Bão mạnh có sức tàn phá khủng khiếp, và khi nó đủ mạnh, bão còn có thể làm rung chuyển cả đáy biển. Khi khám phá ra hiện tượng mới này, các nhà khoa học đã đặt cho nó cái tên “stormquake”, tạm dịch là "bão động".
Suốt nhiều năm qua, dù giới khoa học đã nhiều lần chứng kiến máy đo địa chấn báo về những rung động nhỏ do bão sinh ra, rồi những hoạt động địa chấn ở mức thấp khi sóng biển sinh ra từ gió bão liên tục đập vào bờ, thế nhưng “bão động” là một khái niệm hoàn toàn mới.
“Những rung động từ hoạt động địa chấn mức độ thấp liên tục xuất hiện, tạo ra bởi tác động của gió và sóng lên lòng biển”, Wendy Bohon, nhà địa chất và chuyên gia khoa học tại Tổ chức Viện Nghiên cứu Địa chấn cho hay.
Khi bão đủ lớn để “nện” lên lòng biển những chát chát chúa, đó sẽ là lúc bão động xuất hiện. Nhóm các nhà khoa học đã đăng tải nghiên cứu về hiện tượng mới được phát hiện này trên Geophysical Research Letters.
“Bão động là hoạt động địa chấn có thể lan ra suốt chiều rộng lục địa, gây ra bởi bão biển lớn và bão tuyết”, Catherine de Groot-Hedlin, nhà địa chất học công tác tại Viện Hải dương học Scripps, một trong những nhà nghiên cứu góp công viết báo cáo khoa học mới, nói.
Không như những rung động nhỏ gây ra bởi hoạt động địa chấn mức độ thấp, bão động chỉ xảy ra ở một số địa điểm riêng biệt. Dù đây là hiện tượng mới được phát hiện, đến mức khoa học còn chưa rõ cơ chế phát sinh bão động là gì, các nhà nghiên cứu vẫn có thể khẳng định rằng bão động xuất hiện tại những điểm không xảy ra động đất tọa lạc tại các thềm lục địa.
“Khi bão lớn diễn ra, tương tác giữa hình dáng và độ sâu của lòng biển với sóng lớn tạo ra một thứ gì đó chưa rõ”, nhà nghiên cứu Bohon nói. “Chúng tôi nhận thấy có năng lượng liên tục tác động lên đáy biển theo một cách rất đặc biệt, và sóng rung động tỏa ra về mọi hướng, máy đo địa chấn đã phát hiện được chúng”.
Một mẫu máy đo địa chấn.
Sóng biển ở tất cả các vùng biển trên thế giới đều tác động lên đất liền, tạo ra rất nhiều hoạt động địa chấn hỗn loạn, như cách bạn ném một nắm đá dăm xuống hồ nước rồi thấy đủ thứ sóng xuất hiện. Nhưng theo lời nhà nghiên cứu Bohon giải thích, thì bão động tạo ra những sóng địa chấn rõ ràng rành mạch, như việc thẳng tay ném xuống mặt hồ một hòn sỏi vậy.
Thiết bị phát hiện được ra hiện tượng mới cũng đáng nói. Công cụ này vốn được dùng để đo đạc những tín hiệu địa chất khác nhau, rồi được thay đổi ít nhiều để chứng minh với thế giới rằng bão động tồn tại.
“Tôi vốn phát triển nó để phát hiện infrasound, loại sóng âm truyền đi trong không khí”, nhà nghiên cứu de Groot-Hedlin nói. Sloan Coats, một trong những tác giả khác viết báo cáo khoa học, đã phát hiện ra những tín hiệu địa chấn lại khi theo dõi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương; Coats nói với de Groot-Hedlin, gợi ý về việc thay đổi thuật toán phát hiện địa chấn.
Sau nhiều giờ theo dõi và thu thập dữ liệu, nhóm các nhà khoa học đã khẳng định được những sóng địa chấn mới phát hiện được không phải do hoạt động địa chất của mảng lục địa, mà gây ra bởi những cơn bão cực lớn. Họ phát hiện ra hiện tượng bão động.
Sóng địa chấn sinh ra bởi động đất hay các vụ nổ lớn, giờ ta mới phát hiện ra bão cũng có thể sinh ra chúng.
Những loại sóng khác nhau sẽ có các đặc tính khác nhau, tương tác theo những kiểu riêng biệt với những vật chất khác nhau, vậy nên sóng địa chấn là một công cụ vô cùng hữu hiệu để con người nhìn sâu vào lòng đấy. “Nó sẽ cho chúng tôi biết những gì đang diễn ra dưới mặt đất, thông qua tốc độ sóng, cách sóng thay đổi và cách nó bị chặn lại”, Bohon nói.
Bão động không cho phép ta nhìn rõ hơn vào lòng Trái Đất, nhưng nó sẽ khiến toàn bộ ngành địa chất đặt một dấu hỏi mới: liệu những kiến thức ta biết từ trước tới nay có hoàn toàn chính xác?
“Chúng ta có thể sử dụng máy đo địa chấn cho nhiều hiện tượng khác nữa, không phải chỉ mỗi động đất”, nhà nghiên cứu Bohon khẳng định. Địa vật lý là ngành khoa học không có định hướng cụ thể, đầy tính sáng tạo. Cô Bohon nói thêm: “Có rất nhiều thứ cần tìm, không thể quan sát trực tiếp, vì thế ta cần tìm những cách mới để quan sát chúng”.
Máy đo địa chấn còn có thể được dùng để nghiên cứu các biến đổi trong khí quyển. “Máy đo biến chuyển chút đỉnh khi bão bắt đầu hình thành”, cô Bohon nói.
Hiện tượng bão động này sẽ lại trở thành một công cụ mới cho các nhà địa vật lý nghiên cứu, ai cũng hứng khởi khi vừa phát hiện ra một hiện tượng mới, một lượng dữ liệu mới chưa từng xuất hiện trước đây có thể ứng dụng vào nhiều thứ chưa rõ; có thể so sánh niềm vui ấy với một nhóm con trẻ nhận được đồ chơi mới, bằng những cách sáng tạo của riêng mình, lũ trẻ sẽ tìm ra được những cách chơi không ai nghĩ tới.