Không cấm con xem tivi, bà mẹ ở TP.HCM áp dụng quy tắc 3 bước: Con chẳng những không nghiện tivi mà còn tự biết kỷ luật

HIỂU ĐAN |

Mặc dù Tin vẫn xem tivi, nhưng vài 'chiến thuật' nhỏ của chị Trâm đã mang lại một số kết quả tích cực và là một bước đi đúng hướng.

Trẻ xem tivi hay các thiết bị màn hình nhiều có hại cho tinh thần và sức khỏe - đây có lẽ là kiến thức cơ bản mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng biết. Tuy nhiên, chị Ngọc Trâm (TP.HCM), mẹ của em bé tên Tin (4 tuổi) thì cho rằng, ngay cả người lớn cũng thích xem tivi chứ không chỉ con trẻ. Vì vậy, thay vì cấm đoán, chị Trâm giúp con tự quản lý việc xem tivi của bản thân. Chị xem đây là chướng ngại nhỏ để tạo cơ hội cho con rèn khả năng tự kiểm soát.

Với gia đình chị Trâm, không bao giờ có chuyện ba mẹ lao vào "cưỡng chế" tắt tivi của con. Bởi càng bạo lực cấm đoán, con sẽ in sâu vào tiềm thức muốn làm cho bằng được, việc thích từ từ được nâng cấp thành "nghiện".

Không cấm con xem tivi, bà mẹ ở TP.HCM áp dụng quy tắc 3 bước: Con chẳng những không nghiện tivi mà còn tự biết kỷ luật - Ảnh 1.

Chị Trâm và con trai.

Để giải quyết vấn đề xem tivi của con, chị Trâm áp dụng quy tắc 3 bước:

Bước 1: Tạo lập nhìn nhận cho con rằng việc xem tivi là sở thích bình thường, ba mẹ không cấm, không chế giễu chê bai, không bài xích. Lâu lâu ba mẹ vẫn ngồi coi tivi với con.

Tất nhiên, nội dung xem tivi phải hạn chế, có chọn lọc. Trẻ là đối tượng thích bắt chước, những video tiêu cực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển hành vi. Tốt nhất là cho trẻ xem một số chương trình khoa học, một số chương trình tạp kỹ cho các hoạt động ngoài trời có thể nâng cao kiến thức. Trẻ cũng có thể xem phim hoạt hình, nhưng ba mẹ nên kiểm tra trước để biết nội dung có hợp không.

Bước 2: Cho con biết lý do vì sao không nên coi tivi nhiều. Làm được bước 1 thì lúc bạn nói con mới cảm nhận đây là ý kiến khách quan của ba mẹ, không vì ba mẹ có định kiến với tivi nên mới nói như vậy.

"Mình cho con biết tác hại của việc xem tivi quá nhiều như hư mắt, hết thời gian chơi với mẹ, hết thời gian đọc sách. Nhưng đừng chăm chăm cứ nói hoài về nó. Nếu không sẽ phản tác dụng", chị Trâm nói.

Bước 3: Tạo lập môi trường và hỗ trợ để con rèn khả năng tự kiểm soát bản thân

Khi con coi gần hết giờ, chị Trâm sẽ nhắc ít nhất 2 lần để con chuẩn bị tinh thần. Nếu nhắc tới lần thứ 2 thứ 3 con vẫn không tắt thì chị sẽ... kệ, tới giờ ăn ba mẹ cứ ăn trước, để con chịu trách nhiệm với điều con chọn.

"Khi con còn nhỏ mình sẽ dùng chiêu biến việc xem tivi thành trách nhiệm, nghĩa vụ khó thực hiện để con bớt sự hứng thú. Lớn hơn con đủ nhận thức sẽ bắt đầu tạo môi trường để con học được cách làm chủ và kiểm soát bản thân", chị nói.

Chẳng hạn, giai đoạn đầu khi con còn nhỏ, nhận thức chưa tốt, chị không hướng con phải kiểm soát bản thân nhiều, chỉ giúp con không bị cuốn vào tivi bằng cách biến nó thành trách nhiệm, nghĩa vụ khó khăn phải hoàn thành.

Có lần gần hết giờ xem tivi theo quy định, chị Trâm đã nhắc nhiều lần nhưng con vẫn làm ngơ. Thế là bà mẹ này liền bắt con xem tivi đủ... 2 tiếng cho kĩ nội dung rồi kể lại cho mẹ nghe, trong khi hai vợ chồng bày trò chơi xịt nước.

Nghe tiếng cười đùa lớn tiếng, Tin lật đật chạy ra, đòi tắt tivi để chơi cùng ba mẹ. Nhưng bà mẹ "đáo để" vẫn nhất định giữ vững lập trường: "Nãy con nói coi 2 tiếng để kể mẹ nghe mà, phải coi đủ. Phải coi thật kĩ, bạn làm gì, làm như thế nào để kể cho mẹ nghe nhé".

Những lần sau nếu Tin muốn coi nhiều thì vẫn sẽ được coi hẳn 2 tiếng, đói mệt, mỏi mắt cũng phải hoàn thành nhiệm vụ và kể chi tiết cho mẹ nghe. Tin toàn phải năn nỉ để được bước xuống chơi với mẹ nên thành ra... ngán, không quá hứng thú vì được xem thỏa thích như thời gian đầu nữa.

Không cấm con xem tivi, bà mẹ ở TP.HCM áp dụng quy tắc 3 bước: Con chẳng những không nghiện tivi mà còn tự biết kỷ luật - Ảnh 2.

Cu Tin, con trai chị Trâm

Giai đoạn khi con lớn hơn, chị Trâm thương lượng và giải thích cho con hiểu. Chị hay nói với con coi tivi đỏ mắt, hư mắt không còn thấy ba mẹ nữa. Coi tivi quá giờ sẽ không đủ thời gian để nghe mẹ đọc sách trước khi ngủ.

Chị Trâm cho con tham gia chọn khung giờ xem yêu thích. Điều này giúp con cảm thấy mình có tiếng nói hơn. Trong khoảng thời gian này, con được xem thoải mái mà không bị ba mẹ làm phiền hay yêu cầu dừng lại vì bất kỳ lý do gì.

Ban đầu, chị Trâm hẹn giờ trên điện thoại để con biết giờ tắt tivi. Nhưng sau đó, nhận ra được con đã phần nào ý thức được phải tự làm chủ bản thân, chị bỏ luôn bước hẹn giờ. Hiện tại con đã thấm nhuần quy tắc và làm chủ việc coi tivi. Trước đó vẫn còn tình trạng ba mẹ ăn hồi lâu rồi con mới xuống ăn cùng vì bận xem tivi, nhưng giờ thì rất hiếm khi xảy ra.

Thậm chí những lúc Tin chỉ xem một chút, chị Trâm hỏi "lên lầu chơi với mẹ không Tin" con cũng sẵn sàng tắt máy đi lên. Không ghiền hay đòi coi tivi liên tục, chỉ coi duy nhất 1 lần trong ngày. Con cũng có những hoạt động giải trí thú vị khác, đặc biệt là những hoạt động gắn kết gia đình như đọc sách cùng nhau, đi chơi công viên... để khỏi thấy nhàm chán.

"Vì ba mẹ vẫn hay chủ động kêu con coi tivi, con thoải mái thương lượng khi muốn coi lệch giờ quy định, tin con nên bé không thấy đối nghịch gì với ba mẹ, xem việc coi tivi là một sở thích rất bình thường và tự biết chừng mực.

Cha mẹ có thể ngồi cùng và giải thích nội dung trên tivi cho con. Nhờ thế, trẻ có thể hiểu sâu hơn những nội dung mà chúng chưa hiểu, mở rộng một số kiến thức từ cha và mẹ để phát triển về mặt tinh thần. Việc đặt những câu hỏi nhằm kích thích tư duy giúp trẻ phân biệt đúng sai cũng giúp thu nhận những lợi ích mà tivi mang lại", chị Trâm nói.

Quản lý việc sử dụng các thiết bị điện tử là một quá trình dài và rất nhiều thử thách đối với các bậc cha mẹ. Nhưng bằng cách phát triển các quy tắc gia đình - điều chỉnh các phương pháp trong quá trình nuôi dạy trẻ - bạn có thể đảm bảo trẻ có một trải nghiệm an toàn và lành mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại