Lớp trị liệu tâm lý của quân đội Ukraine
Nhà trị liệu tâm lý Oleh Hukovskyi đứng cạnh tấm bảng trắng trong một lớp học tạm bợ ở miền đông Ukraine và nói với một nhóm binh sĩ Ukraine tham dự một buổi học về cách đối phó với tâm lý căng thẳng do chiến tranh.
Theo hãng tin Reuters, cựu bác sĩ tâm thần này gia nhập lực lượng vũ trang Ukraine khoảng 6 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, và hiện đang điều hành một nhóm hỗ trợ tâm lý trực thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 67 của quân đội Ukraine.
Các lớp học bao gồm lý thuyết tâm lý cơ bản và các kỹ thuật đối phó bao gồm các bài tập thở. Trong khi hàng chục binh sĩ tham dự sẵn sàng trả lời các câu hỏi và đưa ra đề xuất, Hukovskyi nhận thức được rằng ông chỉ có thể làm được bấy nhiêu điều trong thời gian hạn hẹp cho phép.
"Họ có nghĩa vụ và phải quay trở lại tiền tuyến", ông nói về các binh sĩ, một số người đang được điều trị vết thương nhẹ và tâm lý căng thẳng do chiến tranh tại một trung tâm hỗ trợ y tế mà quân đội Ukraine yêu cầu không tiết lộ địa điểm.
Người đàn ông 41 tuổi nói với Reuters: "Bất kỳ sự can thiệp nào mà chúng tôi thực hiện đều nhằm giúp họ ổn định tâm lý ở một mức độ nào đó và chỉ vậy thôi. Vì vậy, nó không thể giúp họ phục hồi hoàn toàn sau bất kỳ triệu chứng nào. Điều đó là không thể trong điều kiện làm việc của chúng tôi."
Trong khi nhiều binh sĩ tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý đã quay trở lại chiến trường sau thời gian nghỉ ngơi ngắn, một số trường hợp nghiêm trọng hơn cần được đưa đi điều trị thêm tại các điểm phục hồi cách xa mặt trận.
Theo Reuters, Hukovskyi là một trong hàng trăm chuyên gia và tình nguyện viên trên khắp Ukraine điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho binh sĩ - một thách thức ngày càng tăng đối với một đội quân đang kiệt sức khi tìm cách cầm chân đối thủ có lực lượng lớn mạnh hơn nhiều.
Nhiều người trong số những binh sĩ tham gia chiến đấu với tư cách tình nguyện viên, nghĩa là họ có rất ít sự chuẩn bị, nếu có, cho những trận chiến đôi khi rất khốc liệt dưới hỏa lực của pháo binh, súng cối và máy bay không người lái.
Dana Vynohradova - phó chỉ huy Lữ đoàn 67 phụ trách hỗ trợ tinh thần và tâm lý - cho biết: "Ukraine có một đội quân gồm những công dân được tổng động viên mà mới hôm qua còn là giáo viên, nghệ sĩ, nhà thơ, chuyên gia công nghệ thông tin hoặc công nhân."
Ác mộng và nỗi sợ hãi
Reuters đã phỏng vấn 13 người tham gia hỗ trợ quân đội và 4 binh sĩ đang được điều trị, từ chăm sóc ngắn hạn trong vài ngày đến phục hồi chức năng kéo dài hàng tuần cho những trường hợp chấn thương nghiêm trọng hơn cũng như những người bị cụt chân đang học cách sống chung với vết thương.
Họ nói về sự mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi và tội lỗi, nhưng cũng nói về tình bạn thân thiết, ý thức được nghĩa vụ phải nhanh chóng trở về đơn vị nơi họ phục vụ và động lực mạnh mẽ để đẩy lùi đối phương.
Hukovskyi cho biết, binh sĩ Ukraine không được luân chuyển thường xuyên. Khi chiến tranh kéo dài và hệ thống của Nga được giữ vững, áp lực ngày càng tăng đối với Kyiv trong việc tìm thêm người nhập ngũ trong khi không làm kiệt quệ nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này.
Ông nói: "45 ngày [trên chiến trường] là khoảng thời gian quan trọng mà những người lính có thể chịu đựng và… có cơ hội giữ được tinh thần khỏe mạnh."
"Chúng ta đang ở trong tình huống mà họ có thể phải [tham chiến] lâu hơn nữa và họ đang phải chịu nhiều chấn động, mệt mỏi khi chiến đấu", Hukovskyi nói.
Tham dự lớp học của Hukovskyi vào tháng trước có "DJ" - một binh sĩ từng là công nhân nhà máy đến từ miền trung Ukraine.
"Tôi gặp ác mộng và chúng khiến tôi kiệt sức. Khi có thời gian để nghỉ ngơi, tôi không ngủ được chút nào", ông nói trong buổi trị liệu.
Sau đó, ngồi trên góc giường trong ký túc xá và lướt xem những bức ảnh trên điện thoại, DJ giải thích rằng ông chưa chuẩn bị cho sự khốc liệt của cuộc chiến.
Người đàn ông 50 tuổi cạo trọc đầu, đeo dây chuyền và khuyên tai hình quốc huy Ukraine, cho biết: "Khi lần đầu tiên tham chiến và ra tiền tuyến, tôi chợt nhận ra điều đó… Lúc đầu tôi không hiểu pháo cối, pháo xe tăng, pháo binh là gì… Hóa ra tâm lý tôi không thể chịu đựng mãi được."
Ông cho biết, vị trí chiến đấu của ông ở hướng mặt trận Lyman nằm dưới hỏa lực của quân Nga suốt ngày đêm. Giống như một số người khác, DJ cho biết thêm rằng, ông mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và chấn động.
Serhii Rostikov - trưởng nhóm kiểm soát căng thẳng của Lữ đoàn cơ giới biệt động số 21, quân đội Ukraine - cho biết, các binh sĩ tự quyết định xem có nên tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý hay không, mặc dù các chuyên gia khác cho biết các chỉ huy đơn vị có thể đưa ra khuyến nghị nếu họ thấy có dấu hiệu lo ngại.
Dmytro, 24 tuổi, mặc trang phục chiến đấu và đội mũ trùm kín đầu, nói: "Sau khi bị pháo kích, tôi bắt đầu sợ phải quay lại vị trí chiến đấu."
"Tôi đã liên hệ với Serhii để được giúp đỡ. Chúng tôi từng làm việc cùng nhau một thời gian, sau đó anh ấy gửi tôi đi phục hồi chức năng. Bây giờ tôi không còn sợ hãi và có thể dễ dàng quay trở lại vị trí chiến đấu. Tôi nghĩ chúng ta cần các nhà tâm lý học vì binh sĩ phải chịu rất nhiều căng thẳng", Dmytro nói.
Theo Reuters, kể từ cuộc phỏng vấn, DJ cho biết anh đã không được quay trở lại tiền tuyến để điều trị thêm, còn Dmytro đã trở về đơn vị của mình.
Israel và Mỹ phát hiện 'danh mục đầu tư bí mật' 500 triệu USD của Hamas từ năm 2018, tại sao không hành động?