Không chỉ có pháo to, giáp xịn, xe tăng T-90 Việt Nam còn có một khả năng đặc biệt

Trà Khánh |

Chỉ mất khoảng 20 phút chuẩn bị, chiếc xe tăng T-90S nặng hơn 46 tấn của Việt Nam hoàn toàn có thể di chuyển dưới nước như một chiếc tàu ngầm.

Khả năng đặc biệt của xe tăng T-90S Việt Nam

Trong cuộc tập trận "Trung tâm-2019" vừa qua, Quân khu Trung tâm của Nga đã thực hiện một cuộc hành quân đặc biệt khiến giới quan sát quân sự phải trầm trồ, khi cơ động đưa hàng trăm xe thiết giáp và xe tăng vượt sông đánh chiếm đầu cầu cùng một lúc mà không cần tới cầu phao hay phà cơ giới.

Trong nhiệm vụ trên hầu hết xe thiết giáp của Quân đội Nga đều có thể lội nước vượt qua sông dễ dàng, thì đối với xe tăng lại khó hơn nhiều khi chúng không bơi mà lặn qua sông. Thật vậy, tất cả các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện nay của Nga đều được thiết kế để lặn vượt chướng ngại nước.

Và dĩ nhiên những chiếc xe tăng T-90S/SK của Việt Nam cũng được trang bị tính năng đặc biệt này, và chỉ mất khoảng 20 phút chuẩn bị một chiếc xe tăng nặng hơn 46 tấn như T-90S hoàn toàn có thể di chuyển dưới nước như một chiếc tàu ngầm.

Không chỉ có pháo to, giáp xịn, xe tăng T-90 Việt Nam còn có một khả năng đặc biệt - Ảnh 1.

Xe tăng T-90A của Quân đội Nga với nòng pháo được bọc kín sẵn sàng cho nhiệm vụ vượt sông. Ảnh: RT.

Lái xe tăng T-90 lặn vượt qua chướng ngại nước là một trong những kỹ năng khó đối với bất cứ kíp xe nào, và họ phải trải qua một khóa huấn luyện lặn đặc biệt mới có thể thực hiện được khoa mục này.

Bên cạnh đó lính xe tăng còn được học cách xử lý các tình huống khẩn cấp và quan trọng nhất là không được hoảng loạn khi xe ngập nước.

Không chỉ có pháo to, giáp xịn, xe tăng T-90 Việt Nam còn có một khả năng đặc biệt - Ảnh 2.

Xe tăng T-90A của Nga lao thẳng xuống nước. Ảnh: RT.

Trong trường hợp nước tràn vào xe khi đang lặn, kíp lái của xe tăng T-90 sẽ phải sử dụng một mặt nạ dưỡng khí đặc biệt có sẵn trong xe để thoát ra ngoài an toàn hoặc thực hiện một số hoạt động đơn giản dưới nước. Mẫu mặt nạ dưỡng khí này cho phép người đeo thở dưới nước trong khoảng 90 phút đủ thời gian thoát ly ra khỏi xe hoặc đợi cứu hộ.

Tuy nhiên, bên cạnh các kỹ năng cần thiết dành cho kíp lái, bản thân xe tăng T-90 cũng được trang bị các thiết bị đặc biệt giúp nó có thể vượt sông một cách an toàn. Bởi suy cho cùng T-90 được thiết kế hoạt động trên cạn chứ không phải dưới nước.

Theo đó, để có thể lặn được dưới nước, kíp lái T-90 cần phải chuẩn bị một số bước để đảm bảo xe tăng kín nước như lắp đệm su vào cửa xe, che nòng pháo chính và xử lý các khoảng trống nhỏ trên xe bằng một loại chất bôi trơn chống thấm đặc biệt.

Bộ phận quan trọng nhất trên xe tăng cần phải được bảo vệ khi lặn dưới nước đó chính là hệ thống động cơ, bản thân động cơ của xe tăng T-90 cũng đã được thiết kế cho nhiệm vụ này nên chỉ cần bọc kín bộ tản nhiệt động cơ bằng lớp vỏ bảo vệ đi kèm và vặn chặn các van của hệ thống ống xả thì chiếc xe đã có thể lặn.

Ngoài ra để động cơ hoạt động trơn tru khi lặn, T-90 còn được trang bị một ống thông hơi cao khoảng 4-5m để dẫn không khí vào động cơ khi nó hoạt động dưới nước. Với chiều dài của ống thông hơi như trên thì độ sâu tối đa mà xe tăng T-90 và nhiều dòng xe tăng khác của Nga có thể lặn được là xấp xỉ 5m.

Không chỉ có pháo to, giáp xịn, xe tăng T-90 Việt Nam còn có một khả năng đặc biệt - Ảnh 4.

Xe tăng T-90 Việt Nam được kiểm tra kín nước tại nhà máy của UralVagonZavod trước khi được xuất xưởng. Ảnh: ND news.

Tất nhiên, để có thể thực hiện được tất cả các bước trên bản thân chiếc T-90 ngay từ ban đầu đã phải kín nước, chính vì vậy mà trước khi xuất xưởng mỗi chiếc T-90S/SK của Việt Nam đều phải trải qua một bài kiểm tra độ kín nước với một bể nước sâu 5m trong vòng 20 phút.

Đây cũng là cách cơ bản để kiểm tra các hệ thống phòng vệ chống các loại vũ khí sinh hóa học trên dòng xe tăng T-90.

Đòn tấn công bất ngờ từ vị trí không ai ngờ

Việc chế tạo những chiếc xe tăng biết lặn đã được Liên Xô thực hiện từ những năm 1950, kề từ dòng xe tăng hạng trung T-54/55 – dĩ nhiên những chiếc T-54/55 của Việt Nam cũng sở hữu khả năng lặn nhẹ nhưng không được thiết kế tối ưu và an toàn như những chiếc xe tăng T-90S mới nhận.

Không chỉ có pháo to, giáp xịn, xe tăng T-90 Việt Nam còn có một khả năng đặc biệt - Ảnh 5.

Với một mũi tấn công bất ngờ bằng xe tăng từ dưới mặt nước chọc sâu vào hậu tuyến của đối phương có thể khiến cả một tuyến phòng thủ sụp đổ. Ảnh: Sputnik.

Trong khi đó các mẫu phương tiện bọc thép lội nước được Liên Xô phát triển từ trước Chiến tranh Thế giới thứ 2, điển hình như xe tăng hạng nhẹ T-26 và BT-5 với các thiết bị đặc biệt có tính năng không khác biệt nhiều lắm so với những chiếc xe tăng hiện đại.

Yêu cầu tác chiến vượt chướng ngại nước của xe tăng khi không cần tới cầu phao hay phà càng được Liên Xô quan tâm trong Chiến tranh Lạnh. Bởi nếu xảy chiến tranh với NATO, xe tăng của Liên Xô chắc chắn sẽ phải vượt qua hệ thống sông ngòi chằng chịt ở châu Âu.

Việc các phương tiện bọc thép có thể cơ động bí mật vượt các chướng ngại nước trong thời gian ngắn có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của cả một cuộc chiến, bởi chỉ với một mũi tấn công bất ngờ bằng xe tăng thọc sâu vào hậu tuyến của đối phương có thể khiến cả một tuyến phòng thủ sụp đổ.

Điều này ít nhiều đã được chứng minh thông qua cuộc Kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta, khi lực lượng tăng thiết giáp non trẻ của Việt Nam với những chiếc xe tăng và xe bọc thép lội nước tạo thành những mũi tiến công thần tốc đánh bại hệ thống phòng ngự quân đội VNCH trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Xe tăng T-90A của Quân đội Nga trình diễn khả năng lội nước với thiết bị đặc biệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại