Ông đánh giá thế nào về diễn biến ở Biển Đông qua vụ việc Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam?
Ngày 19/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã ra tuyên bố về Biển Đông. Đây là một tuyên bố thể hiện lập trường chính nghĩa, nhất quán và đúng với Luật pháp quốc tế của Việt Nam. Trước hết, cần nhấn mạnh một số điểm sau:
Thứ nhất, kiên quyết phản đối việc Trung Quốc xâm phạm vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là sự vi phạm nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS). Đây là các vùng biển hợp pháp của Việt Nam. Việt Nam chủ trương hòa bình nhưng sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển theo đúng qui định của Luật pháp quốc tế.
Thứ hai, cần nhấn mạnh rằng, không thể chấp nhận việc Trung Quốc tìm cách áp đặt yêu sách "Đường lưỡi bò" phi lý, mưu toan biến vùng biển hợp pháp của nước khác thành cái gọi là "vùng có tranh chấp". Chính việc này đã và sẽ càng làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình.
Thứ ba, trước tình hình Biển Đông còn nhiều phức tạp, hơn bao giờ hết, tất cả các nước, dù là ai, đều phải tuân thủ Luật pháp quốc tế, nhất là, bao gồm việc tôn trọng vùng biển hợp pháp của nước khác. Đồng thời, các bên không được làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, theo đúng luật pháp quốc tế và những thỏa thuận trong khu vực như Tuyên bố giữa các bên ở Biển Đông DOC giữa ASEAN và Trung Quốc.
Thứ tư, cần phải nhấn mạnh rằng, tuân thủ Luật pháp quốc tế, công ước Luật Biển và bảo đảm hòa bình, an ninh, trật tự ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước, do đó các nước trong và ngoài khu vực, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực đóng góp vào việc vì điều đó.
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc
Thứ năm, ASEAN và khu vực đang hết sức nỗ lực cho hòa bình, ổn định và hợp tác, xây dựng lòng tin, trong đó có việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố DOC và tiến tới đạt được Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Những việc làm nêu trên của Trung Quốc không giúp ích cho những nỗ lực chung nêu trên.
- Nhân sự kiện này ở Biển Đông, nhiều người nhắc lại về phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế cách đây 3 năm. Theo ông, phải chăng phán quyết này vẫn chưa đem kết quả thực sự trong việc hạn chế các hành động phi pháp ở Biển Đông?
Ngày 12/7/2019 là kỷ niệm 3 phán quyết của tòa trọng tài, theo qui định của UNCLOS. Phán quyết đã tuyên và có phần liên quan đến áp dụng UNCLOS, thì đây là một phần của luật pháp quốc tế và sẽ mãi giữ nguyên giá trị pháp lý. Đó là việc khẳng định nguyên tắc "đất thống trị biển", không chấp nhận "yêu sách lịch sử" và bác bỏ cái gọi "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Phải thấy rằng, "Đường lưỡi bò" theo đó là trái với Công ước Luật Biển và hoàn toàn không có giá trị. Chính yêu sách phi lý này đã mở rộng một cách trái phép, mưu toan biến vùng biển hợp pháp của các nước thành "các vùng tranh chấp", gây thêm phức tạp ở Biển Đông. Phán quyết trên tiếp tục là cơ sở pháp lý quan trọng và một phần của luật pháp quốc tế.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Hiện nay, các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Vậy theo ông, làm thế nào để có một COC thực chất, có thể hạn chế được các hoạt động gây căng thẳng thêm tình hình?
Tuyên bố DOC là thỏa thuận quan trọng đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, nhấn mạnh các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, yêu cầu các bên không làm phức tạp tình hình, gây thêm căng thẳng ở BĐ, thúc đẩy các biện pháp hợp tác, xây dựng lòng tin.
Hải trình của tàu Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nguồn: Twitter Phó Giáo sư Ryan Martinson, Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ.
Vừa qua, ASEAN đã tích cực góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, đã cùng các nước trong các nỗ lực này, cùng Trung Quốc hướng tới COC.
17 năm qua DOC cũng đã phát huy tác dụng tốt. Nhưng Biển Đông vẫn có những phức tạp xảy ra, vẫn có những hành vi gây căng thẳng, xâm phạm vào cùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia, những hoạt động tôn tạo, quân sự hóa, vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
COC là cái cần phải làm sao không để những điều này xảy ra. Do đó, Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán cần phải thừa kế và được nhân lên từ Tuyên bố DOC, đồng thời tổng kết tình hình và bổ sung kinh nghiệm thực hiện DOC trong gần 2 thập kỷ để đảm bảo COC là Bộ qui tắc toàn diện, thực chất và hiệu quả, đóng góp một cách tốt nhất vào duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
COC hay DOC không tham gia phân xử chồng lấn chủ quyền giữa các nước, nhưng điều quan trọng nhất là nhấn mạnh các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, từ đó qui định các quy tắc ứng xử của các bên liên quan, bao gồm tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, giải quyết hòa bình tranh chấp, không làm phức tạp, căng thẳng thêm tình hình, bao gồm cả việc tôn trọng vùng biển hợp pháp của các nước, không thể lấy đòi hỏi phi lý của cái gọi là "Đường lưỡi bò" để lấn vào vùng EEZ và thềm lục địa của các quốc gia.
Đó cũng chính là xây dựng lòng tin, không làm phức tạp thêm tình hình. Cũng như DOC, COC đồng thời là một văn bản mở cho các nước khác, trong và ngoài khu vực tham gia, ủng hộ và thực hiện.
Hơn lúc nào hết, bảo đảm hòa bình, an ninh và trật tự ở Biển Đông vừa là lợi vừa là trách nhiệm chung của các nước, của cộng đồng quốc tế. Là một nước lớn, đối tác quan trọng, Trung Quốc cần thể hiện trách nhiệm, cùng ASEAN phấn đấu vì các mục tiêu chung nêu trên, đó là thể hiện giá trị của các đối tác, lòng tin, quan hệ láng giềng tốt đẹp, một cách hiệu quả và thực chất.
Liên quan đến những hành vi vi phạm của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam thời gian qua, theo ông, làm thế nào để Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trong việc bảo vệ chủ quyền cũng như đảm bảo an ninh, an toàn ở Biển Đông?
Trước hết là Việt Nam có chính nghĩa và dựa trên luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực. Vì vậy, việc Việt Nam tiếp tục nêu cao chính nghĩa cần có được sự ủng hộ của các nước.
Ở góc độ khu vực, Việt Nam cũng ủng hộ tuyên bố của ASEAN trong việc thúc đẩy tiến trình ngoại giao và pháp lý trong giải quyết vấn đề trên biển. Đồng thời Việt Nam sẵn sàng lên tiếng về cái đúng, cái sai nên chúng ta cần tiếp tục khẳng định rõ lập trường của mình.
Con đường sắp tới chúng ta càng cần phát huy, nói rõ với quốc tế về tính chính danh, phù hợp với luật pháp quốc tế của mình trên cơ sở 3 chữ công: Công pháp, Công luận, Công khai.
Đó cũng chính là thế mạnh của Việt Nam: lên tiếng về những diễn biến đang xảy ra và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của mình.