Không cần là chuyên gia, liếc nhìn thôi cũng đủ giúp bạn biết đâu là rắn độc - rắn thường

Hoa Hướng Dương |

Việc phân biệt rắn độc và không độc sẽ giúp bạn tránh được những nguy hiểm khi đối mặt với sinh vật đáng sợ này.

Rắn là một trong những nỗi sợ tiềm thức tự nhiên của con người và mang tính tiến hóa (để có thể tồn tại), có đến 1/3 người trên thế giới mắc hội chứng sợ rắn từ mức độ nhẹ cho đến ám ảnh ngay cả với các con rắn nhỏ, không độc!

Rắn rất đa dạng và gần 80% loài rắn lại không hề có độc!

Rắn sinh sống ở hầu hết các lục địa, với sự đa dạng phong phú cho thấy khả năng thích nghi tuyệt vời dù rắn có kích thước rất nhỏ bé trong thế giới động vật. Trong khoảng 600 loài rắn được biết đến thì chỉ có khoảng hơn 20% loài rắn có mang nọc độc!

Không cần là chuyên gia, liếc nhìn thôi cũng đủ giúp bạn biết đâu là rắn độc - rắn thường - Ảnh 1.

Sự đa dạng của loài rắn. Ảnh Animal27

Như vậy đa số các loài rắn đều không có độc (rắn thường hay rắn lành) nhưng rất nhiều người chỉ cần thấy rắn hay nghe tên thôi cũng đủ "hồn xiêu phách tán" rồi, một phần lý do là do không thể phân biệt được đâu là rắn thường đâu là rắn độc.

Trong cuộc sống bạn có thể bắt gặp nhiều trường hợp ngoài ý muốn khi phải đối diện với sinh vật nhỏ bé nhưng đáng sợ này như khi rắn đi vào nhà bạn chẳng hạn, việc phân biệt được nó có mang độc không sẽ giúp bạn đối phó xử lý tình huống tốt hơn.

Vì rắn rất đa dạng nên thật khó để bạn có thể phân biệt từng loại, tên gọi để có thể biết chúng có độc hay không, nhưng cách sau đây sẽ giúp bạn chỉ bằng cái "liếc nhìn" cũng có thể nhận ra được dù không phải là chuyên gia về rắn.

Cách 1: Dựa vào răng nanh, vết cắn

Khi rắn bị đe dọa nó sẽ tìm cách cắn bạn, nếu thấy răng móc câu hay răng ống (bạn chỉ cần nhận ra 2 chiếc răng lớn hơn các răng khác) khi nó há miệng đe dọa thì sẽ biết ngay là nó có độc hay không.

Không cần là chuyên gia, liếc nhìn thôi cũng đủ giúp bạn biết đâu là rắn độc - rắn thường - Ảnh 2.

Rắn độc có vết cắn bất thường do răng tiêm độc to hơn các răng khác. Ảnh Thich Ho Hap

Nếu đã lỡ bị cắn, hãy mau chóng quan sát vết cắn, nếu có dấu răng nanh (to hơn các dấu răng khác) thì hãy mau chóng đến cơ sở y tế gần nhất, vết cắn này sẽ mau chóng sưng tấy và đau đớn, chóng mặt, ra mồ hôi...

Cách 2: Dựa vào tư thế của loài rắn

Rắn độc khi cảm thấy bị đe dọa sẽ không bỏ chạy như rắn thường mà bò đi khá chậm rãi, đủng đỉnh, hay ở tư thế thủ thế, chuẩn bị tấn công (cuộn tròn cơ thể lại, đầu ngóc cao, nhe răng ra, phình cơ thể, lao về phía bạn, phát ra tiếng kêu đe dọa, nếu là rắn hổ mang thì sẽ phồng mang ra đe dọa kẻ thù).

Không cần là chuyên gia, liếc nhìn thôi cũng đủ giúp bạn biết đâu là rắn độc - rắn thường - Ảnh 3.

Tư thế chuẩn bị tấn công, chỉ chực lao tới phía kẻ đe dọa của rắn độc. Ảnh Animals

Do đó quan sát tư thế của rắn cũng là một cách nhận biết xem loài rắn ấy có độc hay không?! 

Xem video minh họa:

Phân biệt đơn giản rắn độc và không độc. Nguồn: Youtube/Pegai Tek

Cách 3: Dựa vào hình dáng đầu

Thông thường, đầu rắn độc khá lớn, có hình dạng tam giác, cổ nhỏ. Còn rắn thường thì đầu có dạng tròn hơn, nhỏ hơn (ngoại lệ như rắn biển, cạp nong, cạp nia lại có đầu giống rắn thường).

Không cần là chuyên gia, liếc nhìn thôi cũng đủ giúp bạn biết đâu là rắn độc - rắn thường - Ảnh 5.

Đa số rắn độc có đầu tam giác (bên trái) và rắn thường thì đầu tròn hơn (bên phải). Ảnh HubPages

Cách 4: Dựa vào cách sắp xếp vảy ở đuôi

Rắn độc thường có đuôi ngắn, hoa văn sắp xếp từ phần sau hậu môn rõ rệt trong khi rắn thường có đuôi dài và nhỏ dần. Ngoài ra, rắn độc có cách xếp vảy kép (double row of scale) so với cách sắp vảy đơn (Single row of scale) của rắn thường ở phần đuôi phía sau hậu môn.

Không cần là chuyên gia, liếc nhìn thôi cũng đủ giúp bạn biết đâu là rắn độc - rắn thường - Ảnh 6.

Cách sắp xếp vảy phần đuôi của rắn độc (trái) và rắn thường (phải). Ảnh J.B. Rattles

Cách 5: Dựa vào hình dạng đồng tử (con ngươi) của rắn

Không cần là chuyên gia, liếc nhìn thôi cũng đủ giúp bạn biết đâu là rắn độc - rắn thường - Ảnh 7.

Nhìn vào mắt rắn để biết nó có độc hay không dựa vào hình dáng mắt. Ảnh OBX Connection

Đây có thể xem là cách dễ và nhanh nhất khi nhìn vào đôi mắt của rắn, nếu rắn độc thì đồng tử sẽ có dạng elip như mắt mèo, mắt cá sấu còn rắn thường sẽ có hình tròn như mắt người vậy.

Ngoài ra giữa mắt và lỗ mũi của rắn độc còn có một hốc nhỏ (Pit) mà rắn thường không có. Hốc này sẽ thấy rõ ở nhiều loại rắn độc, đây là bộ phận cảm biến nhiệt để phát hiện vị trí con mồi dựa vào nhiệt độ.

Cách 6: Dựa vào màu sắc

Giống như nhiều sinh vật có độc khác, để cảnh báo kẻ thù tránh xa, rắn độc thường có màu sắc khá sặc sỡ, tuy nhiên đây chỉ là cách tương đối vì một số loài rắn không có độc thậm chí còn đánh lừa kẻ thù bằng cách "hóa trang" thành loài rắn cực độc.

Ví dụ: Rắn sữa Lampropeltis triangulum không có nọc độc nhưng đã "giả dạng" sát thủ khét tiếng là rắn san hô với nọc độc chết người để kẻ thù tránh xa mình, tuy nhiên vẫn có thể phân biết chúng dựa vào màu sắc khoang trên thân.

Không cần là chuyên gia, liếc nhìn thôi cũng đủ giúp bạn biết đâu là rắn độc - rắn thường - Ảnh 8.

Rắn sữa có khoang đen đỏ liền nhau, rắn san hô có khoang đen vàng tiếp xúc nhau. Ảnh SlidePlayer

Rắn sữa có khoang đỏ tiếp xúc khoang đen, còn rắn san hô có khoang đỏ tiếp xúc khoang vàng như hình trên.

Ngoài ra rắn độc thường mang nhiều màu sắc trên người chứ không đơn sắc, tất nhiên cách này cũng mang tính tương đối vì nhiều loài rắn độc chỉ có một màu duy nhất hay ngược lại rắn thường lại có màu sắc khá lòe loẹt.

Nguồn: Asawright, Earthsfriends, Nwtactical.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại