Các nhà nghiên cứu lo ngại những phát hiện trên biển Laptev có thể báo hiệu một vòng phản hồi khí hậu mới đã được kích hoạt. Ảnh: The Guardian
Theo trang The Guardian (Anh), nồng độ khí methane cao đã được phát hiện ở độ sâu 350 mét ở biển Lapte, gần Nga, khiến các chuyên gia lo ngại một “vòng lặp phản hồi khí hậu mới” có thể đẩy nhanh tốc độ nóng lên toàn cầu.
Sườn lục địa ở Bắc Cực chứa một lượng lớn khí methane đóng băng. Khí methane có tác động làm nóng lên toàn cầu mạnh gấp 80 lần so với khí cacbonic trong 20 năm. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ trước đây đã coi tình trạng khí methane bất ổn ở Bắc Cực là một trong bốn kịch bản nghiêm trọng nhất gây biến đổi khí hậu một cách đột ngột.
Theo đó, nhóm nghiên cứu quốc tế trên tàu nghiên cứu R/V Akademik Keldysh của Nga cho biết hầu hết khí methane thải ra đều hòa tan trong nước. Tuy nhiên, nồng độ methane trên bề mặt biển đang cao gấp 4 đến 8 lần mức bình thường và đang thải vào bầu khí quyển.
“Tại thời điểm này, chưa có tác động lớn nào lên hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng điều đáng nói ở đây là quá trình này đã bị kích hoạt”, nhà khoa học Thụy Điển Örjan Gustafsson tại Đại học Stockholm, cho biết.
Các nhà khoa học nhấn mạnh những phát hiện của họ chỉ là sơ bộ. Quy mô phát thải khí methane sẽ không được xác định cho đến khi họ quay lại tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, việc phát hiện ra khí methane đóng băng ở sườn lục địa, nơi có độ dốc lớn, làm dấy lên lo ngại rằng nồng độ này đã đạt đến một điểm giới hạn mới có thể làm tăng tốc tình trạng nóng lên toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu quốc tế trước chuyến thám hiểm tàu Akademik Keldysh. Ảnh: The Guardian
Nhiệt độ tại Bắc Cực đang tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Câu hỏi về việc liệu khí methane đông lạnh có bị thải vào bầu khí quyển hay không, và khi nào sẽ phát thải, còn là một vấn đề còn chưa chắc chắn trong các mô hình tính toán về khí hậu.
Nhóm 60 nhà nghiên cứu trên tàu Akademik Keldysh tin rằng họ là những người đầu tiên quan sát được sự phát thải khí mathane. Ở 6 điểm quan sát trên một khu vực sườn lục địa dài 150 km, rộng 10 km, nhóm nghiên cứu thấy các đám mây bọt bị thải ra từ dưới đáy đại dương
Tại một điểm ở sườn lục địa biển Laptev, ở độ sâu 300 m, họ phát hiện nồng độ khí methane lên đến 1.600 nanomol/lít, tức cao hơn 400 lần so với dự kiến, nếu biển và khí quyển ở thế cân bằng.
“Việc phát hiện ra sườn lục địa thải khí methane là rất quan trọng và cho tới nay chưa được kiểm chứng”, ông Igor Semiletov tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết. “Có khả năng điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với khí hậu, nhưng chúng ta cần thêm nghiên cứu trước khi xác nhận điều đó”.
Phát hiện mới nhất này có khả năng sẽ là nguồn phát thải khí methane thứ ba trong khu vực này. Ông Semiletov, người đã nghiên cứu khu vực này 2 thập kỷ cũng từng phát hiện khí methane bị thải ra từ thềm lục địa Bắc Cực, vùng biển lớn hơn bất kỳ vùng biển nào.
Năm nay, nhiệt độ ở Siberia đang cao hơn 5 độ C so với trung bình 6 tháng đầu năm. Đây là hiện tượng bất thường. Cuối mùa đông năm ngoái, băng biển đã tan sớm một cách bất thường do lượng khí thải carbon dioxide và methane do con người gây ra, cao hơn ít nhất 600 lần bình thường.
Băng biển mùa đông năm ngoái tan sớm bất thường. Tuy nhiên, mùa đông năm nay, quá trình đóng băng vẫn chưa diễn ra, nghĩa là bắt đầu muộn nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận.