Không ATM, cũng chẳng có Internet Banking, ngân hàng hơn 80 năm tuổi tại Hong Kong vẫn sống khỏe, có lãi

Le Min Kop |

Ngân hàng được thành lập năm 1937 với một chi nhánh duy nhất tại Hồng Kông đã báo cáo lợi nhuận đạt 41 triệu đô la Hong Kong trong năm 2017.

Nhiều người đặt câu hỏi, giữa lúc ngân hàng số trở thành chuẩn mực của thế giới và Hong Kong đang chuẩn bị phát hành giấy phép ngân hàng số, thì liệu những mô hình truyền thống có thể tồn tại?

Những ngân hàng lớn và tạo thế đứng lâu dài thường có xu hướng dựa vào mạng lưới chi nhánh rộng khắp để tạo tính cạnh tranh. Thế nhưng, mô hình của Tai Sang lại đi ngược mọi chuẩn mực hiện nay.

"Chúng tôi cảm thấy nhân viên ngân hàng giống như những người bạn thân vậy. Loại hình dịch vụ cá nhân này không tìm thấy ở bất kỳ nhân hàng quốc tế lớn nào", Haywood Cheung Tak-hay, một nhà kinh doanh vàng và là khách hàng của Tai Sang Bank chia sẻ cảm nhận về ngân hàng này..

Với chỉ 30 nhân viên và một chi nhánh, Tai Sang được cho là ngân hàng nhỏ nhất Hong Kong. Nhưng nó vẫn duy trì năm thứ hai có mức tăng trưởng 2 con số, với thu nhập năm 2017 tăng 67% lên thành 5,27 triệu Hong Kong.

Công ty thành lập năm 1937 bởi Ma Kam-chan và hiện vẫn thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình với 11/15 giám đốc của ngân hàng mang họ Ma.

Chuyến thăm quan tới chi nhánh duy nhất của ngân hàng trên đường Des Voeux như đưa ta ngược thời gian trở về quá khứ. Sảnh chính có nhân viên thu ngân đứng trực, nhưng lại chưa đặt máy rút tiền tự động (ATM). Ngân hàng cung cấp 8 dịch vụ, được đăng tải trên website riêng, tuy nhiên lại vắng bóng ngân hàng trực tuyến.

Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể mở tài khoản tại Tai Sang với chỉ 100 đô la Hong Kong, nhưng không có loại hình tài khoản doanh nghiệp. Khách hàng có thể thuê két an toàn với phí hàng năm là 240 đô la Hong Kong.

Dòng tộc họ Ma là một trong những gia đình giàu có bậc nhất Hong Kong, sở hữu tài sản và khách sạn hàng đầu tại Hong Kong và Mỹ, thông qua quỹ phát triển Tai Sang Land Development có giá trị thị trường vào khoảng 1,5 tỷ đô la Hong Kong.

Gia đình này nổi tiếng với tính bảo thủ, họ chỉ tập trung vào lượng nhỏ khách hàng gồm các nhà môi giới chứng khoán, giới buôn vàng và một số nhà đầu tư bất động sản. Nhưng họ vẫn đảm bảo nguồn tài chính dư giả.

"Với tổng số nhân viên khoảng 30 người và hoạt động tại một địa điểm, ngân hàng chú trọng vào tính liên kết hiệu quả giữa ban quản lý và nhân sự. Họ tuân thủ các chính sách khách hàng nghiêm ngặt, cam kết cung cấp sản phẩm và dịch vụ có chất lượng, cũng như tính linh hoạt để thiết lập và duy trì mối quan hệ khách hàng bền vững", William Ma, chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Tai Sang tiết lộ.

Do quy mô nhỏ nên không quá ngạc nhiên khi số tiển gửi và các khoản vay của ngân hàng cũng ở mức khiêm tốn. Năm 2017, tổng số tiền gửi của khách hàng chỉ ở mức 1 tỷ đô la Hong Kong và tổng số vốn vay là 168 triệu đô la Hong Kong.

Thị phần của Tai Sang là 0,009% trong tổng số 11,689 triệu tỷ Hong Kong của thành phố và vốn cho vay chỉ chiếm 0,002% của tất cả các khoản vay 9,313 triệu tỷ đô la Hong Kong trong năm ngoái

"Nhà sáng lập Ma Kam-chan từng là chủ tịch sàn giao dịch vàng năm 1952. Gia tộc họ Ma và ngân hàng Tai Sang có một lịch sử lâu dài thiết lập các mối quan hệ với giới buôn bán vàng và môi giới chứng khoán. Chúng tôi biết nhau trong nhiều thập kỷ và có mối quan hệ gần gũi, tin tưởng. Ngân hàng cung cấp các khoản vay linh hoạt và dịch vụ thanh toán nhanh", Cheung, chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Vàng – Bạc Trung Quốc chia sẻ.

Ông tin rằng, những ngân hàng truyền thống như thế này sẽ không thể bị đe dọa bởi cơn sóng ngân hàng số hiện nay. "Điều quan trọng là nó cung cấp các dịch vụ mà giới kinh doanh vàng và chứng khoán cần. Tới lúc nào mà họ vẫn có thể phục vụ cộng đồng và những khách hàng cốt lõi thì họ vẫn trường tồn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại