Cơ duyên nào đưa anh tới đây?
Về trước một chút nữa thì ước mơ ngày xưa của mình là trở thành phi công hoặc lái tàu.
Còn thích làm phi công vì mình có ông chú Phạm Tuân (Trung tướng Phạm Tuân – người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ). Năm 1995 thì mình thi phi công. Đỗ rồi, chuẩn bị đi Pháp để đào tạo lái thì thế giới xảy ra một vụ tai nạn máy bay khủng khiếp. Thế là mình quyết định bỏ không đi phi công nữa.
Còn chuyện vào FPT thì rất tình cờ. Hôm đó, mình đi ra Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô xem một triển lãm (năm 1996), lần đầu đầu tiên nhìn thấy mạng Trí tuệ Việt Nam (do cựu CEO FPT Trương Đình Anh lập nên), thấy người ta "chát chít" trên ấy và gặp Lã Hồng Nguyên (hiện làm tại FPT IS). Mình xin một cái card và nói với anh Nguyên: "Anh ơi, em rất thích làm cái này (ý là làm việc liên quan đến mạng Trí tuệ Việt Nam - PV)". Anh hỏi: "Thế mày thích làm gì?", mình bảo: "Em không biết làm gì, nhưng mà em rất thích cái mạng này".
Sau đó mình được anh Nguyên giới thiệu cho gặp chị Chu Thanh Hà (giờ là Chủ tịch FPT Telecom). Chị Hà hỏi: "Em thích làm gì?", mình trả lời rất hoành tráng: "Em làm gì cũng được". Chị ấy lại hỏi tiếp: "Thế em biết gì?", mình bảo: "Em không biết gì về máy tính nhưng em sẽ đi học!".
Không học về kỹ thuật, anh làm thế nào để trở thành lãnh đạo ở ngành này tại FPT trong khi phải cạnh tranh với những người được đào tạo chuyên môn sâu?
Thực ra khi còn nhỏ mình đã thích kỹ thuật rồi, rất thích khám phá, có lẽ là do gen giống mẹ. Mẹ mình học Bách khoa Chế tạo máy khóa 10. Nhà có tivi, tủ lạnh… là mở ra xem bằng được coi bên trong có cái gì. Thậm chí, ngày xưa học Trường Thực nghiệm, thầy giáo dạy điện có cái Babetta, buổi trưa, mình còn tháo tung xe ra để xem trong có gì. Thích lắm!
Còn khi vào FPT, mình cũng chẳng xác định sẽ là cái gì hay vượt ai, mà chỉ đơn thuần thích công nghệ, kỹ thuật thôi. 5 năm đầu tiên ở FPT được xem là 5 năm đại học thứ hai của mình. Mình tự học, tự mày mò và được anh Đình Anh (ông Trương Đình Anh, nguyên CEO FPT) dạy từ lập trình, quản trị hệ thống, đến bán hàng… Trước khi rời khỏi vị trí kỹ thuật ở FPT, mình làm ở trung tâm điều hành mạng (NOC) - vị trí thường do các kỹ sư học Bách khoa về CNTT đảm nhiệm. Đó là 5 năm rất vui.
Đến bây giờ khi có cơ hội gặp các bạn trẻ, tuyển dụng cho FPT thì mình vẫn hay hỏi các bạn ấy là: "Em thích cái gì nhất?". Bởi từ kinh nghiệm của mình: quan trọng nhất là thích, thích thì sẽ làm được thôi.
Năm 2008, anh thực hiện thi công tuyến cáp ngầm qua sông Hậu cho một công ty viễn thông lớn để đổi lấy cơ hội nối cáp quang của FPT từ Hà Nội đi Lạng Sơn và qua Trung Quốc. Đó là một quyết định liều mạng hay có tính toán khi mà anh chưa có kinh nghiệm và công ty đó mất nhiều năm mà không làm được vì quá nguy hiểm. Thêm nữa, ở Việt Nam thời ấy chưa từng hạ ngầm đường cáp quang nào như vậy?
Khi còn ở FPT Telecom, mình có làm nhiều việc mới như là việc kéo cáp ngoài đường để cung cấp dịch vụ Internet băng rộng. Thế nhưng, mình không tự làm hết những việc đó, mà tìm đến các "lão đại" trong ngành viễn thông ở Hà Nội và TPHCM. Họ là những người có cả cuộc đời gắn bó với viễn thông, giờ đã nghỉ hưu và được mời gia nhập FPT.
Toàn bộ những gì họ tích lũy, giờ được chuyển giao cho mình. Khi kéo cáp mình có 6 người như vậy đứng sau. Họ chỉ cho mình cách bắt con ốc này vào như thế nào, đi lên cột điện ra làm sao, phòng chống điện giật, cách tổ chức mạng lưới…
Còn về kéo cáp ngầm qua sông Hậu thì thực ra không phải liều đâu. Liều là chết luôn. Phương án thực hiện đều có cơ sở và phương pháp luận hết. Nhiều cái mình không nói ra ngoài nên mọi người không biết, chứ chỉ có "máu" là không làm được đâu.
Dòng chảy, thổ nhưỡng của sông Hậu rất phức tạp. Bạn hình dung một con sông mà bề ngang chỗ xa nhất là 2km, không nhìn thấy bờ bên kia luôn. Rồi một năm lũ lên, phù sa về, cấu tạo địa chất phức tạp, miền Tây rất hay sạt lở bờ đê… Không ai dám quyết hạ ngầm cáp trong những điều kiện như vậy cả. Lúc đó mình mới nói đùa: "Ah, đây rồi. Có quả ‘ngây thơ, khờ dại’ đây rồi. Để em!!!" (cười lớn).
Thực ra, có một điểm nữa là công ty Nhà nước thì cũng không dám thuê mấy ông kiểu lái đò, quăng chài tham gia tư vấn cho dự án. Theo quy định thì họ làm gì có năng lực tư vấn, ghi trong hồ sơ tư vấn vậy thì có chuyện ngay. Nhưng bọn mình thì thuê được. Họ sống ở đó mấy thế hệ, biết từng con nước, chỗ nào bơi tốt nhất, chỗ nào để lặn, để thả… Họ là những người quan trọng giúp FPT hạ ngầm cáp sông Hậu thành công.
Khi làm ở FPT Telecom, anh nhớ kỷ niệm nào nhất khi công ty quyết định mở rộng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng?
Đó là năm 2007, khi FPT Telecom quyết định mở rộng ra khỏi địa bàn Hà Nội và TPHCM, tiến tới 5 thành phố lớn kế đó là Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ. Hải Phòng được chọn là điểm mở đầu tiên và mình đi làm Giám đốc chi nhánh. Từ "vườn không nhà trống" ở thành phố cảng, mình cùng anh em đi thuê nhà, kéo cáp, xây dựng mạng lưới… nói chung là rất vui.
Thế nhưng, hồi đó gặp vụ một anh lãnh đạo của Điện lực Hải Phòng không đồng ý cho FPT treo cáp lên cột điện. Mình với một anh ở FPT đến gặp nhưng anh ấy nói luôn là "Không!" và còn bảo: "Tôi đã nói không thì không bao giờ có. Đừng có nhờ ai can thiệp, đối với tôi không ‘màu’ gì đâu!". Anh em gặp xong tối tăm mặt mũi.
Sau đó, mình đi hỏi mới biết anh này có thói quen chạy bộ buổi sáng, thế là 2 ông FPT cũng sắm giầy chạy, mặc may ô với quần đùi đợi trước cửa nhà anh ấy từ 4h30 sáng. Khi anh ấy chạy thể dục, 2 thằng cũng chạy lạch bạch theo cùng và dúi vào tay anh ấy công văn đề nghị được kéo cáp trên cột của EVN.
Hôm đó, anh ấy lên cơ quan xem lại và bất ngờ đồng ý. Có lẽ anh ấy thấy buồn cười và ấn tượng vì sự nhiệt tình "trường kỳ kháng chiến" của bọn này, chứ thực ra là lúc đó mình gần như hết hy vọng rồi. Theo kinh nghiệm ở FPT thì nếu bị từ chối thì phải đợi đến khi anh này nghỉ hưu may ra mới có cơ hội, mà FPT Telecom thì lại vừa mới ra khỏi Hà Nội và TPHCM lần đầu tiên. Đúng là may!
Nhìn vào profile của anh thì số lần luân chuyển vị trí rất nhiều, đặc biệt là khi ở FPT Telecom. Vì sao vậy?
Ngày ở FPT Telecom một vài người cứ nói đùa là "chỗ nào khó nhất hay đang khủng hoảng thì cứ dí ông Khoa vào để ông ấy giải quyết; hay có business gì mới thì lôi ông Khoa đi". Và mình thấy rất may mắn khi được luân chuyển nhiều như vậy vì sẽ học được rất nhiều thứ. Đó là lý do profile của mình cứ khoảng 2 - 3 năm lại chuyển sang một việc khác.
Có khi nào việc luân chuyển công việc khiến anh gặp rắc rối lớn không?
Có chứ. Cuối năm 2007 sau khi dựng xong chi nhánh ở Hải Phòng, anh Đình Anh gọi điện bảo: "Khoa ơi, có môn mới!". Lúc đó, FPT Telecom đã có game online rồi, mở rộng vùng phủ của Internet băng rộng rồi, nên muốn mình lập dự án xây dựng một chuỗi khoảng 2.000 quán cyber café trên khắp Việt Nam – kiểu chuỗi game center như bây giờ. Mình ok ngay vì quen với kiểu tổ chức "xui" làm cái gì mới là theo thôi.
Bảo vệ đề án với anh Đình Anh được 3 vòng rồi thì một ngày đẹp trời ông ấy lại gọi: "Khoa ‘Tồ’, có việc. Chạy sang nhà anh!". Mình biết ngay là có việc quan trọng khi gọi bằng tên tục của mình. Khi sang thì anh Đình Anh nói muốn mình tái cấu trúc một bộ phận của FPT Telecom - lúc đó là Trung tâm truyền số liệu. Bộ phận này khủng hoảng cả về nhân sự, hướng đi, công nghệ, khách hàng…
Lúc đó, anh Đình Anh không muốn "đập" Trung tâm này vì FPT Telecom đã có cơ hội nối cáp quang biển quốc tế, chuẩn bị xây dựng đường trục Bắc – Nam, đường trục liên tỉnh… Thế là ban lãnh đạo quyết định huỷ dự án cyber café để mình sang tái cấu trúc bộ phận này, giờ đã phát triển thành công ty Viễn thông Quốc tế FPT (FTI).
Nhưng việc tái cấu trúc FTI quả thực là không dễ gì, mình gặp rất nhiều vấn đề. Ông Đình Anh mấy lần gọi lên dọa đuổi hoặc thay mình vì không đạt các chỉ tiêu, không đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Trong hơn 20 năm làm việc ở FPT Telecom thì mình cũng bị dọa đuổi, thay 3-4 lần rồi.
Thế nhưng, kết quả của FTI cũng dần tốt lên. Theo kế hoạch rất tham vọng ban đầu thì mình sẽ đưa doanh thu của công ty từ 40 tỷ lên 400 tỷ đồng trong 5 năm. Nhưng chỉ sau 3 năm, mục tiêu này đã hoàn thành.
Cái tên Khoa "Tồ" bắt nguồn từ đâu và tại sao khi Trương Đình Anh gọi như vậy thì anh lại biết có chuyện lớn?
Đó là tên bà nội đặt cho mình từ bé, cái tên tục hay gọi ở nhà. Ngày xưa tuổi như anh em mình thì ông bà bố mẹ hay đặt tên tục để nuôi cho nó dễ. Con gái thì gọi là Hĩm, Chuột, Cún; còn con trai thì gọi Tồ, Khoai, Cu…. Tên này đi học phổ thông cũng nhiều người biết và gọi, vào công ty cũng vậy.
Còn việc biết anh Đình Anh gọi tên tục là có chuyện lớn vì một số lần như vậy nên đoán thôi. Bình thường, anh ấy sẽ nói là Khoa chứ không buột miệng gọi Khoa "Tồ".
Bây giờ anh còn liên hệ với Trương Đình Anh không?
Mình vẫn trao đổi thường xuyên. Ngoài việc là người dạy mình nhiều thứ từ những ngày đầu, mình có một cái duyên khác với anh Đình Anh. Xét trên vai vế họ hàng, ông Đình Anh phải gọi mình bằng anh. Thế mới khổ cơ! (cười)
Thực ra, bố vợ của ông Trương Đình Anh là em ruột của bố vợ mình, cọc chèo. Ngày xưa mình không biết đâu, mình yêu bà xã năm 1995 khi vào đại học. Yêu một hồi thì năm 1998 mới biết ông Đình Anh yêu em họ bà xã. Thế mà "lão ấy" vẫn "tiu" mình như người ngoài ấy, dọa đuổi việc suốt đấy! (cười).
Năm 2018, anh và 2 Tổng giám đốc công ty thành viên chủ chốt khác của FPT khác được luân chuyển giữa các công ty nội bộ. Lúc ấy, anh có nghĩ mình sẽ trở thành CEO như bây giờ không?
Không!
Thực ra thì ở FPT cũng hay có tin đồn. Kiểu như 3 ông đi luân chuyển để chọn người cho vị trí CEO kế tiếp thì bắt đầu có những thông tin kiểu: "Ah, bắt đầu thi đấu rồi!". Thực ra thì chẳng phải như vậy.
Vậy anh nghĩ gì khi đi luân chuyển?
Mình nghĩ sẽ gắn bó với Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) một thời gian.
Anh có thấy khó khăn khi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc một mảng mà anh không có thế mạnh trước đây?
Đây là một mảng thách thức. Mình vẫn giữ cái chất của riêng mình là chỗ nào khó thì vào đó để làm, cho nó tốt lên. Cũng như ngày trước ở FPT Telecom, chỗ nào khó thì mình xuất hiện ở đấy thôi.
Còn mình về FPT IS được một thời gian ngắn, mọi việc mới chỉ bắt đầu và còn rất nhiều việc phải làm.
So với 2 Tổng Giám đốc công ty thành viên cùng luân chuyển , anh yếu hơn ở điểm gì?
Mình yếu hơn ở hiểu biết về công nghệ và lĩnh vực phần mềm, mảng đang phát triển nhanh và mạnh nhất của FPT vào lúc này. Hai anh ấy (ông Phạm Minh Tuấn và Hoàng Việt Anh) dành cả tuổi thanh xuân ở FPT Software, còn mình là FPT Telecom.
Thế còn điểm mạnh?
Có lẽ là biết lắng nghe, luôn đối xử chân thành với anh em đồng nghiệp, tạo được sự cân bằng và kết nối các mắt xích trong hệ thống.
Trở thành CEO của Tập đoàn FPT, giấc mơ của anh là gì?
Giấc mơ đầu tiên của mình là FPT sẽ trở thành một trụ cột của đất nước về CNTT, đóng góp nhiều hơn cho xã hội và góp phần vào việc xây dựng một FPT trường tồn. Giấc mơ thứ hai là mang lại nhiều cơ hội làm giàu cho các bạn trẻ FPT, giúp họ có cuộc sống phồn vinh hơn, để từ đó đóng góp thêm nhiều giá trị cho xã hội, đất nước. Còn nếu đóng góp nhiều quá mà quên mất bản thân mình thì cũng không ổn.
Những lúc không làm việc, anh thường làm gì?
Mình thích đọc sách về lịch sử, chính trị, nhưng thích nhất là ở nhà chơi với vợ con. Mình không chơi golf, vì đi nhiều quá nên thứ bảy, Chủ nhật dành hết thời gian cho gia đình và cuối tuần chỉ loanh quanh ở nhà, đỡ đần cho vợ con được gì thì đỡ đần. Ngày trước mình thích đá bóng, nhưng năm 2006 bị chấn thương ở lưng, từ 2009 không đá bóng được nữa.
Còn lại, nếu có thời gian thì tụ tập anh em lại; cũng không hẳn là nhậu nhẹt mà là kiểu networking. Cứ có cơ hội thì mình sẽ làm việc đấy, có thể gắn anh em với người ngoài, trong nội bộ FPT, bộ phận này với bộ phận khác, rồi có thời gian ngồi nói chuyện với anh em ở bên dưới, hỏi xem cuộc sống như thế nào. Mình hay có thói quen là thỉnh thoảng túm một đồng chí bất kỳ ở FPT, rồi hỏi nhà đâu, sống như thế nào, khó khăn ra làm sao.
Ở nhà anh giúp vợ được những gì?
Thì chở vợ đi siêu thị, cho bọn trẻ con đi chơi, đồ đạc hỏng hóc gì thì lôi ra sửa, sửa không được thì gọi thợ vào. Có lúc buồn buồn mang máy móc ra tự bảo trì, xong một hồi bảo trì thì nó lại không chạy nữa (cười).
Ở nhà anh, thường ai sẽ chăm sóc cho con?
Nhà mình có một nhóc thôi và chủ yếu bà xã và mẹ mình chăm, năm nay lên lớp 11 này, lớn rồi. Mình nói với con là tuổi này thì ngày xưa papa thường hay đi đua xe.
Tại sao lúc đó anh lại đi đua xe?
Vì ngày ấy làm gì có trò gì chơi. Năm 92-93, thanh niên tối phóng xe ra bờ Hồ đua. Mình đua thật đấy, có tiếng ngày xưa mà.