Khóc cười 1001 kiểu học online "mùa Covid thứ 2": "Mặt con có mụn xấu lắm"

Bạch Dương |

Mặc dù không còn quá xa lạ và bỡ ngỡ như những ngày đầu nhưng vẫn có muôn kiểu dở khóc dở cười của thầy và trò học online.

Khóc cười 1001 kiểu học online mùa Covid thứ 2: Mặt con có mụn xấu lắm - Ảnh 1.

Học sinh đã quen dần với việc học online.

"Cho con vào với"

Nhiều thầy và trò ở TP.HCM không tránh khỏi những tình huống bi hài khi bước vào đợt học online "mùa Covid thứ 2".

Cô Minh Nguyệt, giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THCS ở TP.HCM chia sẻ: "Ngày dạy học thứ nhất diễn ra khá suôn sẻ. Sang ngày thứ hai, đang dạy thì lâu lâu tôi lại nhận được tin nhắn của trò: "Cô ơi cho con vào với", "Cô ơi con bị out", "Cô ơi không thấy bạn đâu nữa"... Nhắc trò bật camera để quản lý bài giảng thì có đứa lấy lý do: "Hôm nay mặt con mọc mụn, con xấu lắm!".

Mai Bình (lớp 11, Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM) vui vẻ kể: "Năm nay trường con học online bằng phần mềm mới, cài đặt sẵn là mỗi tiết 45 phút. Hết 45 phút sẽ tự động out tất cả lớp ra ngoài. Hôm đó thầy Toán đang giao bài tập về nhà, chưa kịp hết câu thì "bụp", thầy mất tích luôn vì… hết giờ".

Có trường sử dụng phần mềm dạy học online không bắt buộc phải có hình ảnh nên đã xảy ra tình huống trò lên mạng điểm danh xong… đi ngủ tiếp, hoặc tranh thủ học ở nhà, "hành trang" học trực tuyến của trò không chỉ có sách vở, máy tính mà còn có cả… bánh kẹo, đồ ăn, trà sữa… để chống đói.

Có nhóm học sinh còn rủ nhau ra... quán cà phê để vừa học online, vừa trao đổi cùng nhau làm bài tập, thuyết trình.

Học online chủ động và sáng tạo hơn

Đa số các giáo viên cho biết, sang "năm Covid thứ 2", cả thầy và trò đều đã chủ động hơn trong việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, khắc phục được những vấn đề muôn thuở ở mùa học online đầu tiên như lỗi mic, lỗi camera...

Thầy Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, TP.HCM đã sáng tạo nhiều cách dạy học trực tuyến để học sinh tiếp thu bài dễ hơn, đỡ nhàm chán. Thay bằng bài giảng trên giấy, trên sách, thầy giảng bài bằng các video clip thầy tự làm trên Youtube khiến học trò rất thích thú.

Các giáo viên khác thì đưa vào tiết dạy của mình những câu đố vui, một vài trò chơi nho nhỏ hoặc cho học sinh cùng xem video và sử dụng Google Maps tìm kiếm những địa danh phục vụ hiệu quả cho bài giảng môn Địa lý.

"Do đã có kinh nghiệm từ những lần trước nên việc dạy học trên Internet lần này không quá khó khăn với chúng tôi", thầy Kim Bảo bày tỏ. Toàn trường sử dụng phần mềm Teams của Microsoft và kết hợp với một số ứng dụng khác.

Việc dạy học theo thời khóa biểu, dạy đúng theo phân phối chương trình, trừ các môn Nhạc, Họa và Thể dục. Trong quá trình dạy, giáo viên ra bài tập lấy điểm và làm bài kiểm tra online.

Bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết, trường sẽ đăng các bài giảng theo thời khóa biểu lên Youtube cho học sinh học, trừ môn Thể dục và các tiết thực hành như Công nghệ, Sinh, Hóa, Lý.

"Các em lớp 9 được tăng cường bài tập theo đề cương thầy cô in sẵn. Sau khi học xong một bài, các em làm bài tập, chụp ảnh bài làm và gửi qua Zalo cho thầy cô. Khi đi học lại, các em được kiểm tra lại các kiến thức đã học. Những em nào chưa hiểu sẽ được dạy thêm trong các tiết buổi hai", bà Giang cho biết thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại