Khói mù tái diễn, chạm mốc có hại cho sức khỏe ở Singapore

Hữu Hưng (PV Đài THVN thường trú tại ASEAN) |

Vấn đề khói mù lại nóng lên những ngày gần đây khi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận tình trạng khói mù ở mức có hại cho sức khỏe.

Sau gần 4 năm tưởng chứng vắng bóng, hiện khói mù đã quay trở lại Singapore. Sự quay trở lại có phần bất ngờ này được thể hiện qua hàng tít như "Khói mù tấn công Singapore".

Theo ghi nhận, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, chỉ số ô nhiễm khói mù chạm mốc có hại cho sức khỏe ở Singapore.

Ngoài Singapore, Malaysia hay thậm chí cả Cebu ở Philippines cũng ghi nhận tình trạng khói mù ở mức có hại.

Nguyên nhân không gì khác vẫn là do hàng trăm điểm đốt rừng, cháy rừng ở đảo Sumatra, ở Kalimantan (Indonesia) mà năm nay có phần trầm trọng thêm bởi hiện tượng El Nino khiến mùa mưa đến chậm.

Đeo khẩu trang, hạn chế hoạt động ngoài trời hay làm việc tại nhà là những khuyến cáo chung ở các nước khi khói mù xảy ra. Tuy nhiên, tại Malaysia, tình hình và dư luận có vẻ gay gắt hơn. Báo chí cho biết, tính đến ngày 12/10, số người nhập viện do khói mù ở Malaysia đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 ngày.

Khói mù tái diễn, chạm mốc có hại cho sức khỏe ở Singapore - Ảnh 1.

(Ảnh: Massachusetts Institute of Technology)

Về ngoại giao, Malaysia đã gửi công hàm tới Jakarta thông báo về tình trạng khói mù của nước này, thúc giục Indonesia cần hành động.

Mặt khác, dư luận tại Malaysia lên tiếng yêu cầu chính phủ nước này hành động mạnh mẽ hơn như thực thi luật chống khói mù xuyên biên giới để trừng phạt các công ty hoặc cá nhân gây ra khói mù. Đây cũng chính là luật mà Singapore đã thông qua và thực thi.

Câu hỏi được đặt ra là liệu Luật chống khói mù xuyên biên giới là một biện pháp hiệu quả? Theo Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được ký kết năm 2002, mỗi nước cần thông qua luật tương ứng.

Malaysia là nước đầu tiên phê chuẩn hiệp định này vào năm 2002, nhưng đến nay vẫn chưa thực thi Luật chống khói mù xuyên biên giới ở trong nước. Tháng 9/2014, Quốc hội Indonesia mới thông qua hiệp định này, nhưng đến nay vẫn diễn ra tình trạng khói mù và chưa có giải pháp lâu dài nào.

Vì thế, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu Malaysia Nik Nazmi, chỉ ban hành luật thôi thì chưa giải quyết được vấn đề, ngoại giao và đàm phán giữa các nước liên quan mới là cách hiệu quả hơn.

Còn theo một bài phân tích khác, vấn đề khói mù xuyên biên giới cần được giải quyết đồng thời qua cải cách luật, ý chí chính trị và hợp tác giữa các nước liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại