Lại một mùa vải thiều chín đỏ trên đất Bắc Giang. Trải qua bao vụ vải thăng trầm “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, người trồng vải và cơ quan chức năng ở Bắc Giang đã rút ra những kinh nghiệm làm ăn mới để rộng đường đi cho quả vải.
Mùa vải với nhiều thách thức
Có lẽ trong nhiều thập kỷ trồng vải, lần đầu tiên các vườn vải Bắc Giang trải qua một giai đoạn kinh doanh khó khăn như năm 2020 này. Đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các quốc gia phải đóng cửa biên giới, ngừng hoặc hạn chế các chuyến bay quốc tế, nên lực lượng thương nhân và chuyên gia đến Việt Nam thẩm định chất lượng và mua vải thiều từ Trung Quốc và Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam.
Trong khi đó, thông tin từ chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh và Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, vải sớm của Việt Nam (hay còn gọi là vải chua) chín đúng thời điểm vải ở Trung Quốc cũng chín tới.
Trong nhiều thập kỷ trồng vải, lần đầu tiên các vườn vải Bắc Giang trải qua một giai đoạn kinh doanh khó khăn như năm 2020 này.
Theo thống kê, năm 2020, ước tính diện tích vải của Trung Quốc khoảng 533.000 ha, dự kiến tổng sản lượng quả vải tại Trung Quốc năm 2020 đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với 2019 và xấp xỉ sản lượng của năm 2018 (khoảng 2,6 triệu tấn). Do thời tiết, vụ quả vải năm nay tại Trung Quốc bắt đầu thu hoạch sớm hơn khoảng nửa tháng so với mọi năm, dự kiến sẽ kéo dài thêm khoảng 2 tháng, kết thúc vào khoảng đầu tháng 7.
Đáng chú ý, các vùng trồng vải của Trung Quốc cũng thúc đẩy xúc tiến thương mại cho quả vải từ rất sớm, đặc biệt là qua các chợ điện tử. Ngày 9/5/2020, trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao của Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chuyên đề tiêu thụ quả vải. Dự báo sản lượng quả vải bán ra thị trường vào các tháng như sau: tháng 4 khoảng 55,8 nghìn tấn; tháng 5 khoảng trên 536.000 tấn; tháng 6 khoảng 1,11 triệu tấn; tháng 7 khoảng 109.000 tấn.
Cùng với đó, vải thiều Lục Ngạn năm nay không sai quả bằng nhiều năm trước, do thời tiết khắc nghiệt.
Rộng đường đi cho quả vải
Mặc dù được đánh giá là năm nhiều thách thức, nhưng tỉnh Bắc Giang đã có sự chuẩn bị từ cuối vụ vải 2019 để nâng cao chất lượng và sản lượng của vải, đồng thời đảm bảo giá bán ổn định cho mặt hàng này.
Theo thông tin từ ông Lưu Anh Đức, Chủ tịch UBND xã Trù Hữu, huyện Lục Ngạn, năm nay sản lượng vải thấp hơn hẳn mọi năm, nhưng ngay từ đầu vụ, xã đã hỗ trợ bà con trong việc trồng, chăm sóc cây vải và tạo điều kiện cho thương lái Trung Quốc đến mua vải khi được phép.
Hiện nay có khoảng 300 thương lái mong muốn đến Lục Ngạn mua vải, khi được Chính phủ hai nước cho phép, Lục Ngạn sẽ tổ chức đón các thương lái ngay tại cửa khẩu, đưa thẳng về khu cách ly của huyện, cách ly đủ 14 ngày mới cho phép hoạt động để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, năm nay giá vải khá cao, đến thời điểm này giá vải chín sớm đã đạt mức 30.000 - 40.000 đồng/kg nên nhà nông rất phấn khởi.
Để có thể tạo ra giá trị gia tăng cao cho quả vải, tăng thu nhập cho người sản xuất, ngay từ cuối vụ vải 2019, Bắc Giang đã chủ động quy hoạch vùng sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng vào Nhật Bản với sự giám sát chặt chẽ. Câu chuyện đưa vải thiều sang Nhật Bản được coi là một nỗ lực lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, Đại sứ quán hai nước, chính quyền địa phương và người trồng vải.
Ông Lê Sỹ Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, thị trường Nhật Bản yêu cầu không có dấu hiệu của thuốc bảo vệ thực vật.
Để đáp ứng yêu cầu này, Cục BVTV, các viện, trường đã giúp Bắc Giang xây dựng một bộ thuốc gồm 21 hoạt chất sinh học an toàn, đồng thời kết hợp các biện pháp cơ học, thủ công, thông qua dự tính dự báo để phòng trự sâu bệnh tốt, hiệu quả, chi phí thấp. Bắc Giang đã áp dụng sơ chế, xông hơi khử trùng, chiếu tia Xquang để phát hiện sâu đục cuống, đảm bảo các sản phẩm không bị lỗi.
Nhờ vậy, quả vải bảo quản được 15 ngày, đảm bảo tươi ngon khi đến tay khách hàng, kể cả đi bằng đường biển.
Phát triển thị trường là ưu tiên số một
Việc phát triển và tìm thị trường cho sản phẩm vải thiều là yêu cầu quan trọng nhất với ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương Bắc Giang. Phải đảm bảo có sản phẩm chất lượng cao không chỉ để xuất khẩu sang Nhật Bản - là thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe - mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng trong nước cũng như khách hàng Trung Quốc.
Vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn phải có mã vùng sản xuất, có cơ sở đóng gói, tem nhãn đầy đủ để có thể truy xuất được nguồn gốc. Nhờ cách làm chặt chẽ đó mà sản phẩm vải thiều ngày càng mở rộng được thị trường, xuất hiện ở nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Úc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á…
Hiện nay, Bắc Giang đang đề nghị Bộ NN&PTNT, Cục BVTV cấp 149 mã vùng trồng, 288 cơ sở đóng gói để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu vải thiều vào thị trường Trung Quốc.
Riêng với thị trường Nhật Bản, Bắc Giang đã sẵn sàng đầy đủ các điều kiện để đưa quả vải thiều với chất lượng tốt nhất sang thị trường này. Hiện, đã có 3 doanh nghiệp về Bắc Giang ký hợp đồng để đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản.
Cùng với xuất khẩu, Bắc Giang cũng coi trọng thị trường nội địa, sơ chế bảo quản. Hiện nay, giá vải thiều đạt mức khá, xấp xỉ 50.000 đồng/kg. Đối với vải chín muộn, có thể đạt tới 75.000 - 80.000 đồng/kg. Thị trường Trung Quốc hàng năm nhập khẩu khoảng 50 - 60% vải thiều Bắc Giang do quả vải đều, đẹp, có màu đỏ, vị ngọt, cùi chắc, vỏ mỏng.
Bắc Giang đã có phương pháp trồng rải vụ bằng giống, từ quả vải đầu tiên đến quả vải cuối cùng chín trong vòng 1 tháng, kết hợp với việc đầu tư hoàn chỉnh công nghệ chế biến sau thu hoạch, nên sẽ giảm sức ép cung cầu.
Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, Sở đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết để khi được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều trực tuyến với sự tham gia của chính quyền địa phương và ngành Công Thương Bắc Giang cùng các địa phương giáp ranh hai bên biên giới./.