Ngọt là hương vị mà nhiều người trong chúng ta đều rất yêu thích. Điều này còn được xác thực hơn khi cơn sốt trà sữa, nay là sữa tươi trân châu đường đen vẫn chưa hạ nhiệt với giới trẻ.
Thế nhưng vì sao chúng ta đa phần lại cuống cuồng với các món có vị ngọt thế nhỉ? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay đây.
1. Hạch hạnh nhân - đích đến của tín hiệu vị giác
Trong kết quả nghiên cứu mới nhất từ Đại học Columbia đăng trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã nhận ra, đường truyền từ vỏ não cảm nhận vị giác đến vùng hạch hạnh nhân (amyglada, có chức năng điều khiển cảm xúc) có sự khác biệt khi chúng ta nếm các vị khác nhau.
Hạch hạnh nhân (màu đỏ, có chức năng điều khiển cảm xúc của con người)
Cụ thể, khi cho chuột thí nghiệm uống hai loại nước có vị ngọt và đắng, họ nhận thấy tín hiệu neuron đến vùng hạch hạnh nhân có sự khác nhau. Khi chuột nếm loại nước vị ngọt, tín hiệu tích cực tại vùng này trội hơn hẳn so với bình thường.
Ngược lại, khi được nếm loại nước đắng, laser theo dõi lại cho thấy có rất nhiều tính hiệu tiêu cực ở hạch hạnh nhân. Và các tín hiệu này cùng kéo theo hành vi khó chịu của chúng khi nếm phải loại nước "khó nuốt" này.
Charles Zuker - người đứng đầu nghiên cứu cho biết, "vị giác đảm trách hai nhiệm vụ rất đặc biệt cho con người. Thứ nhất đó là giúp con người phân biệt được mùi vị thức ăn như thế nào. Thứ hai là phối hợp và ghi nhận xem đâu là thức ăn cần thiết cho cơ thể".
Nhờ vào phản ứng tích cực do hạch hạnh nhân phát ra, não bộ con người sẽ ghi nhận rằng món ngọt là vị "cứu tinh" cho cảm xúc. Do đó, con người chúng ta thường có xu hướng chuộng món ăn chứa nhiều đường hơn.
"Bắt thóp" được tâm lý này, các cơn sốt đồ ngọt cứ thế mà phát triển.
2. Dopamin - chất dẫn truyền khiến chúng ta nghiện đồ ngọt
Cùng với tín hiệu tích cực từ hạch hạnh nhân, hormone dopamin đã chi phối chúng ta, khiến ta cứ mê mẩn thưởng thức đồ ngọt mãi không ngừng.
Theo các chuyên gia đến từ viện dinh dưỡng Authority Nutrition, khi con người ăn đồ ngọt, não bộ sẽ tiết ra một loại chất dẫn truyền thần kinh - dopamin khiến bản thân càng bị kích thích và muốn ăn đồ ngọt nhiều hơn.
Khi dopamin càng được tiết ra, phản hồi tích cực từ hạch hạnh nhân được dẫn truyền. Hệ thống nhận thức của chúng ta sẽ ghi nhận rằng nếu ăn càng nhiều đồ ngọt, não bộ chúng ta sẽ càng được cung cấp năng lượng, cũng như được kích thích để hoạt động tốt hơn.
Tuy nhiên, uống hay ăn đồ ngọt quá nhiều chưa bao giờ là tốt cả...
Nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính nhiều biến chứng như đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, béo phì.. luôn là mối nguy hiểm cho sức khỏe nếu chúng ta không biết kiểm soát việc dùng các món chứa nhiều đường thường xuyên.
Chính vì lý do này, Zucker cùng các cộng sự vẫn đang tiếp tục cuộc nghiên cứu để tìm được phương thức thay đổi tín hiệu đến hạch hạnh nhân, với mục đích giảm cơn "thèm ngọt" tiềm ẩn nhiều hiểm nguy này.
Việc kiểm soát chế độ ăn uống, ăn các món ngọt một cách điều độ là điều mỗi người nên làm. Uống ít trà sữa, ăn ít ngọt, không chỉ tốt cho sức khỏe mà có khi còn tiết kiệm được hầu bao của bạn nữa đấy!