục kích hoạt bếp sang chế độ nấu. Lúc này, trên mặt bếp cũng đang đặt 1 chiếc nồi, bởi vậy, khi không có người tắt kịp thời, nhiệt từ bếp đã khiến nồi bị cháy. Từ đó bốc khói nghi ngút, lan rộng ra cả căn bếp. Sự việc diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng chưa tới 1 phút.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố như thế này. Ngày 3/7/2023, một căn hộ chung cư ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) xảy ra vụ cháy. Đám cháy xuất phát từ khu vực bếp từ, nguyên nhân sơ bộ có thể là do vật nuôi chạy qua, tác động đến nút cảm ứng làm khởi động bếp từ, dẫn đến cháy.
Đây mới chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến bếp từ hoạt động khi không có người sử dụng. Dưới đây là những lý do khác dẫn đến tình trạng này.
1. Do quạt tản nhiệt bị lỗi
Một trong những nguyên nhân khiến bếp từ bật tắt liên tục chính là do quạt tản nhiệt bị hư. Quạt tản nhiệt sử dụng thời gian dài có thể bị hỏng và không làm mát cho thiết bị, khiến bếp bị quá nhiệt và xảy ra lỗi mở rồi lại tắt.
2. Do bo mạch điện bị chập/hỏng
Khi sử dụng bếp trong thời gian dài, bo mạch điện sẽ dễ bị chập hoặc hỏng khiến bếp từ bị bật tắt liên tục. Ngoài ra, môi trường sử dụng ấm thấp cũng khiến bo mạch điện hoạt động không ổn định, dẫn đến tình trạng trên.
Phải làm gì để sử dụng bếp từ an toàn?
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam cho biết, về nguyên tắc an toàn khi dùng điện trong gia đình, mỗi đồ điện đều cần có 1 aptomat riêng, dùng xong là tắt ngay aptomat. Các sản phẩm đồ gia dụng như bếp, lò vi sóng, tivi, máy giặt, bình nóng lạnh, nồi cơm điện, tủ lạnh, điều hòa… tiêu tốn một lượng điện năng khá lớn. Khi dùng xong phải ngắt nguồn điện bởi nếu không, thiết bị vẫn sẽ hoạt động ở chế độ chờ, tiêu tốn điện nuôi bo mạch.
Theo TS. Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội, để hệ thống điện gia đình luôn an toàn, rất cần sự trợ giúp của thợ bảo dưỡng chuyên nghiệp 1 - 2 lần/ 1 năm. Nhờ họ kiểm tra và phát hiện những dấu hiệu bất thường mà bản thân khó có thể biết.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần tạo thói quen kiểm tra hệ thống, rút phích cắm các thiết bị điện trước khi đi ngủ, trước khi rời khỏi nhà hoặc nơi làm việc để bảo đảm đã kiểm soát được các hệ thống thiết bị điện; tránh bỏ quên có thể gây ra sự cố cháy nổ.
Bếp từ hiện đại được trang bị nhiều tính năng an toàn để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ và các tai nạn trong nhà bếp. Dưới đây là một số tính năng an toàn phổ biến trên bếp từ, bạn có thể tham khảo khi mua sản phẩm này:
Khóa trẻ em: Tính năng này giúp ngăn trẻ em tò mò với bếp từ bằng cách khóa các chức năng điều khiển. Điều này giúp tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.
Khóa vệ sinh: Sử dụng khi bạn làm vệ sinh bếp để quá trình vệ sinh diễn ra thuận tiện, không ảnh hưởng đến các linh kiện khác.
Cảm biến tự động tắt: Nếu không có nồi hoặc chảo nào được đặt lên mặt bếp từ trong một khoảng thời gian nhất định, bếp từ sẽ tự động tắt nguồn để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ.
Hệ thống ngắt an toàn: Nếu nhiệt độ quá cao hoặc có quá tải điện, bếp từ sẽ tự động ngắt nguồn để đảm bảo an toàn.
Cảnh báo tràn nước: Nếu nước tràn ra khỏi nồi hoặc chảo, bếp từ sẽ phát ra âm thanh cảnh báo để người dùng có thể khắc phục tình trạng này kịp thời.
Bảo vệ quá nhiệt: Bếp từ được trang bị cảm biến để giám sát nhiệt độ của nồi hoặc chảo và ngắt nguồn nếu nhiệt độ quá cao để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ.
Khóa vận hành: Tính năng này giúp ngăn người dùng sử dụng các tính năng điều khiển khi không có nồi hoặc chảo được đặt trên mặt bếp từ, giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn.
Tổng hợp