Không chỉ có quái vật khổng lồ, bầu trời của nước Úc cũng vô cùng kỳ lạ với loại mây siêu hiếm này

J.D |

Một loại mây cực kỳ hiếm gặp mà rất ít người biết về chúng, nên đã lạ nay còn lạ hơn.

Nước Úc vốn là một quốc gia có nhiều đặc điểm thiên nhiên kỳ lạ. Ở đây, bạn có thể tìm thấy những loài vật nguy hiểm nhất thế giới, hoặc những sinh vật có kích cỡ nổi bật so với phần còn lại của thế giới - như chú bò Knickers cao gần 2m từng làm mưa làm gió cuối năm 2018 chẳng hạn.

Nhưng cái lạ của nước Úc không dừng lại ở đó đâu. Những sự kiện khí tượng kỳ lạ và hiếm gặp bậc nhất cũng xuất hiện trên bầu trời của quốc gia này, như đám mây dưới đây chẳng hạn.

Những đám mây kỳ lạ này có tên "mây ban mai huy hoàng" (morning glory cloud). Chúng có hình dạng những ống khói vắt ngang trời, có thể kéo dài đến hàng ngàn kilomet. Nhưng điểm quan trọng nhất là bạn chỉ có thể quan sát được loại mây này ở Úc mà thôi.

Cụ thể là tại Thị trấn vùng vịnh thuộc vinh Carpentaria, phía Tây Bắc Queensland (Úc) trong giai đoạn tháng 9 - tháng 11.

Nguyên nhân tạo ra những đám mây kỳ lạ này hiện tại vẫn chưa được làm rõ. "Thứ gì đã tạo ra những đám mây dài ngoẵng lạ lùng này? Chẳng ai biết!" - trích trong một bản báo cáo của NASA vào năm 2009.

Tất cả những gì khoa học hiểu được về loại mây này là điều kiện thời tiết để chúng xảy ra. Đó là khi nhiệt độ đột ngột giảm xuống, áp suất tăng lên, kèm theo một luồng gió mạnh thổi từ biển vào.

Trong điều kiện như vậy, không khí phía trước những đám mây sẽ dịch chuyển hướng lên trên với tốc độ nhanh, trong khi phía sau thì rơi xuống, tạo thành các cuộn mây hình ống kéo dài. Có những thời điểm, trên bầu trời có đến cả chục đám mây như thế.

Không chỉ có quái vật khổng lồ, bầu trời của nước Úc cũng vô cùng kỳ lạ với loại mây siêu hiếm này - Ảnh 1.

"Những đám mây dài hình trụ có thể hình thành khi các luồng không khí ẩm, lạnh gặp phải một lớp khí đảo ngược," - NASA cho biết.

"Loại mây này có thể tương đối nguy hiểm cho các chuyến bay, vì không khí xung quanh trở nên nhiễu loạn."

Mây "ban mai huy hoàng" có tốc độ rất cao, thường lên tới 10 - 20m/s (tương đương hơn 70km/h). Khi dịch chuyển, nó lại tiếp tục tạo các cột mây phía trước, trong khi mây phía sau dần tĩnh lặng trở lại.

Cũng theo NASA, có thể các luồng gió biển lạnh với cường độ lớn đặc trưng từ Vịnh Carpenteria vào mùa xuân là nguyên nhân chủ yếu tạo ra loại mây này. Đó cũng là lý do vì sao chỉ có ở vùng đất này, chúng ta mới có thể được ngắm loại mây kỳ lạ ấy thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại