Những người cha - họ không phải là siêu nhân, cũng chẳng có bất kỳ siêu năng lực nào nhưng luôn là anh hùng trong mắt những đứa con bé bỏng. Sứ mệnh của cha bắt đầu từ giây phút ẵm trên tay hài nhi vừa cất tiếng khóc chào đời.
Hạnh phúc trào dâng biết rằng từ nay về sau mình sẽ là cánh chim chở che cho ai đó. Không bao giờ khóc trước mặt con, luôn mạnh mẽ hết sức, cha âm thầm gồng gánh mọi chuyện để biến bước đường phía trước con đi bớt chông gai.
Có những chuyện về cha và con, chúng ta đã biết và cũng có những chuyện chúng ta chưa bao giờ được nghe, và thậm chí sẽ là không bao giờ. Bởi vì cha mẹ chỉ có niềm tự hào duy nhất là con cái, những chuyện đằng sau chẳng nhất thiết phải để ai biết.
Bé Bôm: "Bố Tuấn làm gì cũng nghiệp dư, chỉ có tình yêu dành cho Bôm thì PRO"
Ngay từ khi sinh ra, Bôm mắc bệnh APERT - xương cứng sớm cục bộ, căn bệnh hiếm gặp đến mức tỷ lệ chỉ 1/88.000 trẻ. Giây phút đầu tiên lật khăn nhìn con trai, Quốc Tuấn như sụp đổ. Ngày nào anh cũng vào viện thăm Bôm, cứ khi anh vỗ về âu yếm, Bôm lại nắm lấy ngón tay của bố, thật chặt!
Và từ cái nắm tay đó, Quốc Tuấn biết rằng anh sẽ làm mọi thứ, hy sinh tất cả để con trai có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Ngày trước khi nhỏ có bao nhiêu đòn vọt, ngã đau hay bị phạt cũng không bao giờ anh khóc, nhưng chẳng hiểu sao giờ có đứa con lại đâm dễ mủi lòng như thế! Cứ như thế suốt hành trình kéo dài 15 năm, một bên Quốc Tuấn âm thầm khóc, bên kia vẫn giữ nguyên cho Bôm tuổi thơ, cố gắng dành tặng con trai cuộc sống tươi đẹp nhất mà anh có thể.
Cho đến khi hai bố con cùng ngồi xem lại chương trình "Điều ước thứ 7" lắng nghe những tâm sự của "người anh", 2 đêm liền Bôm không ngủ được vì quá xúc động.
Bây giờ cuộc sống của Bôm có "anh" Tuấn, có đàn, ngoài ra em không có bất cứ sở thích nào nữa. Quốc Tuấn kể từ năm 1-2 tuổi, Bôm đã phá nát không biết bao nhiêu chiếc đàn organ đồ chơi và tự mày mò theo những giai điệu. Bởi thế Bôm biết đánh đàn trước khi biết nốt nhạc.
"Với Bôm, piano giống như một người em gái. Một người em gái dịu dàng, nhẹ nhàng, đáng yêu", Bôm thủ thỉ.
Với Bôm, "anh" Tuấn làm cái gì cũng nghiệp dư: từ nấu ăn, sửa bóng đèn, quay phim đến đánh đàn, duy "chỉ có tình yêu dành cho Bôm thì PRO"! Gió bụi cuộc đời một mình Quốc Tuấn lần lượt đều đã trải qua, chỉ chờ đến một ngày có thể nhìn Bôm tự tin biểu diễn trên sân khấu.
Thời khắc Bôm đưa đôi bàn tay mà khi chào đời còn dính chặt lại với nhau, lướt trên các phím đàn, dưới sân khấu không chỉ bố em mà toàn thể những ai có mặt ngày hôm đó đều đã bật khóc.
Và sáng 5/10, Bôm đi nhận học bổng do chính tay thầy Lê Anh Tuấn (Giám đốc Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) trao tặng. Với Bôm và bố Tuấn, đây là một ngày đặc biệt và đầy háo hức. Học bổng này ghi nhận phấn đấu của em trên con đường đam mê và chinh phục âm nhạc.
Dù Quốc Tuấn thừa nhận, có nhiều việc anh bướng bỉnh đến mức cố chấp. Nhưng có lẽ nhờ sự cố chấp đó mà anh đã làm được việc không phải ai cũng đủ dũng khí.
Sau tất cả, đôi bàn tay bé nhỏ của Bôm đã mạnh mẽ nắm lấy tay bố cùng đi qua 10 ca phẫu thuật, giờ là lúc chính đôi tay ấy sẽ đánh đàn mỗi khi bố khóc, mỗi khi bố mệt, cùng bố viết tiếp những bản nhạc cuộc đời sau này.
"Phàm đã sinh con ra thì phải có trách nhiệm. Và vì anh nghĩ, với con cái mà không tử tế thì không thể nào tử tế với ai", Quốc Tuấn chia sẻ.
Hai cha con khuyết tật dìu dắt nhau: "Niềm vui của tôi là thấy con vui khi ngày nào cũng được tới trường".
"Đi học thôi con trai!" Đúng 6h30 sáng mỗi ngày, người cha khuyết tật Hoàng Việt Tiến vẫn dùng chiếc xe 3 bánh đưa con trai đến trường.
Cuộc sống không may với gia đình ông Tiến khi em Hoàng Việt Tuấn ngay khi sinh ra đã mắc phải chứng bệnh cơ bẩm sinh. Đến tuổi 18, Tuấn vẫn không thể đứng, mọi hoạt động đi lại đều cần có người và máy móc hỗ trợ.
Vợ mất cách đây đã 2 năm, bản thân người cha ngoài 50 cũng bị chứng teo cơ, sau lần tai biến cách đây hơn chục năm, ông không thể tự đi được mà phải dùng 2 tay và đầu gối để di chuyển.
"Nhiều lúc kiệt sức, mình muốn bỏ học nhưng vì nghĩ đến người cha già gầy yếu, người mẹ không quản vất vả nuôi mình đến từng này nên mình quyết tâm phải thi đỗ đại học", Tuấn chia sẻ.
Chiếc xe 3 bánh ông Tiến chở con trai đến trường. Ảnh: Zing.
Chính tình thương, sự hy sinh của cha mẹ đã giúp Tuấn thi đậu ngành công nghệ thông tin của Đại học Hoa Sen với học bổng toàn phần 4 năm. Tuy không còn lo ngại về học phí nhưng để trang trải cho con đi học, ông Tiến quyết định treo bảng bán căn nhà tổ tiên ở trung tâm thành phố, chuyển về gần trường.
Từ đó ngày ngày, hai cha con lại dìu dắt nhau trên chiếc xe 3 bánh, ông Tiến nhìn con ngồi xe lăn vào trường khuất dần rồi mới rời đi. Dù xung quanh có bao ánh mắt chỉ trỏ, nhìn 2 bố con với vẻ bất ngờ, ông Tiến mặc kệ: "Niềm vui của tôi là thấy con vui khi ngày nào cũng được tới trường".
Em Tuấn vẫn ngày đêm đèn sách với ước mơ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh em là người cha không quản ngại bất cứ điều gì để em chinh phục đam mê đó.
Hành trình 18 năm cha tìm lại tiếng nói cho cô con gái câm điếc và câu chuyện đứa con tìm lại ước mơ đã mất của cha
Trần Lê Khả Ái - cô gái bé nhỏ sinh ra không may bị câm điếc bẩm sinh, gần 30 tháng từ lúc sinh ra, Ái vẫn không thể cất tiếng nói dù chỉ là một chữ "A". Dù vẫn hằng mong ước được nghe con gái gọi một tiếng "ba", "mẹ" nhưng sao khó khăn quá với vợ chồng chú Trần Khương.
Từ niềm mong mỏi, sự kỳ vọng trong ngày Khả Ái ra đời, cho đến khi tin buồn giáng xuống, người cha đặc tả một cách trọn vẹn qua từng câu nói. "Người ta nói con tôi bị câm điếc bẩm sinh. Buồn, buồn lắm. Bây giờ nhắc lại tôi cũng buồn".
Không đầu hàng trước số phận để con gái được như những bạn bè cùng trang lứa, chú Khương ngày ngày vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu hoàn tất sản phẩm cho khách hàng.
Có những hôm phải làm việc tới 2, 3h sáng, chú chẳng nề hà gì, mong gom góp đủ tiền mua cho con gái chiếc máy trợ thính. "Ba giúp em tập nói, tập nghe, mẹ em cũng vậy, để em đi học như những người bạn bình thường, không khiếm thính nữa. Ba bảo em phải mạnh mẽ lên, không được sợ gì hết cả, giống như ba vậy", Khả Ái chia sẻ.
Cô gái mạnh mẽ Trần Lê Khả Ái.
Hai chị em Khả Ái đã lớn lên bên chiếc máy khâu của cha.
Do gia đình ở gần sân bay, nên chú Khương thường đưa con gái ra ngoài ngắm những chiếc máy bay cất cánh. Sau nhiều năm, những từ đầu tiên mà Khả Ái có thể nói là "Bay, bay". Với chú Khương và gia đình, những âm thanh này đã mang tới niềm hạnh phúc bất tận cho họ. "Tôi mừng lắm, rất là sướng".
Ít ai biết ngày Khả Ái sinh ra, ước mơ của người cha cũng vụt tắt. "Lúc còn trong bụng mẹ, mình mơ ước con trở thành một diễn viên múa. Mình có thể ngồi dưới xem con múa là mình rất hạnh phúc". 18 năm sau, vào đúng ngày sinh nhật của mình, dưới hàng ghế khán giả, chú Khương đã khóc.
Nước mắt chảy dài trên gò má người cha bao nhiêu năm luôn phải mạnh mẽ trước mặt con gái, nay đã có thể mãn nguyện nhìn con mình "tung bay" trên sân khấu.
Hai cha con chú Khương hạnh phúc ôm chầm lấy nhau.
Như một món quà bất ngờ dành tặng cha, Khả Ái đã giấu chú Khương đi tập múa. Những ngày tháng tập luyện khó khăn khi mới bước đầu chập chững trên những ngón chân, đến cả những giọt nước mắt chỉ chực từ bỏ. Nhưng sau tất cả, vì ước mơ của ba, cô gái bé nhỏ đã vượt lên chính mình.
"Tôi đã học múa trong vòng 3 tháng, để biến ước mơ của ba trở thành sự thật. Ba ơi, hôm nay là sinh nhật của ba, con múa cho ba xem. Con cảm ơn ba vì ba sinh ra con, nuôi con mau lớn, tập nghe, tập nói. Con thương ba, cảm ơn ba nhé!".
"Con thương ba, cảm ơn ba nhé!".
Đứa con mắc hội chứng Down và người cha già 29 năm lặng lẽ đứng bên ngoài cửa lớp
Tại TP.HCM có một chàng trai 29 tuổi mắc hội chứng Down nhưng lại biết chơi đàn organ, đạt đai nâu võ Aikido, bơi lội, đá banh, có khả năng đọc, hiểu tiếng Anh cơ bản và đã theo học trường Đại học Văn Lang. Đó là anh Mạc Đăng Mừng.
Bề ngoài anh Mừng có thể ngờ nghệch, hội chứng Down khiến anh chậm phát triển, suy nghĩ vẫn như một đứa trẻ, nhưng trong trái tim đứa trẻ ấy, anh vẫn hiểu rõ những hy sinh mà người cha già đã dành cho 1/3 cuộc đời mình.
Để anh Mừng đạt được thành tích như bây giờ, hơn 20 năm qua ông Mạc Văn Mỹ luôn theo chân con đến lớp học. Bất kể là mưa hay nắng, anh Mừng vẫn đến lớp đều đặn mỗi ngày.
Ở trường con học thì cha cũng học, về nhà khi con học thì cha lại là thầy. Những môn học như tiếng Anh, thể thao, võ Akido... người cha luôn đứng bên ngoài dõi theo từng bước đi của con, chưa một lần rời mắt.
Người cha già Mạc Văn Mỹ luôn dõi theo từng bước chân của con trai.
Nụ cười hạnh phúc của ông Mỹ.
Còn nhớ ngày vợ chồng ông Mỹ quyết định cho anh Mừng đi học. Nghe tin này, họ hàng nội ngoại phản đối, vì lo anh không thể tiếp thu. Nhưng những gì chàng trai 29 tuổi đạt được như này hôm nay khiến nhiều người nể phục.
Chính tình yêu thương con là nguồn động lực để vợ chồng ông Mỹ nỗ lực, bền bỉ sát cánh bên con suốt một thời gian dài.
Biết mình đã già, không thể theo con đến lớp cả đời, nên thỉnh thoảng trong lúc chở con đi học, ông Mỹ nhỏ nhẹ nói với anh Mừng: "Nếu sau này, ba không còn đi với con được nữa, con phải mạnh mẽ lên, đừng buồn, con phải tự mình phấn đấu...".
Ông nói vậy, chứ ông đâu muốn, và ông thật sự rất sợ nếu một ngày nào đó phải bỏ Mừng lại cuộc đời này một mình. Có lẽ hạnh phúc của người cha già, trong sâu thẳm vẫn lặng lẽ đồng hành cùng con trai trên chặng đường đời đầy gian nan.
Để biết đâu một ngày nào đấy, bình minh sẽ rực sáng bên trong căn nhà nhỏ.
Người cha âm thầm theo sau bước đi của anh Mừng.
Những người cha - họ vẫn luôn khát khao, ước mong thật nhiều cho những đứa con của mình. Bởi con chính là nguồn sống, niềm cảm hứng mỗi ngày của cha...
"Mai đây con mạnh mẽ hơn nhiều
Mai đây con chở che cho biết bao điều
Cho ước mơ của mẹ, cho nỗi đau của mẹ
Theo ba chăm sóc con nghe"...