Hotgirl gây bão vì về quê nuôi lợn
Tại Hồ Nam (Trung Quốc), một cô gái xinh đẹp 24 tuổi đã chia sẻ cuộc sống chăn lợn hàng ngày của mình và trở nên nổi tiếng. Cô tiết lộ rằng bản thân học chuyên ngành thú y ở trường đại học và sau khi tốt nghiệp đã đi làm kỹ thuật viên tại một trang trại lợn.
Cô gái tên thật là Tôn Trạc có tài khoản An Trư Lạp đã đăng nhiều bức ảnh với lợn lên mạng xã hội cá nhân của mình. Những thước phim mà cô chia sẻ chủ yếu xoay quanh công việc thường ngày và một số kiến thức trong ngành chăn nuôi.
Điều thu hút cư dân mạng không chỉ nằm ở nội dung mới lạ mà còn nhờ vẻ ngoài ưa nhìn của An Trư Lạp. Cô có đôi mắt to, hai mí, sống mũi cao, làn da trắng… Chỉ qua một vài clip ngắn, tên tuổi của cô nhanh chóng được nhiều người biết đến. Thậm chí với ngoại hình này, có người còn cho rằng cô không hẳn là nuôi lợn mà chỉ là tạo dáng chụp ảnh, lấy đó làm "chiêu trò".
Tuy nhiên trong một bài phỏng vấn, Tôn Trạc đã khẳng định mình tốt nghiệp ngành thú y và những điều được chia sẻ trên mạng xã hội đều là thật. Cô cũng cho biết thêm mùi của trang trại lợn không quá tệ như mọi người vẫn tưởng.
Mới đầu nhìn thấy những đàn heo lớn, cô cũng hơi sợ, nhưng về sau thì cũng quen dần. Cô chia sẻ tiền lương của các trang trại lợn thường được xác định theo trình độ học vấn và kỹ năng. Mức lương hàng năm của Tôn Trạc rơi vào khoảng 100.000 tệ (khoảng 340 triệu đồng). Tùy theo tình hình sản xuất và giá lợn mỗi năm mà mức thưởng sẽ có sự dao động, các vị trí kỹ thuật cao mức lương sẽ cao hơn.
Tôn Trạc chia sẻ công việc trên MXH. Ảnh: Toutiao
Theo Tôn Lạp, hiện lịch làm việc của cô là 26 ngày/tháng. Hàng ngày, cô thức dậy lúc 6 giờ sáng mỗi ngày để cho lợn ăn và uống nước, sau đó theo dõi tình hình và chẩn đoán bệnh nếu cần thiết. Cô gái 24 tuổi thường tan sở lúc 4 hoặc 5 giờ chiều. Công việc của Tôn Lạp cũng có áp lực riêng khi đàn gia súc bị ốm hoặc có vấn đề. Dẫu vậy, cô vẫn khẳng định đây là vị trí mà cô mơ ước vì có thu nhập khá và ổn định.
Áp lực thất nghiệp không trừ một ai
Câu chuyện của Tôn Trạc phần nào phản ánh tình trạng chung của những người trẻ. Họ vừa mới ra trường không lâu, vẫn cần phải đắn đo giữa việc nên ở lại thành phố hay về quê tìm một công việc.
Trịnh Tú buộc phải nghỉ việc tại một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc vào tháng 2/2022. Cô phần nào cảm thấy nhẹ nhõm khi không còn làm việc trong một lĩnh vực đang sa sút. Ba tháng sau, khi nộp đơn cho 400 vị trí mà không trúng tuyển, cô đã cực kỳ hoảng sợ.
Cô gái 26 tuổi chia sẻ: "Tôi không thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm". Trịnh Tú đã thực hiện 26 lần phỏng vấn mà không nhận được bất kỳ lời mời chấp thuận làm việc nào. Cô từng làm việc ở vị trí nhà nghiên cứu thị trường ở Nam Kinh và phải nghỉ việc khi công ty cắt giảm 30% nhân sự, sau khi chính phủ siết chặt quy định tài chính với ngành bất động sản. Cô chia sẻ: "Tôi cảm thấy cuộc sống chẳng còn chút hy vọng nào. Tôi không biết thể trụ được bao lâu nữa."
Cô gái 26 tuổi đang phải cạnh tranh với hàng chục triệu người khác ở độ tuổi 20 cũng chật vật để tìm việc.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Một ví dụ khác là cô gái ở Hà Nam (Trung Quốc) bật khóc vì nộp 800 chiếc CV vẫn không tìm được việc. Trong video, cô không giấu nước nước mắt và hỏi: “Tôi học đại học để làm gì?”. Đoạn video nhanh chóng được lan truyền trên Douyin, làm dấy lên các cuộc thảo luận về những thách thức mà sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc phải đối mặt.
Cô gái trẻ cho biết cô học chuyên ngành viết quảng cáo và lập kế hoạch. Trước khi tốt nghiệp, cô đã từng đi thực tập. Điều đáng nói là vị trí thực tập sinh tại các công ty thường không có lương và không thể đảm bảo có việc làm toàn thời gian khi kết thúc thời gian thực tập.
Cô tiếp tục kể về người bạn thân nhất của mình đang có một công việc ở Bắc Kinh với mức lương hàng tháng chỉ 7.500 nhân dân tệ. Người bạn cũng thường xuyên làm việc ngoài giờ trong nhiều ngày.
“Bạn tôi đi làm về lúc 1 giờ sáng, có khi 3, 4 giờ. Ngày hôm sau, cô ấy phải dậy lúc 7 giờ sáng để tiếp tục làm việc”, chủ nhân của video chia sẻ.
Đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được công việc ổn định, nhân vật trong video cho biết bản thân áp lực đến nỗi không dám về nhà: "Còn tôi thì sao? Gia đình gây áp lực muốn tôi về làm giáo viên hoặc xin vào một cơ quan nhà nước. Nhưng xin việc đâu có dễ như vậy”. Cô phải tránh về nhà vào dịp Tết Nguyên đán để không phải giải quyết các câu hỏi của người thân.