Lời mời gọi của Tổng thống Putin về việc Saudi Arabia nên mua S-400 không hẳn chỉ là chê bai hệ thống phòng không của Mỹ. Trên thực tế đó là một lời mời có ý nghĩa sâu xa hơn.
Lời đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin về việc bán các hệ thống phòng không của Nga cho Saudi Arabia không chỉ đơn thuần là một câu nói trêu đùa, mặc dù nó đã khiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani phải bật cười.
Trên thực tế, tuyên bố của Tổng thống Putin mang một ý nghĩa sâu sắc hơn. Theo đó, nhà lãnh đạo Nga đang cố gắng thuyết phục toàn bộ Trung Đông rằng làm việc với ông có hiệu quả hơn nhiều so với việc hợp tác với người Mỹ, cây bút bình luận Leonid Bershidsky viết trên Bloomberg.
Nga và Saudi Arabia là đồng minh tự nhiên trong thị trường dầu mỏ.
Lời mời gọi ẩn ý gửi tới Saudi Arabia
Hôm 16/9, Tổng thống Putin đã có mặt tại Ankara để đàm phán về cuộc xung đột Syria với người đồng cấp Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tại đây, ông đã công khai mời gọi Saudi Arabia mua hệ thống phòng không của Nga
"Saudi nên có một quyết định khôn ngoan bằng việc mua các hệ thống phòng không S-300 như Iran đã làm, hoặc hệ thống S-400 hiện đại hơn mà Thổ Nhĩ Kỳ mới mua gần đây", Tổng thống Nga nói.
"Những hệ thống đó sẽ bảo vệ một cách đáng tin cậy bất kỳ cơ sở hạ tầng nào của Saudi", ông Putin nhấn mạnh, đề cập đến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào các nhà máy lọc dầu của Saudi.
Phát biểu của Tổng thống Putin được giới quan sát cho là một sự trêu chọc đối với vũ khí Mỹ, khi có ý kiến cho rằng, dù đã chi ra hàng tỷ USD mua hệ thống phòng không Patriot, Saudi Arabia vẫn chịu thiệt hại nặng nề trước các cuộc tấn công từ bên ngoài. Điều này càng khiến cho S-400 của Nga được dịp nâng cao uy tín.
Trên thực tế, Nga đã từng chào hàng S-400 cho Saudi trước đây nhưng không thành công. Về mặt lý thuyết và trong các bài tập, S-300 và S-400 của Nga đều được coi là những vũ khí mạnh mẽ, nhưng cả hai đều chưa có thể hiện nào trong chiến đấu thực sự.
Do đó, giới phân tích cho rằng, lời mời gọi của Tổng thống Putin về việc Saudi Arabia nên mua S-400 của Nga không hẳn là để khẳng định sức mạnh của hệ thống phòng không này vượt trội trước Mỹ.
Thay vào đó, vấn đề mua hệ thống phòng không mà Nga gợi ý ở đây không đơn giản chỉ là nhằm mục đích bảo vệ trước máy bay hay tên lửa của đối phương mà nó là biểu tượng cho "cái giá" mà một quốc gia cần phải trả cho sự hỗ trợ của Nga trong trường hợp khủng hoảng, cây bút Bershidsky nêu quan điểm.
Trước đó, thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là minh chứng cho việc một quốc gia chấp nhận "cái giá" mà Nga đưa ra. Người ta vẫn tin rằng, vấn đề mua hệ thống phòng không của Ankara không đơn giản chỉ là vì mục đích quốc phòng mà là còn vì muốn nâng tầm quan hệ với Nga.
Chính vì vậy, dù là một quốc gia thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã thách thức lời đe dọa trừng phạt của Mỹ và thậm chí chấp nhận mất tư cách thành viên trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất.
Về với "đội" của Nga
Việc Nga là lựa chọn thay thế tốt hơn Mỹ trong việc giải quyết những rắc rối ở Trung Đông đã được minh chứng bằng sự thành công ở Syria.
Với sự can thiệp "rẻ nhưng hiệu quả cao", không quân Nga đã giúp lực lượng của Tổng thống Assad lật ngược tình thế trước phe đối lập trong cuộc chiến kéo dài 8 năm qua.
Giới phân tích nhận định, màn trình diễn đột phá của Tổng thống Putin ở Syria có thể được coi là màn chào hàng đẹp mắt cho các quốc gia khác có nhu cầu cần giúp đỡ ở Trung Đông.
Theo đó, một khi được yêu cầu, Moscow sẽ sẵn sàng can thiệp vì lợi ích của sự ổn định đất nước sở tại và sẽ tiến hành công việc rất nhanh chóng mà không đòi hỏi sự đánh đổi chính trị nào.
Điều này được cho là trái ngược với hướng đi của Mỹ gần đây. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump cho thấy chủ nghĩa cô lập của mình khi không muốn đưa quân đội Mỹ ra nước ngoài giúp đỡ các đồng minh.
Lời mời mua S-400 của ông Putin không hẳn là sự chê bai đối với vũ khí Mỹ.
Thậm chí, ông còn đang trên đường rút khỏi các nước Trung Đông thay vì bắt đầu các cuộc chiến mới. Điều này xuất phát từ việc công chúng Mỹ đã mệt mỏi với những cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài.
Lợi thế của Nga trong vấn đề này lại khác. Tổng thống Putin không quan tâm nhiều đến cái gọi là lợi ích một cách tối đa khi Nga can thiệp ở một nơi xa xôi nào đó.
Cùng với đó, Nga không có ý định "khuyên bảo", ép buộc hay can thiệp vào nội bộ các đối tác của mình về cách để điều hành một quốc gia tốt hơn giống như Mỹ hay làm.
Không giống như các quốc gia phương Tây muốn đưa phe đối lập lên nắm quyền trong cuộc chiến ở Syria, Nga vẫn tôn trọng Tổng thống Assad là nhà lãnh đạo hợp pháp.
Tương tự như vậy, trong lúc mọi ánh mắt nghi ngờ dồn vào Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, Tổng thống Putin đã chọn cách cư xử thân thiện với vị thái tử quyền lực của vương quốc thay vì xa lánh.
Sự giúp đỡ của Mỹ thường đi kèm với gợi ý "bảo trợ" và đôi khi là có những hành động trực tiếp để thay đổi chính quyền. Trong khi Tổng thống Putin bảo vệ quyền của những lãnh đạo đương nhiệm và hành động phù hợp với đặc thù chính trị của đất nước họ.
Nhưng khi nói đến mối quan hệ giữa Nga và Saudi Arabia lúc này, người ta thấy có một sự mâu thuẫn khiến cho cả hai khó có thể đi cùng nhau.
Sự gần gũi của Nga với Iran là một trong những điều khó chịu đối với Saudi từ nhiều năm qua.
Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Mỹ "đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách nói Iran chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng máy bay không người nhằm vào cơ sở dầu của Saudi cuối tuần trước.
Mặt khác, Nga là đồng minh tự nhiên của Saudi trong việc bảo vệ thị trường dầu mỏ toàn cầu khỏi sự gián đoạn gây ra bởi các nhà khai thác dầu đá phiến từ Mỹ.
Về cơ bản, Saudi Arabia có thể làm việc với Điện Kremlin để tìm cách chấm dứt các hành động khiêu khích của Iran vì Moscow sẽ dễ dàng "nói chuyện" với Tehran hơn chứ không phải dùng các biện pháp trừng phạt không mấy tác dụng như Mỹ.
Nhưng theo cây bút Bershidsky, thật khó để thấy Saudi trong thời gian tới sẽ đứng về phía Nga một cách cởi mở và cắt đứt liên minh lâu dài với Mỹ, bất kể lời mời gọi Tổng thống Putin có hấp dẫn đến đâu.
Về cơ bản, chính sách đối ngoại của Nga chưa bao giờ hướng tới việc xây dựng một liên minh lâu dài mà chỉ phát triển các đối tác tình huống. Đây là điều mà Saudi Arabia sẽ lưỡng lự khi xoay trục từ Washington sang Moscow.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi người Mỹ rời đi, không còn ai được coi là người giải quyết rắc rối chính ở Trung Đông thì lựa chọn tốt nhất của các quốc gia vẫn là đi theo Tổng thống Putin.
Hành động của Tổng thống Trump chống lại Iran hiện tại không mang đến hiệu quả cao. Cuộc xung đột Yemen mà Mỹ sát cánh bên Saudi vẫn đang bế tắc. Tổng thống Assad vẫn chưa thể kiểm soát hầu hết Syria. Và Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khi thách thức Mỹ bằng với việc mua S-400.
Với những rắc rối trên, Tổng thống Putin đang chờ đợi lời mời gọi của ông gửi đến các đối tác Trung Đông sẽ sớm có lời hồi đáp.