Khoảng 23.000 thí sinh không thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Các em đi đâu, về đâu?

Đỗ Hợp |

Khoảng 23.000 học sinh tốt nghiệp THCS không dự kỳ thi lớp 10 công lập năm nay, theo ước tính của Sở GD&ĐT. Vậy con số này nhiều hay ít?

Tỉ lệ chọi cao có đáng lo ngại?

Nhiều năm qua, cuộc thi vào 10 trường công lập ở Hà Nội đã trở thành kỳ thi căng thẳng bậc nhất, hơn cả thi đại học. Trong đó, đa phần các trường có mức độ cạnh tranh cao chủ yếu đều tập trung ở các quận nội thành.

Số liệu vài năm trở lại đây cho thấy, một số trường trung bình luôn trên 8 điểm/môn. Các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy... khi mùa thi đến, phụ huynh, học sinh luôn căng như dây đàn để lựa chọn nguyện vọng phù hợp với con mình.

Vì “cánh cửa” quá hẹp với học sinh khi trường trong nội đô chất lượng tốt mà tỉ lệ chọi cao, điểm chuẩn cũng cao nên năm học 2023-2024, nhiều phụ huynh đã xếp hàng xuyên đêm, thậm chí đạp đổ cả cổng trường để nộp hồ sơ nhập học cho con .

Lí do chính của thực trạng này là do hệ thống trường công trong khu vực nội thành quá ít, số học sinh lại tăng dần qua các năm do tốc độ đô thị hóa nhanh và áp lực về thiếu trường công lập cũng sẽ ngày càng tăng.

Mặt khác, tâm lý phụ huynh chọn lựa trường “tốt nhất trong những trường tốt” theo “đánh giá” của phụ huynh khiến cuộc đua vào lớp 10 luôn đẩy lên mức quá căng thẳng. Đó là chưa nói đến không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con vào học trường tư với mức chi phí cao gấp nhiều lần trường công.

Theo báo cáo của Sở về công tác tuyển sinh đầu cấp, năm nay khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9. Trong đó, hơn 110.000 em đăng ký thi vào lớp 10 công lập.

Số thí sinh dự kiến không tham gia kỳ thi tương tự năm ngoái, trong khi số học sinh tốt nghiệp và đăng ký thi tăng khoảng 4.000-6.000.

Sở cho hay 127 trường THPT công lập (gồm cả trường chuyên, trường tự chủ) sẽ tuyển 81.000 em, tương đương 61% tổng số học sinh tốt nghiệp. Tỷ lệ này như mọi năm, song chỉ tiêu ở hầu hết quận nội thành giảm, có thể khiến sự cạnh tranh ở khu vực này tăng lên.

Các trường tư thục đáp ứng khoảng 30.000 chỗ. Ngoài ra, học sinh có thể theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Theo số lượng đăng ký dự thi vào các trường của Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, một số trường có biến động mạnh về tỷ lệ chọi. Trong những trường có tỉ lệ chọi cao thì ở mức 1/3 dẫn đến cuộc cạnh tranh 1 suất vào lớp 10 hết sức căng thẳng.

Ngược lại, thì cũng có những trường có tỷ lệ chọi dưới 1 khi số lượng học sinh đăng ký còn không bằng chỉ tiêu trường cần tuyển.

Cô Nguyễn Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, việc áp lực cạnh tranh một suất vào công lập thì khu vực nào cũng có. Học sinh trường bà phần lớn đăng ký các nguyện vọng trong khu vực. Một số em đăng ký nguyện vọng 2 và 3 ở khu vực khác (Quốc Oai, Thạch Thất).

Bởi theo vị hiệu trưởng này, tỉ lệ đăng ký các nguyện vọng (nhất là nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3) vì học sinh có thể đăng ký trên phạm vi toàn thành phố. Vì thế khó đỗ nguyện vọng 1, các con vẫn có cơ hội đỗ nguyện vọng 2 hoặc 3.

Học sinh đăng ký nguyện vọng xa, biết “lựa cơm gắp mắm”

Với những thực tế như trên, cô Đỗ Thị Ngọc Dung, trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, những năm trước đã có những học sinh của trường có lực học kém hơn đã "lựa cơm gắp mắm" khi đăng ký nguyện vọng ở xa nhà vài chục km. Học sinh muốn có 1 suất lớp 10 công lập chấp nhận đi học xa, có thể ở trọ học hoặc thuê xe cùng ghép với học sinh khác đi về trong ngày.

"Áp lực hay không áp lực khi thi vào lớp 10 tại Hà Nội không phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ chọi mà vì tâm lý của phụ huynh. Tuy nhiên, giờ nhiều phụ huynh và học sinh đã xác định không phải mọi giá vào trường công lập nữa mà có nhiều lựa chọn khác"- cô Dung chỉ ra.

Về con số 23.000 học sinh Hà Nội không đăng ký thi vào lớp 10 năm nay, thầy Lê Thảo, giáo viên trường THPT Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, con số này cũng khá nhiều và nguyên nhân xuất phát ở nhiều lí do khác nhau.

Thầy Thảo cho rằng, thứ nhất, nhiều trường xét học bạ, mục tiêu nhiều con đã xong nên không cần thi tránh áp lực và căng thẳng cho con và gia đình.

Thứ hai, một số trường ép những học sinh kém không thi để kết quả thi vào 10 của trường đạt được mục tiêu do trường đăng ký với quận.

Thứ 3, học sinh không có nhu cầu học công lập, chỉ theo nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên để vừa học vừa làm.

“Tôi cho rằng, con số 23.000 học sinh “rơi rụng” chủ yếu rơi vào ở lí do số 2 còn lí do thứ nhất và lý do thứ 3 không nhiều”- thầy Thảo nêu quan điểm.

Để giải được bài toán áp lực vào lớp 10 công lập, rất nhiều ý kiến được đưa ra như thêm chỉ tiêu cho các trường công có chất lượng tốt, hay xây thêm trường, phòng học để phục vụ thêm cho nhu cầu chính đáng của người dân.

Hà Nội dự kiến xây 7 trường liên cấp "tiên tiến, hiện đại. Bảy trường này đặt tại quận Hà Đông và huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thạch Thất.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại