Quanchao Technology, một trang tin công nghệ của Trung Quốc, đã công bố những bức ảnh về một ngọn núi rỗng mà Huawei đã biến thành một trung tâm dữ liệu siêu an toàn. Điều này được so sánh với các trung tâm dữ liệu dưới biển của Microsoft.
Theo trang này, Huawei đã khoét những ngọn đồi hoặc ngọn núi để đặt các máy chủ dữ liệu của mình, trong khi Microsoft đã đặt một số máy chủ ở ít nhất hai địa điểm sâu dưới biển.
Tại sao họ làm vậy? Cách làm của ai hiệu quả hơn?
Mục tiêu thì giống nhau, đều là để làm mát hệ thống máy móc.
Khi thời đại kỹ thuật số tiến bộ, nhiều công ty công nghệ có tổ hợp máy chủ của riêng họ. Với nhu cầu xử lý dữ liệu ngày càng cao, điều này cũng khiến cho các trung tâm dữ liệu trở nên quá tải, nhu cầu tản nhiệt cũng tăng theo. Điều này đã trở thành một vấn đề đau đầu cho tất cả các công ty.
Năm 2014, Microsoft đã tiến hành một cuộc thử nghiệm ngoài khơi bờ biển California của Mỹ, trong đó gần 300 máy chủ được đặt trong cabin kín khí nặng 17 tấn bằng thép và hạ xuống đáy biển.
Hơn 100 loại cảm biến đã được lắp đặt trong cabin, chủ yếu để phát hiện áp suất kín khí khi các máy chủ ở dưới nước và để có thể phát hiện xem có rò rỉ, hư hỏng bộ phận hoặc nhiễu, chẳng hạn như do tàu ngầm gây ra hay không.
Tại sao Microsoft chọn cách này?
Theo cách hiểu thông thường, yếu tố nguy hiểm nhất đối với thiết bị điện tử là nước. Nhưng một máy chủ tốc độ cao có thể nóng lên nghiêm trọng và có hàng trăm máy chủ trong một trung tâm dữ liệu, vì vậy nhiệt độ cao có thể trở nên nguy hiểm - làm tê liệt các trang trại máy chủ.
Trong những năm qua, chi phí làm mát máy chủ của các doanh nghiệp là những con số khổng lồ. Hóa đơn tiền điện cho toàn bộ trung tâm dữ liệu trung bình chiếm khoảng 20% tổng chi phí điện và 41% trong số đó dành cho việc làm mát.
Vì vậy, các công ty không ngừng tìm kiếm các phương pháp tản nhiệt tiết kiệm chi phí. Động thái “làm mát bằng nước” của Microsoft chắc chắn là một ý tưởng thông minh, nhằm tận dụng nhiệt độ thấp của đáy biển.
Sau khi xác nhận tính khả thi của khái niệm trung tâm dữ liệu dưới nước, một thử nghiệm thứ hai đã được triển khai ở Scotland vào tháng 6/2019. Lần này, trung tâm dữ liệu được thiết kế giống như một chiếc tàu ngầm dài tới 12m.
Trong khi đó, trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới nằm ở Gui'an, Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc. Các trung tâm dữ liệu của Huawei, Apple, Tencent và các công ty khác được đặt trong những ngọn núi. Ngay cả trung tâm dữ liệu lớn quốc gia của Trung Quốc cũng được đặt tại đây.
Nổi tiếng nhất trong số đó là Trung tâm dữ liệu Huawei Qixinghu, có diện tích hơn 400.000 mét vuông. Một ngọn núi lớn đã bị khoét rỗng và hơn 600.000 máy chủ lưu trữ được đặt bên trong.
Tại sao Huawei chọn xây dựng trung tâm dữ liệu ở Quý Châu? Và lợi ích của việc khoét rỗng cả một ngọn núi là gì?
Quận mới Gui'an ở Quý Châu có những đặc điểm địa lý đặc biệt. Có rất nhiều hang động trong núi, vì vậy việc khoét rỗng cả một ngọn núi ở khu vực này là tương đối dễ dàng. Và nhiệt độ thấp hơn nhiều so với bên ngoài. Ngay cả trong mùa hè, nhiệt độ có thể được duy trì ở khoảng 25 độ C.
Địa chất nơi này cũng tương đối ổn định. Có ít rủi ro địa chất như động đất và lở đất, đảm bảo sự ổn định khi đặt các trung tâm dữ liệu ở đó.
Quý Châu cũng giàu tài nguyên nước và dư thừa điện năng. Điều này đảm bảo rằng một trung tâm dữ liệu có đủ năng lượng, cũng như lợi thế về giá điện thấp hơn, có thể giảm chi phí vận hành ở một mức độ nhất định.
Mặc dù có vẻ như phương pháp tản nhiệt mà Microsoft sử dụng tiên tiến hơn, nhưng phương pháp “máy chủ dưới nước” hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ được sử dụng trên quy mô lớn trong tương lai. Phương pháp tản nhiệt của Huawei rõ ràng là hoàn thiện hơn vì nó sử dụng tản nhiệt tự nhiên.