Nhớ người bạn gái quen thời những năm 1990, nhà nghèo muốn đổi đời nên bà mẹ muốn đầu tư vào nuôi chó Nhật "một vốn bốn lời" lúc đó đang sốt ở Hà Nội. Nhà nhà nuôi chó, chỗ nào cũng chó, cưng chó hơn cả người vì sinh ra tiền. Nghe nói chó Nhật bán sang Trung Quốc bao nhiêu cũng hết.
Đầu tư vào đúng lúc thị trường "chó" bão hòa nên dù cô chó đẻ 5 con xinh như mộng nhưng chẳng ai mua, vì người Trung Quốc không thích nữa. Tiền mất nhiều, ông bà cãi nhau, còn tôi sợ tiếng sủa the thé, không dám qua nhà người đẹp lần nào nữa.
Mấy hôm nay đọc báo thấy một nhà đầu tư nói rất thú vị "Ngu gì mà không làm thép" và định chi chục tỷ đô la cho sản xuất thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, một bờ biển thuộc loại đẹp nhất Việt Nam.
Chưa biết dự án khả thi đến đâu, phát biểu có mục đích gì. Tuy nhiên, phát ngôn nóng vì rơi vào đúng lúc FORMOSA xả thải hủy hoại môi trường biển dọc miền Trung mà các nhà môi trường quốc tế đánh giá là một trong những thảm họa lớn nhất thế giới. Hậu quả khôn lường và hàng triệu dân sống cạnh biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tác giả Hiệu Minh
Nếu như dự án nhà máy thép được lên kế hoạch cách đây 30 năm thì hoàn toàn không "ngu" chút nào.
Lúc đó Trung Quốc bắt đầu chiến lược "mèo trắng, mèo đen, cứ bắt được chuột là ok", bắt đầu sự thần kỳ của đất nước đông dân nhất thế giới. Đầu tư đi trước thời đại mới may có lãi.
Để có một nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới và dự đoán năm 2030, Trung Quốc có thể vượt Hoa Kỳ, thì họ phải có nền sản xuất thép xứng tầm. Sắt thép có trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ ấm đun nước, xẻng, cuốc, máy cầy, cầu, nhà cửa.
Từ tăng trưởng liên tục hai con số, rồi giảm xuống một con số, năm 2014 dường như nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại, gây lo lắng cho nhiều nhà đầu tư.
Sắt thép không nằm ngoài qui luật cung cầu. Khi kinh tế đình đốn thì việc xây nhà, cầu cống hay nhỏ nhoi như hàng tiêu dùng inox cũng bớt dần.
Từ đầu thế kỷ 20, Mỹ, Nhật, Châu Âu, Liên Xô cũ luôn chiếm thứ hạng đầu về sản xuất thép. Nhưng khi Trung Quốc xuất hiện cán cân đã thay đổi. Hiện họ đứng đầu, sau là Nhật, Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Nhà nước đứng sau với sự trợ giá, ưu đãi vốn vay, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã làm cho những người khổng lồ như Angle American, Rio Tito phải ngắc ngoải.
> Mời xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY
Năm 2014, sản lượng thép của Trung Quốc chiếm 46% toàn cầu với 822 triệu tấn thép thô, Nhật là 110 triệu tấn, Mỹ chỉ có 88 triệu tấn, bằng 1/10 Trung Quốc.
Nhưng năm 2015 đã giảm 2,3% tương đương với 804 triệu tấn thép và năm 2016 con số này có thể là 783 triệu. Giá thép giảm 30% trong năm 2015, chính phủ phải can thiệp do cung đã vượt cầu, chuyển nhiều công nhân sang ngành khác.
Kinh tế Trung Quốc chững lại làm cho giá quặng cũng giảm, chỉ dấu cho biết ngành thép đang lao đao. Lúc thời điểm cao, giá một tấn quặng là 65$ năm 2007 nhưng nay chỉ còn 40$.
Goldman Sachs dự báo, giá quặng còn xuống nữa, có thể là 35$/tấn vào năm 2017 và 2018 trước khi nền kinh tế thế giới khởi sắc trở lại. Khó mà biết vì bao chuyện xảy ra ở tầm toàn cầu, bất ổn chính trị hay xung đột khu vực.
Năm 2015, hãng thép Angang thông báo thiệt hại 710 triệu USD, lãi giảm tới 600%. Người khổng lồ thứ hai là Baoshan Iron & Steel Co. cũng giảm lãi 83%, Chongqing mất hơn một tỷ đô la (5,99 tỷ NDT) so với năm trước đó. Các công ty vừa và nhỏ cũng thiệt hại tới 12 tỷ đô la.
Ông Zhao Chaoyue, một nhà phân tích hàng hóa của Trung Quốc đã nói "Về tổng thể, ngành sản xuất sắt thép thế giới đang thời kỳ hoàng hôn. Và nếu gọi đây là thời kỳ băng giá thì sẽ không sai nếu nói về hiện trạng thép thế giới".
Hãng Bloomberg báo từ tháng 2-2016, hãng khai thác mỏ sắt Anglo American thuộc hàng lớn nhất thế giới đã bán tài sản, đóng nhiều mỏ, giảm nhân viên từ 135 ngàn xuống 50 ngàn.
Tương tự, hãng Rio Tinto cũng báo giảm đầu tư từ 8 tỷ năm 2014 xuống 6 tỷ USD năm 2015 và hiện năm 2016 chỉ còn 5 tỷ.
Ảnh hưởng của công nghiệp thép Trung Quốc có tác động như hiệu ứng domino lên toàn cầu.
Vừa là nước sản xuất lớn nhất và cũng là nơi tiêu thụ sắt thép lớn nhất thế giới, nền kinh tế Trung Quốc như cái hàn thử biểu đo nhiệt độ phát triển thế giới. Trong thực tế, sản xuất thép của Trung Quốc đang vào thời điểm kinh tế chao đảo, báo hiệu sự băng giá vì sự thần kỳ đã qua rồi.
Trong lúc Trung Quốc đang lao đao vì ngành sản xuất thép thì Hoa Kỳ muốn nhập thép dư thừa. Hồi tháng 5, Bộ TM Hoa Kỳ bỗng đồng ý mua thép từ Trung Quốc cho ngành sản xuất xe hơi với con số tăng tới 522% so với năm trước vì đánh hơi thấy nước này đang bán đổ tháo. Ai mới là kẻ thông minh khi không đầu tư sản xuất thép?
Kết thúc bài viết, tôi nhớ ông Robert Kiyosaki, chuyên gia kinh tế nổi tiếng chuyên viết các lời khuyên về đầu tư. Một lần đến cửa hàng mua thực phẩm, thanh toán tiền xong, bà bán hàng đưa danh thiếp và nói "Nếu ông mua nhà hãy gọi điện cho tôi".
Hiểu ngay là thị trường bất động sản đang có chiều hướng chững lại và giảm giá, ông lập tức viết bài cảnh báo thì bị lên án và chửi bới không thương tiếc, sao có kẻ "ngu gì mà không mua nhà".
Nhưng chỉ gần tháng sau, dự đoán đó lại đúng vì ông quá rõ qui luật "không biết gì về bất động sản mà cũng mối lái kinh doanh nhà nghĩa thị trường đó đang bão hòa".
Một người tuyên bố "Ngu gì mà không làm thép" trong lúc thị trường thép bão hòa, một kiểu đầu tư "ngược chiều gió thổi", thì có lẽ phải đợi một thời gian nữa mới biết.
Còn người viết bài này mỗi lần đi qua nhà người đẹp thuở xưa phải nín thở vì sợ lũ chó sủa gâu gâu - "go go", ý nói đi đi, thì lại nghĩ đến chuyện khôn hay ngu khi cả Hà Nội nuôi chó Nhật.