Khối ngoại bán ròng hơn 320 tỷ đồng, vốn hóa Masan “bay hơi” gần 7.600 tỷ đồng chỉ sau 2 phiên giao dịch

Minh Anh |

Việc nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu MSN có thể liên quan tới lo ngại kết quả kinh doanh Masan sẽ bị ảnh hưởng khi nhận sáp nhập VinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+.

Ngày 3/12, VinGroup (VIC) và Masan (MSN) đã công bố thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Theo đó, VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Sau khi hoàn tất sáp nhập, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, trong khi VinGroup chỉ còn là cổ đông lớn.

Ngay sau thông tin này, cổ phiếu MSN của Masan đã bị giới đầu tư bán mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch 3/12, cổ phiếu MSN giảm hết biên độ (4.800 đồng, tương đương 7%) xuống 64.200 đồng.

Chưa dừng lại, sang phiên giao dịch 4/12, MSN tiếp tục bị bán mạnh và có thời điểm giảm gần hết biên độ. Dù vậy, cầu bắt đáy tăng mạnh về cuối phiên giúp cổ phiếu này chỉ còn giảm 1.700 đồng (2,6%) và đóng cửa tại 62.500 đồng. Đây là mức giá thấp nhất của MSN trong vòng 2 năm qua.

Tính chung trong 2 phiên giao dịch, cổ phiếu Masan giảm tổng cộng 6.500 đồng/cp, qua đó khiến vốn hóa Masan "bay hơi" xấp xỉ 7.600 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng hơn 320 tỷ đồng, vốn hóa Masan “bay hơi” gần 7.600 tỷ đồng chỉ sau 2 phiên giao dịch - Ảnh 1.

Cổ phiếu MSN "lao dốc" trong những phiên gần đây

Một trong những tác nhân khiến cổ phiếu Masan giảm sâu trong 2 phiên vừa qua đến từ khối ngoại khi họ bán ròng tổng cộng hơn 5,2 triệu cổ phiếu MSN, tương ứng giá trị hơn 320 tỷ đồng.

Việc nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu MSN có thể liên quan tới lo ngại kết quả kinh doanh Masan sẽ bị ảnh hưởng khi nhận sáp nhập VinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+.

Tại Việt Nam, Vinmart và Vinmart+ là một trong những chuỗi bán lẻ có quy mô nhất. Tính tới cuối tháng 11, VinGroup đã xây dựng được hệ thống gồm 115 siêu thị Vinmart và 2.438 cửa hàng Vinmart+ trên khắp cả nước. Dù vậy, do đang trong quá trình mở rộng nên mảng kinh doanh bán lẻ này vẫn đang bị lỗ.

Theo báo cáo bộ phận của VinGroup, trong năm 2018, doanh thu mảng bán lẻ của Tập đoàn này đạt 21.257 tỷ đồng nhưng lỗ 5.121 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, mảng bán lẻ ghi nhận doanh thu 23.571 tỷ đồng nhưng lỗ 3.461 tỷ đồng.

Tuy vậy, báo cáo tài chính của VinCommerce lại cho thấy doanh nghiệp này lại có lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 8.200 tỷ và 7.600 tỷ đồng. Kết quả này đã đưa VinCommerce đứng trong top những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất cả nước cũng như bù được hết lỗ lũy kế của các năm trước.

Khối ngoại bán ròng hơn 320 tỷ đồng, vốn hóa Masan “bay hơi” gần 7.600 tỷ đồng chỉ sau 2 phiên giao dịch - Ảnh 2.

VinCommerce có lợi nhuận đột biến năm 2018 là do có khoản thu nhập tài chính ròng (đã trừ chi phí) lên đến 12.000 tỷ đồng. Năm 2019, nhiều khả năng VinCommerce sẽ tiếp tục có thêm khoản thu nhập tài chính lớn đến từ việc chuyển nhượng 51,4 triệu cổ phiếu Vingroup cho SK Group.

Trên thực tế, kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính của từng công ty có thể có sự khác biệt lớn với kết quả kinh doanh bộ phận do những giao dịch mang tính chất nội bộ tập đoàn hoặc kết quả của một công ty có thể phân bổ vào nhiều bộ phận khác nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại