Từ xưa đến nay, nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ. Ấy vậy mà trong thời kì phong kiến – giai đoạn lịch sử được coi là đỉnh cao của chế độ phụ quyền vẫn xảy ra không ít vụ chồng bị... vợ đánh thừa sống thiếu chết.
Để xử lí nghiêm những trường hợp này, vua Gia Long đã có quy định cụ thể về việc xử tội "Thê thiếp đánh chồng" trong bộ luật mới của vương triều nhà Nguyễn.
Vua Gia Long. Hình minh họa
Bộ luật này có tên đầy đủ là "Hoàng Việt luật lệ" (còn gọi là luật Gia Long) do quan Tổng tài Nguyễn Văn Thành cùng với Vũ Trinh và Trần Hựu thừa lệnh vua Gia Long biên soạn vào năm Ất Hợi (1815).
"Hoàng Việt luật lệ" gồm 22 quyển với 398 điều luật. Riêng quy định xử tội thê thiếp đánh chồng được ghi tại quyển 15 phần Hình luật, trong mục đấu ẩu.
Theo đó, mức xử phạt được quy định rất rõ như sau:
"Phàm vợ đánh chồng, xử 100 trượng, cứ đánh là phải chịu tội, thành bị thương cũng vậy… Đánh đến mức gẫy trở lên (khám nghiệm xem vết thương nặng nhẹ, xử nặng hơn tội đánh người bị thương ba bậc).
Đánh đến thành tật, xử giảo lập quyết. Đánh chết, xử trảm lập quyết. Cố ý giết, xử lăng trì (bao gồm cả việc giết bằng bùa phép, trùng độc)".
"Chỉ đánh thì phạt 60 trượng, đồ một năm. Nếu gãy một cái răng, người thường xử 100 trượng thì vợ đánh chồng xử tăng lên 3 bậc, đối với người thiếp lại xử tăng lên 4 bậc nữa, như vậy là xử thông thành 4 bậc, phạt 90 trượng, đồ 2 năm rưỡi.
Tăng là tăng đến tội chết. Nếu gãy trật khớp lưng, xử tăng đến tội chết, chỉ xử giảo chứ không xử trảm".
Trước đây, đạo đức phong kiến đưa ra nhiều nguyên tắc vô cùng hà khắc và có phần bất công đối với người phụ nữ.
Trong gia đình, người vợ luôn phải hầu hạ, phục tùng chồng và một lòng một dạ son sắt thủy chung trong khi đàn ông có quyền tự quyết định mọi việc quan trọng và đặc biệt là muốn lấy bao nhiêu vợ tùy ý.
Điều này được thể hiện qua một số quan điểm cổ hủ như "xuất giá tòng phu" hay "trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng".
Không phủ nhận việc có nhiều người phụ nữ đanh đá, chua ngoa thích bắt nạt, đè đầu cưỡi cổ chồng nhưng những bất công xã hội cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành gia đình mà đối tượng phạm tội là người phụ nữ.
Tuy nhiên mọi hành vi quá chớn gây tổn hại đến thân thể, nhân phẩm, tính mạng con người đều bị pháp luật xử lí nghiêm khắc.
Hơn nữa đây còn là bộ luật sinh ra nhằm bảo vệ vương quyền, địa vị và quyền lợi của giai cấp thống trị, củng cố trật tự xã hội và gia đình gia trưởng phong kiến.
Vua Gia Long. Minh họa
Mặc dù vậy thì việc xử tội vợ đánh chồng nặng hơn thậm chí gấp ba đến bốn lần trường hợp chồng đánh vợ hoặc người ngoài đánh nhau cũng cho thấy một sự phi lí và bất bình đẳng giới trong xã hội xưa.
Luật Gia Long vô cùng hà khắc nhưng không phải không có tính nhân văn. Một điểm tiến bộ trong bộ luật này là ở quy định về cách giải quyết li hôn do cãi lộn, ẩu đả.
Theo đó thì các quan xử án hay riêng một phía người vợ hoặc chồng đều không có quyền bắt ép và tự ý li hôn mà phải dựa trên sự chấp thuận của cả hai vợ chồng.
Qui trình giải quyết li hôn được nêu khá cụ thể:
"Trước hết phải tiến hành thẩm vấn cả hai vợ chồng, nếu muốn ly dị thì xử xong cho ly dị. Nếu không muốn ly dị thì khám nghiệm vết thương, xem đáng phải chịu tội ở mức nào rồi cho nộp tiền chuộc, vẫn cho phép đoàn tụ".
"Một ngày vợ chồng trăm năm tình nghĩa". Xã hội phong kiến rất coi trọng mối quan hệ phu thê nên việc vua Gia Long đưa ra những hình phạt nghiêm khắc để xử lí nạn bạo hành gia đình âu cũng là chuyện dễ hiểu.
Mục đích của việc răn đe cuối cùng vẫn là để sắp xếp lại mọi thứ theo trật tự vốn có của nó. Quan trọng là đạt lí nhưng vẫn phải thấu tình. Điều này bộ luật của vua Gia Long ít nhiều đã làm được.
Tài liệu tham khảo:
1.Những chuyện thú vị về các vua triều Nguyễn, Lê Thái Dũng, NXB Hồng Đức.
2.Các triều đại Việt nam, Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh niên.
3.Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua, Thi Long, NXB Đà nẵng.
4.Việt nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Văn học.