Không cần đến Nga, ai là người "chống lưng" cho Thổ Nhĩ Kỳ có được S-400 vào phút chót?

Quốc Vinh |

Mỹ đã ra tuyên bố loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vào tháng sau nếu cố chấp mua S-400. Tuy nhiên, phản ứng của Ankara lại hờ hững một cách đáng ngạc nhiên.

Phản ứng nhẹ nhàng của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng với lời đe dọa của Mỹ trong việc đưa nước này ra khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 với thái độ hờ hững, theo Al-Monitor.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan trước đó tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải rời khỏi chương trình phát triển và mua máy bay chiến đấu F-35 vào ngày 31/7 trừ khi Ankara hủy bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Quyết định này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ bị tịch thu lại bốn chiếc F-35 đã mua, mà còn tổn hại hàng tỷ đô la trong việc sản xuất các bộ phận của mẫu máy bay tối tân.

Các phi công Thổ Nhĩ Kỳ và các nhân viên trong chương trình huấn luyện cũng sẽ phải rời khỏi Mỹ vào cuối tháng tới.

Trong một phản ứng bình tĩnh đến ngạc nhiên, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã không chỉ trích quyết định của ông Shanahan mà chỉ nhấn mạnh mong muốn giải quyết vấn đề này một cách thân thiện.

"Một lá thư đã được gửi bởi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tới Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar", Ankara cho biết hôm 8/6.

"Nội dung bức thư nói về vấn đề quốc phòng và an ninh giữa hai nước, các vấn đề trong khuôn khổ hợp tác chiến lược và duy trì hợp tác an ninh toàn diện và nhấn mạnh tầm quan trọng hơn nữa của việc tiếp tục đàm phán", tuyên bố nói thêm.

Washington đã phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 kể từ khi Ankara tuyên bố đạt được thỏa thuận vào năm 2017. Vũ khí Nga được cho là không tương thích với các hệ thống phòng không được các nước NATO sử dụng.

Quan trọng hơn, Lầu Năm Góc tin rằng radar S-400 có thể khai thác bí mật về khả năng của máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Washington đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không Patriot thay vì S-400 và đưa ra một số lời đề nghị có lợi.

Nhưng Ankara đã từ chối Washington vì một thỏa thuận như vậy không bao gồm điều khoản chuyển giao công nghệ. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Washington đã không trao cho Thổ Nhĩ Kỳ một "lời đề nghị tốt như S-400".

Nhiều người tin rằng, với áp lực của Mỹ, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận mua vũ khí của Nga là có thể xảy ra. Đặc biệt khi điều này đã có tiền lệ.

Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt hàng một hệ thống tên lửa của Trung Quốc, nhưng việc mua bán đã bị các nước NATO phản đối và hai năm sau Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hủy bỏ giao dịch.

Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan và các quan chức cấp cao đã nhiều lần tái khẳng định hợp đồng mua S-400 không thể hủy bỏ.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không sợ bị loại khỏi chương trình F-35?

Không cần đến Nga, ai là người chống lưng cho Thổ Nhĩ Kỳ có được S-400 vào phút chót? - Ảnh 2.

Tổng thống Erdogan sau cùng có thể sẽ chọn S-400 của Nga.

Theo đánh giá của tờ Al-Monitor, phản ứng bình thản của Thổ Nhĩ Kỳ đối với lời cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shanahan cho thấy, Ankara vẫn tin rằng họ có thể mua được cả F-35 và S-400.

Báo chí dẫn lời các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết, một số cơ quan của Mỹ đã cố tình phớt lờ những gì Tổng thống Erdogan và Tổng thống Donald Trump đã đồng ý với nhau.

Các quan chức này đề cập đến các báo cáo nói rằng ông Trump và ông Erdogan đã đồng ý thành lập một ủy ban chung xem xét khả năng mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ mà không gây nguy hiểm cho chương trình F-35. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc dường như không quan tâm đến điều này.

"Chúng tôi sẽ không thảo luận về vấn đề kỹ thuật đối với S-400", Lord Ellen, quan chức bộ Quốc phòng Mỹ nói với báo chí vào ngày bức thư của ông Shanahan được công bố.

Giải thích về phản ứng điềm đạm của Thổ Nhĩ Kỳ trước tuyên bố đe dọa mới từ Mỹ, Sinan Ulgen, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: "Lý do đến từ thông điệp hỗn hợp của Washington".

Không giống như Lầu Năm Góc hay các quan chức phản đối thỏa thuận S-400, Tổng thống Trump không thể hiện sự nghiêm trọng của vấn đề đối với ông Erdogan.

Ngược lại, ông Trump dường như ám chỉ rằng ông có thể sử dụng các đặc quyền tổng thống của mình để ngăn chặn sự leo thang. Do đó, Tổng thống Erdogan có thể cảm thấy yên tâm và ít coi trọng các thông điệp được truyền tải bởi các quan chức khác của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington vẫn đang nhấn mạnh với Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này có thể chọn S-400 hoặc F-35, nhưng không phải cả hai.

Chuyên gia Ulgen tin rằng trong trường hợp sau cùng, Ankara sẽ chọn S-400: "Đó là lý do tại sao dường như có sự quan tâm nhiều hơn đến các lựa chọn khác từ Nga , đặc biệt là Su-57 như một sự thay thế tiềm năng cho F-35".

Các chuyên gia quốc phòng khác không đưa ra một dự đoán chắc chắn nhưng đều đồng ý rằng cuối cùng sự lựa chọn giữa S-400 và F-35 sẽ là một quyết định chính trị chứ không phải là quân sự.

Chuyên gia Ulgen cho biết, Tổng thống Erdogan đang nghiêng về Moscow chứ không phải Washington vì ông đã hợp tác với Tổng thống Vladimir Putin ở Syria, nơi mà sự hỗ trợ của Mỹ cho người Kurd đã gây bất lợi cho mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, kể từ sau nỗ lực đảo chính thất bại năm 2016, Tổng thống Pu tin đã trở thành một người đối thoại đáng tin cậy hơn đối với ông Erdogan so với Nhà Trắng.

Tuy nhiên, nếu Ankara chọn vũ khí Nga thay vì vũ khí của Mỹ, động thái này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn là chỉ bị loại khỏi chương trình F-35.

Bộ trưởng Shanahan đã cảnh báo trong lá thư của mình rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ thành nạn nhân của đạo luật trừng phạt CAATSA nếu mua S-400. Bất cứ hình phạt nào mà Quốc hội Mỹ có thể áp đặt theo CAATSA cũng mang đến những tác động lớn hơn trên thực tế.

Nếu các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy Ankara đang trong cuộc đối đầu kinh tế với Washington, họ sẽ suy nghĩ kỹ về việc đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà đầu cơ sẽ từ chối đồng lira của nước này.

Nếu Ankara tiến hành hoàn tất hợp đồng S-400 và Quốc hội Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt CAATSA, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự như năm ngoái, khi Tổng thống Trump trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã truy tố mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại