Nổi lên như một hiện tượng YouTube kể từ sau vụ ồn ào với một resort tại Bình Thuận , kênh Khoa Pug với hơn 1,8 triệu lượt đăng ký hiện tại luôn sở hữu nhiều video lọt vào top trending.
Đặc biệt, chuỗi vlog vi vu đất nước Ai Cập gần đây của anh chàng đang gây bão cộng đồng mạng, không chỉ vì việc tự nhận mình là YouTuber Việt đầu tiên chịu "chi tiền tấn" để leo lên đỉnh Kim Tự Tháp , mà còn là lối review có tâm, chân thật giúp vạch trần nhiều điều khó ngờ về chuyện đi du lịch Ai Cập.
2 video review về trải nghiệm tại Kim Tự Tháp và Tượng Nhân Sư Ai Cập của Khoa Pug nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khán giả.
Tiếp nối 2 video thành công trước , sản phẩm lần này của Khoa Pug thu hút hơn 2,3 triệu lượt xem, được anh đặt tiêu đề là "Video cuối cùng - Xác Ướp Ai Cập - Khoa Pug kết thúc hành trình Ai Cập trong nước mắt". Mới đọc tới 2 chữ "nước mắt" thôi là các fan cũng đủ hiểu trải nghiệm này cũng chẳng mấy tươi sáng hơn 2 lần trước rồi!
Dưới đoạn mô tả video, Khoa Pug viết: "Đây là video cuối cùng tại Ai Cập, cảm ơn các bạn thời gian qua đã theo chân mình từ Thượng Ai Cập cho đến Hạ Ai Cập, trải qua biết bao sóng gió để có những video chân thực nhất về con người, văn hóa, lịch sử, dịch vụ tại đây. Những gì cần review mình cũng đã review hết, các bạn có thể ra đường vỗ ngực tự tin, tao đây nắm Ai Cập trong lòng bàn tay!"
Đoạn vlog thứ 3 này được anh đặt tiêu đề là: "Video cuối cùng - Xác Ướp Ai Cập - Khoa Pug kết thúc hành trình Ai Cập trong nước mắt".
*Ghi chú: Đơn vị tiền tệ của Ai Cập là EPG (gọi là bảng Ai Cập, viết tắt là B, 1B ~ 0,06 USD).
Mở đầu video, anh chàng quay quang cảnh xung quanh khu vực trước Viện bảo tàng Ai Cập (hay Bảo tàng Cairo), được xem là nơi trưng bày một bộ sưu tập khổng lồ các di vật về thời kỳ Ai Cập cổ đại, trong đó có các cổ vật, xác ướp của hoàng gia Ai Cập khi xưa.
Khoa Pug cũng chia sẻ rằng dù 9h chỗ này mới mở cửa nhưng từ sáng du khách đã đứng xếp hàng dài chờ rất đông, đa số là khách châu Âu.
Tiếp theo là bảng giá vé tham quan được đặt trước cổng bảo tàng. Theo đó, mức giá được chia thành 2 cột là buổi sáng và buổi tối. Khoa Pug và cameraman đến đây vào buổi sáng nên giá vé vào cổng là 160B/người lớn. Đặc biệt, chi phí tham quan phòng xác ướp (Mummy Rooms) sẽ tính riêng thêm 180B/người lớn.
Nếu mua combo trọn gói cả vé bảo tàng và phòng xác ướp (Inclusive Ticket) thì sẽ là 300B/người lớn. Đáng chú ý, việc chụp hình và quay video bên trong cũng thu phí với mức giá 50B (chụp hình) và 300B (quay phim).
Tự nhận mình là người đi du lịch khá dễ tính, "bán bao nhiêu vé thì mình mua bấy nhiêu", Khoa Pug chi hẳn 600B cho 2 vé combo 2 người, 350B cho vé chụp hình và quay phim. Tổng cộng chuyến tham quan bảo tàng xác ướp lần này ngốn đến gần 1000B (khoảng 60 USD) của anh chàng!
Có thể thấy lượng du khách check-in địa điểm này là rất đông, ngay từ buổi sáng dòng người trước cổng bảo tàng đã vô cùng tấp nập rồi!
Bước chân vào bên trong bảo tàng, Khoa Pug lại chia sẻ rằng: "Mình thích đầu tư để làm video cho các bạn coi thoải mái. Đây là người Việt đầu tiên review bằng tiếng Việt, coi rất là thích luôn".
Chắc vì sợ bị hiểu nhầm một lần nữa, anh chàng ghi chú thêm trên video: "Người Việt đầu tiên review, không phải người Việt đầu tiên đến đây nha"!
Vừa vào bên trong chưa đến 1 phút, ngay lập tức đã có người tiến đến soát vé quay phim và chụp ảnh của Khoa Pug. Bên dưới phần mô tả video, YouTuber chia sẻ thêm dù đã tốn 350B mua vé riêng theo quy định, nhưng vẫn không dễ dàng gì để quay được những thước phim bên trong khuôn viên trưng bày xác ướp nổi tiếng này.
Tổng thể khuôn viên bên trong tầng trệt của bảo tàng, nơi đa số trưng bày những cỗ quan tài của các vị hoàng đế Ai Cập cổ đại. Vừa thăm thú, Khoa Pug cũng không quên cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho người xem.
Trong video, anh chàng cho rằng các vị vua pharaon (pharaoh) cổ đại không cao lớn như chúng ta tưởng tượng. Trái lại, chiều cao của họ khá khiêm tốn. Chỉ có pharaon Ramesses II – vị vua thứ 3 của Vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập là cao nhất.
Theo Khoa Pug, một nửa khuôn viên tầng 2 của bảo tàng chỉ để trưng bày báu vật trong hầm mộ Tutankhamun - một pharaon Ai Cập rất nổi tiếng thuộc Vương triều thứ 18. Anh chàng chia sẻ thêm, đa số khách du lịch đều tập trung vào khu vực này để tham quan do lời nguyền về xác ướp Tutankhamun trên thế giới.
Phòng trưng bày rất nhiều báu vật hoàng gia của Tutankhamun với cửa sắt bảo vệ nghiêm ngặt. Anh chàng còn đùa vui "vào đây trộm một món là đổi đời như chơi"!
Tiếp tục bước chân vào khu vực trưng bày xác ướp của vua Ramesses II và Hatshepsut - một trong những Nữ vương quyền lực nhất trong lịch sử thế giới cổ đại, Khoa Pug và cameraman bị cấm quay phim, chụp hình mặc dù đã phải mua vé riêng khi vào cổng? Sau đó, cả hai quyết định… quay lén để tiếp tục review đầy đủ cho người xem.
Bên trong khuôn viên bảo tàng, có thể thấy rất đông du khách tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng các xác ướp, đủ hiểu tọa độ du lịch này nổi tiếng thế nào!
"No photo" luôn là câu cửa miệng của bảo vệ tại đây. Tuy nhiên cả hai vẫn "gan lì" khi quyết định review tường tận không thiếu một góc nào trong bảo tàng Ai Cập!
Trên video, Khoa Pug cũng note thêm du khách trước khi bước ra ngoài bảo tàng Ai Cập sẽ bị kiểm tra hành lý, tư trang qua máy quét một lần nữa để đảm bảo an ninh. Nơi đây quả là nghiêm ngặt có phải không?
Khi sắp rời khỏi bảo tàng, anh chàng chia sẻ thực sự trước khi sang Ai Cập, bản thân cảm thấy rất lo sợ vì tình trạng an ninh chưa được đảm bảo. Nhiều tour ở nước ta cũng dần hạn chế việc dẫn đoàn du lịch sang đất nước này.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Khoa Pug vẫn muốn đầu tư công sức và tiền bạc để mang một cái nhìn chân thật nhất về du lịch Ai Cập đến với khán giả Việt Nam.
Tưởng đâu đã vượt qua hết 80 "kiến nạn" mà yên ổn về nước? Thế nhưng không, Khoa Pug tiếp tục chia sẻ "kiếp nạn" thứ 81 của mình khi bị "trấn lột" tiền công khai đến 2 lần liên tiếp? Lần đầu tiên họ yêu cầu anh móc bóp để cho tiền vượt qua cửa an ninh. Lần thứ 2 lại "xin đểu" nếu không muốn bị soi hành lý?
Tất cả được Khoa Pug diễn tả như trò "ăn cướp giữa ban ngày" đầy trắng trợn chứ không còn là lén lút nữa, khiến người xem không khỏi bức xúc thay.
"Mở đầu series Ai Cập là những màn xin đểu, trấn lột, lừa tiền, thì kết thúc series cũng chẳng khá hơn với màn trấn lột công khai ở Cairo. Không những một mà đến 2 lần, qua 2 lớp an ninh? Như vậy thì cũng hiểu vì sao khách du lịch "một đi không bao giờ trở lại" rồi chứ?" – Khoa Pug chốt lại cả chặng hành trình khám phá Ai Cập của mình.
Dưới phần bình luận, đa số mọi người đều rất ủng hộ những vlog review về du lịch Ai Cập mà anh chàng đăng tải gần đây.
Nhiều bạn còn hào hứng đề nghị YouTuber 27 tuổi này hãy đầu tư thêm nhiều chuyến đi đến những vùng đất mới, chưa từng được người Việt review trước đó để tất cả khán giả có cơ hội mở mang tầm mắt nhiều hơn!