Hồi bé, lần nào theo bà nội xem diễn tích "Mục Kiền Liên cứu mẹ", tôi cũng khóc thút thít. Vừa sợ, vừa thương bà Thanh Đề vì mắc tội chốn dương trần mà khi về thế giới bên kia, bị đày nơi địa ngục; vừa cảm phục tấm lòng hiếu kính của Mục Kiền Liên chịu bao khổ nạn để cứu mẹ.
Không phải đương nhiên mà tích "Mục Kiền Liên cứu mẹ từ địa ngục" được lưu truyền rộng rãi trong đời sống của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà trong các đám tang mà người qua đời là nữ giới có tuổi, phường bát âm hay diễn lại tích này. Mục Kiền Liên Bồ Tát là hiện thân cho hạnh nguyện cứu mẹ thoát khỏi cảnh khổ, là biểu trưng của hiếu đạo.
Từ bao giờ lòng tham làm mờ đạo lý?
Liên hệ với vụ việc làm rúng động dư luận xã hội suốt mấy ngày nay ở Hưng Yên, chỉ vì mâu thuẫn gia đình mà 3 người con gái nhẫn tâm đổ xăng, phóng hoả đốt nhà mẹ đẻ khiến cả 4 mẹ con đều bị thương, hiện 3 người vẫn đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia mà không khỏi bàng hoàng, đau xót trước hành động băng hoại đạo đức làm người, đi ngược truyền thống đạo lý làm con. Nhìn lại hình ảnh được trích xuất từ camera, không thể chấp nhận được hành động nhẫn tâm, hồ đồ, phi nhân tính của ba người con đối với mẹ mình.
Hiện tại, họ đang vừa phải đối mặt với thiệt hại nặng nề về thân thể, vừa chịu sự lên án gay gắt của toàn xã hội. Tương lai, pháp luật có lẽ cũng sẽ có những bản án nghiêm khắc, thích đáng dành cho họ. Nhưng nỗi đau, dư âm và tác động tiêu cực của vụ việc sẽ chẳng dễ gì mai một theo thời gian. "Trăm năm bia đá thì mòn" nhưng "ngàn năm bia miệng" về chuyện 3 con gái tranh giành đất đai thù hằn đấng sinh thành, phóng hoả "đốt" mẹ đẻ sẽ "mãi còn trơ trơ".
Nhìn lại hành trình 3 người con khôn lớn, tôi tin, tuổi thơ của họ (cùng với người em/anh trai của mình, đang sống cùng bà mẹ) đều được hưởng sự chăm lo, tình yêu thương của cha của mẹ. Thời khắc các cô bước lên xe hoa về nhà chồng, trái tim các cô cũng rưng rưng khi phải rời vòng tay mẹ, rời xa tổ ấm gia đình bao năm gắn bó. Tôi tin, khi các cô sinh nở, mẹ các cô cũng chính là người tay cơm tay nước, tay bỉm tay tã lo cho cháu con. Tình cảm mẹ con, sợi dây kết nối yêu thương giữa mẹ và con gái, dù đậm dù nhạt thời nào chẳng thế!
Tri thức có thể học hỏi dần dần nhưng đạo đức con người phải được rèn giũa từ thuở lọt lòng, từ trong gia đình đến toàn xã hội. Ảnh minh họa
Vẫn biết rằng, lòng hận thù nào cũng bắt nguồn từ cơn cớ sâu xa. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, nếu giá đất không tăng? Nếu người mẹ nghèo chỉ có một mảnh đất để sinh sống? Nếu không phải là một miếng đất trong làng - một miếng ngoài đường lớn… thì có lẽ, đã không xảy ra tranh chấp đến cạn tình, bất chấp cả luân thường đạo lý, chà đạp lên công lao mang nặng đẻ đau, dưỡng dục của đấng sinh thành! Từ bao giờ lòng tham làm mờ đạo lý? Từ bao giờ đồng tiền và lợi ích bất chấp cả tình thân?!
Câu chuyện đau lòng không ai mong muốn đã xảy ra. Có thể, trước đó và sau này khi bình tĩnh lại, chính những người trong cuộc sẽ cảm thấy hối hận, hổ thẹn, tiếc nuối về cách ứng xử của mình trong cơn cuồng nộ. Nhưng qua vụ việc kinh hoàng này, chính là sự cảnh tỉnh về đạo đức, là bài học làm mẹ- làm con - làm người dành cho tất cả chúng ta.
Truyền thống hiếu hạnh cũng cần đưa lên bàn nghị sự
Trong một cảm xúc nặng nề, tôi làm một phép thử mang tính ước lệ bằng cách gõ cụm từ tìm kiếm "Con giết mẹ" trên Google. Tức thì hiện lên 14.500.000 kết quả trong 0,44 giây; với cụm từ "Con giết cha" cho 8.240.000 kết quả trong 0,41 giây và "Con giết cha mẹ" cho 9.190.000 kết quả trong 0,35 giây. Những con số thực sự gây choáng váng, lạnh gáy và nghẹt tim!
Hẳn chúng ta chưa quên vụ việc dã man xảy ra hồi tháng 1/2022: do mâu thuẫn với cha đẻ, ngày 18/1, Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi, trú phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mua chất độc Xyanua đầu độc cha mình tử vong rồi kéo thi thể cha ra phía sau tường rào, mua gạch, xi măng bịt kín nhằm phi tang. Để che giấu hành vi phạm tội, Linh còn tiếp tục lấy xăng đốt nhà.
Hai tháng sau, ngày 12/3, bực tức vì không mượn được tiền bố mẹ ruột, Nay Y Hùng (SN 1996, trú ở buôn Thô, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, Phú Yên) cũng đã mua xăng về châm lửa đốt nhà bố mẹ ở buôn Thứ, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh.
Quả thực, hổ dữ chẳng nỡ ăn thịt con nhưng hổ con vì lợi ích vật chất, vì sự không hài lòng, thoả mãn mà sẵn sàng tấn công cha mẹ; một mẹ nuôi nổi mười con nhưng mười con không nuôi nổi mẹ; nước mắt chảy xuôi nhưng gió lại thổi nghịch chiều! Có cả ngàn héc ta đất thì liệu có mua được tình mẫu tử? Dẫu cả tấn tiền liệu có chuộc được chữ hiếu trong đạo làm con? Toà án lương tâm của họ sau này sẽ tự trả lời cho câu hỏi đó.
Vì sao những vụ án sát hại người thân có dấu hiệu ngày một gia tăng với mức độ ngày càng tàn độc? Vì sao những giá trị đạo đức không thể thắng các cơn cuồng nộ? Làm gì để cán cân lợi ích - giá trị vật chất nhẹ hơn cán cân giá trị tình thân, gia đình?... Những câu hỏi này, đã đến lúc chúng ta không đặt ra rồi bỏ đấy. Cùng với các vấn đề đại sự quốc gia, các vấn đề đạo đức xã hội - đạo đức làm người, giá trị gia đình - truyền thống hiếu hạnh của người Việt Nam cũng cần đặt lên bàn nghị sự Quốc hội.
Tri thức có thể học hỏi dần dần nhưng đạo đức con người phải được rèn giũa từ thuở lọt lòng, từ trong gia đình đến toàn xã hội. Tôi rất tâm đắc nói của TS. Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, trong một bài báo, khi ông phân tích về hành vi phi nhân tính trong vụ việc của cô gái giết cha đẻ ở TP Vũng Tàu: "Chúng ta không thể chọn được nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn được cách ứng xử trong các mối quan hệ ở nơi mình sinh ra". Trộm nghĩ, nếu tất cả chúng ta (bằng cách này hay cách khác, được học hay tự học) trang bị cho mình những kỹ năng mềm trong ứng xử và giải quyết xung đột, mâu thuẫn; toàn xã hội chung tay củng cố giá trị gia đình, đạo hiếu gắn chặt với các thiết chế pháp luật…, thì có thể, chúng ta sẽ hạn chế thấp nhất các vụ án đau lòng liên quan đến gia đình, tình thân.