Thực tế lịch sử đã chứng minh
Trong tác chiến ở bất kỳ hình thức nào, tiến công hay phòng ngự thì việc quan sát được đối phương và hành động của đối phương là một trong những yếu tố mang tính chất quyết định bởi có như vậy mới có thể sử dụng vũ khí trong trang bị tiêu diệt được kẻ địch.
Vì vậy, các biện pháp ngụy trang che mắt đối phương thường xuyên được các bên tham chiến đem ra áp dụng. Một trong các biện pháp ngụy trang đó là tạo màn khói!
Khói là tập hợp các khí và các hạt chất lỏng hoặc chất rắn lơ lửng trong không khí sinh ra khi một nguyên liệu bị đốt cháy hoặc chưng khô, kèm theo đó là một lượng không khí bị cuốn theo và trộn lẫn vào các phần tử đó.
Với đặc điểm như vậy, khói sẽ hấp thụ, ngăn cản hoặc làm tán xạ sóng ánh sáng ở hầu hết các bước sóng từ nhìn thấy đến hồng ngoại và tử ngoại. Kể cả đối với la-de khi gặp màn khói mật độ cao cũng sẽ không thể xuyên qua.
Lợi dụng những đặc tính đó, ngay từ thời cổ đại khói đã được ứng dụng vào quân sự. Tuy nhiên, từ chiến tranh thế giới thứ hai thì việc ứng dụng khói mới phổ biến hơn và có tính kế hoạch, bài bản hơn.
Ví dụ điển hình như trận tiến công vượt sông Đơ-nhi-ép của Hồng quân LX trong Thế chiến II tháng 11 năm 1943. Trong trận này Hồng Quân đã tạo khói mù ở 69 địa điểm khác nhau làm cho thật giả lẫn lộn nhằm che giấu ý đồ và bến vượt thực sự của mình.
Về phía quân Đức đã sử dụng hơn 2000 lượt máy bay đến oanh tạc nhưng kết quả chỉ có 6 quả bom trúng mục tiêu.
Còn trong chiến tranh Ai Cập- Israen năm 1973, quân đội Ai Cập cũng sử dụng màn khói ngụy trang quy mô lớn trong trận tiến công vượt kênh đào Xuy-ê và đã hạn chế khả năng tác xạ các loại vũ khí của quân Israen, giảm đến mức tối thiểu thương vong của bộ đội.
Xe tăng T-90
Trong chiến tranh Việt Nam, chúng ta đã sử dụng thành công màn khói ngụy trang để bảo vệ nhà máy điện Yên Phụ trước các cuộc oanh kích ác liệt của không quân Mỹ- kể cả khi Mỹ sử dụng bom la- de- một loại vũ khí tinh khôn có độ chính xác cao đã từng đánh trúng nhiều mục tiêu quan trọng của ta.
Để tạo ra khói theo ý định, trong quân sự hiện nay sử dụng rất nhiều phương tiện. Từ lựu đạn, hộp tạo khói cầm tay đến thùng tạo khói, đạn pháo, cối và bom tạo khói sử dụng các hợp chất hóa học chuyên dùng.
Ngoài ra còn có một số cách tạo khói khác như "chưng khô" nhiên liệu trên các phương tiện chiến đấu như tàu thủy, xe tăng...
Để tăng phạm vi sử dụng người ta còn sử dụng các phương tiện cơ giới vào việc tạo khói. Nhiệm vụ này ở Việt Nam thường do Bộ đội Hóa học đảm nhiệm.
Khói với xe tăng trong chiến tranh hiện đại
Là lực lượng đột kích chủ yếu của lục quân trong các chiến dịch tiến công, xe tăng thường xuyên được coi là mục tiêu quan trọng cần tiêu diệt của bên phòng ngự.
Vì vậy, song song với sự phát triển của xe tăng thì các loại vũ khí chống tăng cũng không ngừng phát triển và ngày càng hiện đại từ súng chống tăng cá nhân cho đến các loại tên lửa chống tăng với nhiều nguyên lý ngắm bắn, dẫn đường khác nhau.
Để bảo vệ mình, các xe tăng cũng được hiện đại hóa liên tục. Từ lắp giáp phản ứng nổ đến các thiết bị phòng hộ chủ động v.v... Và một trong những biện pháp nữa được các nhà chế tạo xe tăng - nhất là trường phái xe tăng Nga - Xô áp dụng là tạo màn khói che mắt đối phương.
Xe tăng Ấn Độ thả khói ngụy trang trong diễn tập.
Nếu tạo được một màn khói đủ dày che phủ xe tăng thì hoàn toàn có thể vô hiệu hóa các loại vũ khí chống tăng của đối phương dù đó là vũ khí ngắm bắn bằng mắt thường hay tên lửa dẫn bằng la de, hồng ngoại...
Để làm được điều này, các xe tăng từ đời T-55 trở đi đã được lắp thiết bị tạo khói mù. Đó là một thiết bị đặc biệt sử dụng nhiên liệu diesel của bản thân xe tăng làm nguyên liệu tạo khói. Nó bao gồm một máy bơm nhiên liệu và hệ thống van, vòi phun gắn trên đường khí xả của động cơ.
Khi động cơ đã làm việc một thời gian, hệ thống ống xả sẽ đạt đến một nhiệt độ nhất định. Lúc đó, nếu nhiên liệu được phun vào đường xả thì số diesel này sẽ không bị đốt cháy mà bị ‘chưng khô" và tạo thành khói phun ra theo cửa xả của xe.
Thiết bị tạo khói thế hệ mới do Việt Nam chế tạo. Ảnh: Truyền hình QPVN.
Trong điều kiện thời tiết bình thường (gió dưới 4 m/s), với lượng nhiên liệu tiêu thụ 10 lít/ phút thiết bị này có thể tạo được màn khói đậm đặc cao 15-20 mét và trải dài theo đường cơ động của xe.
Không chỉ sử dụng thiết bị tạo khói từ nhiên liệu, trên các xe tăng hiện đại người ta còn lắp thêm một số ống phóng lựu mà đạn của chúng chính là đạn khói. Khi cần thiết phải che mắt đối phương kíp xe sẽ kích hoạt các ống phóng này.
Các quả đạn khói sẽ được phóng về phía trước khoảng 60-70 mét và sẽ tạo màn khói đủ để vô hiệu hóa khả năng quan sát cũng như tín hiệu dẫn đường của các loại tên lửa chống tăng.
Tuy nhiên, khi sử dụng khói mù che mắt đối phương cũng sẽ làm giảm khả năng quan sát của chính mình. Vì vậy, phải căn cứ vào tình hình cụ thể như đội hình chiến đấu, tình hình địa hình thời tiết- đặc biệt là các chỉ số về gió...để có phương án, thời gian áp dụng cho phù hợp.
Và không hề sai khi nói sử dụng khói cho hiệu quả trong tác chiến là cả một nghệ thuật!