Các nhà khoa học cho biết việc phát hiện cả đàn hải mã lớn là bất thường vì hải mã thường cư trú trên những tảng băng trôi hoặc trên các đảo ở Bắc Cực.
Nhưng môi trường sống của chúng đang bị đe dọa khi khí hậu ấm hơn khiến băng biển bị thu hẹp cũng như sự có mặt của con người bằng hoạt động thăm dò dầu khí và vận chuyển nhiều hơn ở Bắc Cực.
Aleksander Sokolov, Nhà nghiên cứu cấp cao về Bắc Cực, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: "Quần thể hải mã này là hiếm có vì có cả hải mã cái và đực, cũng như những con hải mã con ở độ tuổi khác nhau".
Năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa hải mã vào nhóm động vật sắp bị đe dọa. Ước tính số hải mã Đại Tây Dương trưởng thành trên thế giới có khoảng 12.500 con.
Trước đây, người ta săn bắt hải mã để lấy ngà và mỡ là một trong những nguyên nhân làm suy giảm số lượng loài. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 20, việc săn bắt hải mã đã bị cấm.
Andrei Boltunov, làm việc ở Trung tâm nghiên cứu và thám hiểm động vật có vú biển, cho biết sự xuất hiện của hải mã ở Yamal được phát hiện lần đầu tiên vào năm ngoái nhưng các chuyên gia mới chỉ ghi chép đầy đủ chính xác vào tháng trước cho thấy quần thể hải mã Đại Tây Dương đang phục hồi.
Andrei Boltunov nói: "Chúng tôi muốn tin đây là dấu hiệu tích cực nhưng hiện vẫn còn quá ít thông tin để có được kết luận chắc chắn".
Được biết, "mùa không băng" ở biển Kara hiện đã kéo dài hơn trong những thập kỷ gần đây. Nhóm chuyên gia đã lấy mẫu ADN và gắn thẻ theo dõi vệ tinh cho một số hải mã để giám sát sự di chuyển. Boltunov cho biết, họ cần nghiên cứu thêm để xác định xem điều gì trên bãi biển ở bán đảo Yamal thu hút được hàng nghìn hải mã như vậy.