START-3 – chiếc vòng kim cô
Người ta ước tính Nga có khoảng 4.490 vũ khí hạt nhân, trong đó, 1.600 đơn vị dùng cho tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược, 1.070 đơn vị tương tự đang được niêm cất, và 1.820 đơn vị còn lại là vũ khí chiến thuật. Tính cả 2.000 đầu đạn đang chờ tháo dỡ, tổng kho vũ khí của Nga có 6.490 đầu đạn.
“Bộ ba hạt nhân” thường được hiểu là sự hiện diện của ba cấu phần gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hạt nhân, và không quân chiến lược.
Chỉ khi hội tụ đủ các thành tố đó mới bảo đảm gây tổn thất không thể khắc phục cho kẻ thù tiềm năng - giáng đòn tấn công hạt nhân ngay cả trong bối cảnh xung đột quy mô lớn. Hiện tại, chỉ có Mỹ và Nga chính thức có "bộ ba hạt nhân", theo một số nhà quan sát, Trung Quốc có thể nằm trong số này.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat; Nguồn: nationalinterest.org
Bộ ba cũ
Thỏa thuận quốc tế chính khống chế bộ ba hạt nhân của Mỹ và Nga là Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2011.
Theo đó, trong vòng mười năm, Washington và Moscow giảm số lượng đầu đạn hạt nhân của mình xuống còn 1.550 đơn vị, và số lượng ICBM, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng - xuống còn 700.
Với sự ra đời của vũ khí siêu thanh, cải tiến tên lửa hành trình, sự xuất hiện một số vũ khí phi truyền thống và công nghệ vũ trụ, việc các bên đạt được ngưỡng giới hạn sẽ không gặp những khó khăn đặc biệt.
Tính đến tháng 3/2019, tại 11 địa điểm, 39 trung đoàn của Lực lượng Tên lửa Chiến lược với 318 ICBM R-36M (Satan), UR-100N (Stiletto), RT-2PM Topol (Sickle), RT-2PM2 Topol-M và RS-24 Yars gồm nhiều biến thể khác nhau, có khả năng mang tổng cộng 1.138 đầu đạn hạt nhân.
Phần lớn các tên lửa này mang đầu đạn có thể tách rời với các cơ cấu dẫn đường riêng biệt (IN). Một số trong số này đã được thay mới hoặc lên kế hoạch trang bị bằng các vũ khí đầy triển vọng, trong đó có tên lửa siêu âm Avangard và ICBM RS-28 Sarmat.
Hải quân có 10 tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động mang SLBM, gồm 6 tàu ngầm của dự án 667BDRM Delphin (Delta IV), 1 tàu tuần dương (K-44 Ryazan) của dự án 667BDR Kalmar (Delta III) và 3 tàu ngầm dự án 955 Borey.
Mỗi tàu ngầm được thiết kế để mang tới 16 SLBM có cơ cấu IN riêng biệt. Số lượng đầu đạn hạt nhân của các tên lửa này (R-29R và R-29RMU2 Sineva) vượt quá 700, trong khi đó, với tình trạng hiện, tàu ngầm hạt nhân Nga chỉ có khả năng mang theo khoảng 600 đầu đạn.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar; Nguồn: nationalinterest.org |
Lực lượng không quân vũ trụ (VKS) có từ 60 - 70 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS mang tên lửa, trong khi theo START-3, không quá 50 chiếc ở trạng thái có khả năng chiến đấu.
Mỗi trong số máy bay đó có thể mang tên lửa hành trình Kh-55 và Kh-101 gắn đầu đạn hạt nhân (Kh-102 - đầu đạn nhiệt hạch). Không giống như Tu-160, thiết bị để bom rơi tự do từ Tu-95MS đã bị tháo dỡ. Tổng cộng, tất cả các máy bay Tu-160 và Tu-95MS của Nga đang hoạt động (sẵn sàng chiến đấu) có thể mang theo hơn 700 tên lửa hành trình.
Đuổi kịp và thắng
Kể từ năm 1949, Liên Xô đã sản xuất khoảng 55.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật, trong khi con số đó của Mỹ vào khoảng 65.500, kể từ năm 1945. Moscow đã vượt Washington về số lượng vũ khí hạt nhân trong những năm 1977-1978 (24.281 - 26.169 đơn vị). Số lượng đầu đạn hạt nhân ở Liên Xô cao nhất là vào năm 1986 (40.159 đơn vị).
Giữa những thời điểm trên, ở Liên Xô, có sự phát triển ổn định của vũ khí hạt nhân, sau đó được thay thế bằng sự cắt giảm chúng có hệ thống.
Vào thời điểm sụp đổ tháng 12/1991, số lượng đầu đạn hạt nhân ở Liên Xô ước tính 29.154 đơn vị, nhiều hơn khoảng 1,5 lần so với Mỹ; cả hai cường quốc này chiếm khoảng 97% tổng số đầu đạn hạt nhân trên hành tinh.
Máy bay ném bom Nga đang bị chặn bởi một tiêm kích Mirage của Pháp; Nguồn: rferl.org |
Vũ khí hạt nhân của Nga giảm nhanh nhất trong thập kỷ cuối của thế kỷ trước. Việc giảm vũ khí hạt nhân ở Mỹ sau đó diễn ra chậm hơn, điều này có thể được giải thích bằng số lượng ban đầu của chúng nhỏ hơn.
Hiện nay, số lượng đầu đạn hạt nhân của Moscow và Washington tương đương nhau; sự khác biệt về khả năng chiến đấu của "bộ ba hạt nhân" của cả hai cường quốc phụ thuộc vào thực trạng hiện tại của không quân và hải quân.
Các phương tiện chiến lược mang vũ khí hạt nhân đang dần trở nên ít giá trị hơn đối với quốc phòng và nhường chỗ cho vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Điều này có liên quan đến sự phát triển của các hệ thống siêu thanh và tên lửa hành trình có độ chính xác cao, cũng như việc quân sự hóa không gian gần Trái Đất sắp tới.
Do kết quả của quá trình này, “bộ ba” hạt nhân sẽ trở thành “bộ tứ” phi hạt nhân vì hiện tại, vũ khí hạt nhân không được phép đưa vào vũ trụ.