Báo cáo cho hay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2014. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần.
Nhưng vẫn còn tới trường hợp cá biệt khi có tới 25 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
Trong đó, đứng đầu là Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin (32,84 lần). Các DN như Tổng công ty Xăng dầu quân đội, TCT 36 (15,41 lần); Tổng công ty Cơ khí xây dựng có nợ trên vôn chủ sở hữu tới hơn 10 lần.
Báo cáo của Chính phủ lưu ý, việc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước huy động vốn lớn, vượt quá mức khống chế theo quy định (không quá 3 lần vốn chủ sở hữu) dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán ảnh hưởng đến an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Một số DNNN có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn. Đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (134.014 tỷ đồng); Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (42.743 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (29.997 tỷ đồng); Tập đoàn Viettel (16.313 tỷ đồng); Vinalines (14.734 tỷ đồng)...
Nợ nước ngoài của các DNNN là 348.189 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là vay dài hạn với số tiền là gần 310.000 tỷ đồng.
Trong số tiền vay nước ngoài, chủ yếu là từ nguồn vay lại vốn ODA của Chính phủ với hơn 121.000 tỷ đồng. Còn lại là vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh (97.179 tỷ đồng); Vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 62.035 tỷ đồng...
Báo cáo cũng cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 338.327 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2014.
Trong đó, nợ phải thu khó đòi của các DNNN là 16.715 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2014, chiếm 4,9% tổng số nợ phải thu.
Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có số nợ phải thu khó đòi lớn nhất với 6.787 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN 1.455 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội 972 tỷ đồng...