Kho vàng cực kỳ quý hiếm "mắc kẹt" trong cuộc tranh giành giữa Nga và Ukraine

Tất Đạt |

Sau 5 năm, cuộc tranh giành vẫn chưa đi tới hồi kết và hai bên Nga - Ukraine đều có những lí lẽ riêng của mình.

Tranh chấp pháp lí

NBC News cho hay, Nga và Ukraine gần đây đã vướng vào một "cuộc chiến pháp lí" khác liên quan tới bán đảo Crimea. Hai quốc gia láng giềng đang tìm cách khẳng định quyền làm chủ đối với bộ sưu tập cổ vật bằng vàng được khai quật từ trên vùng đất bị tranh chấp.

Được biết, bộ sưu tập bao gồm nữ trang cổ đại, ngọc quý, mũ sắt và bao đựng kiếm từ 4 bảo tàng ở Crimea. Đây là những vật phẩm được một bảo tàng ở Amsterdam (Hà Lan) mượn vào năm 2014 - khoảng thời gian Nga sáp nhập Crimea.

5 năm sau, cả chính phủ Ukraine và các bảo tàng Crimea đều đòi quyền sở hữu đối với bộ sưu tập này.

Không chỉ có giá trị vật chất, bộ sưu tập cổ vật còn mang đậm chất lịch sử và phản ánh vai trò của Crimea trong việc là cầu nối giữa châu Á và châu Âu.

"Chưa bao giờ Ukraine cho mượn nhiều cổ vật quý giá tới vậy," đại diện của bảo tàng Allard Pierson nói trong buổi trưng bày bộ sưu tập ở Amsterdam vào năm 2014.

Buổi triển lãm bao gồm nhiều hiện vật tới từ 4 bảo tàng ở Crimea và 1 bảo tàng ở Kiev.

Tháng 8/2014, bảo tàng Hà Lan đã trao trả lại các cổ vật mượn từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Ukraine. Tuy nhiên, sau khi gặp phải "những đòi hỏi trái chiều" về quyền sở hữu từ cả 2 phía, bảo tàng Hà Lan hiện vẫn giữ 572 cổ vật các loại.

Kho vàng cực kỳ quý hiếm mắc kẹt trong cuộc tranh giành giữa Nga và Ukraine - Ảnh 1.

Trang sức và đồ dùng của một phụ nữ thuộc tầng lớp cao quý vào thế kỉ 1 được trưng bày ở bảo tàng lịch sử Allard Pierson, Amsterdam. Ảnh: Peter Dejong / AP

Năm 2016, một tòa án Hà Lan tuyên bố chuyển lại bộ sưu tập này cho Ukraine bởi vì đây là một phần di sản của quốc gia này, nhưng các bảo tàng ở Crimea kháng cáo.

Một phiên tòa khác đã diễn ra vào hồi tuần trước tại Amsterdam, nơi các luật sư từ 2 phía đưa ra những quyết định biện hộ cuối cùng của mình.

Trả lời NBC News, Marielle Koppenol-Laforce, luật sư đại diện cho bảo tàng Crimea, nói các bảo tàng vẫn là chủ sở hữu chính thức của những cổ vật lịch sử tại thời điểm trưng bày ở Amsterdam, và tới nay vẫn vậy.

Nữ luật sư khẳng định các cổ vật phải được trao trả về lãnh thổ Crimea bởi đây là kết quả của nhiều năm khảo cổ vất vả.

"Các bảo tàng chỉ muốn trưng bày hiện vật của họ," cô Koppenol-Laforce nói.

Tranh giành khốc liệt

Trong một tuyên bố chung được đăng tải vào ngày phúc thẩm, 4 bảo tàng Crimea nói rằng một số cổ vật quý hiếm nhất của họ đã được bảo tàng ở Amsterdam mượn với yêu cầu đảm bảo trao trả vô điều kiện.

"Chúng tôi tin rằng chúng tôi có quyền không thể chối cãi với những cổ vật," các bảo tàng nói. Ngoài ra, đại diện bảo tàng Crimea yêu cầu phiên xét xử không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố can thiệp chính trị.

Maarten Sanders, một trong số các luật sư đại diện cho Ukraine, nói rằng việc Nga sáp nhập Crimea đã bị Liên Hợp Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều tổ chức quốc tế khác tuyên bố là bất hợp pháp.

"Dựa trên luật quốc tế, người dân và tòa án Hà Lan không nên công nhận việc sáp nhập Crimea. Do đó, bất kì yêu cầu sở hữu nào đối với các cổ vật và di sản văn hóa từ Crimea đều phải được trao trả lại nhà nước có chủ quyền được công nhận, tức là Ukraine."

Kho vàng cực kỳ quý hiếm mắc kẹt trong cuộc tranh giành giữa Nga và Ukraine - Ảnh 2.

Một hộp sơn mài cổ được trưng bày. Ảnh: AP

Luật sư Sanders cho biết Ukraine dựa trên cơ sở công ước năm 1970 của UNESCO để giành lại quyền sở hữu các cổ vật.

"Nếu các bảo tàng Crimea thuộc quyền sở hữu của Liên bang Nga, nếu vùng lãnh thổ đặt bảo tàng thuộc sự kiểm soát của Liên bang Nga, thì Ukraine không thể có quyền sở hữu đối với những bảo tàng và cổ vật trong bảo tàng đó. Nhưng trong trường hợp này thì khác, các cổ vật thuộc về Kiev," luật sư Sanders khẳng định.

Tuy nhiên, hiện tại, các cổ vật đang được bảo tàng Allard Pierson quản lý cho tới lúc phán quyết cuối cùng được đưa ra.

Trong một thông báo mới đây, bảo tàng Allard Pierson cho biết sẽ đứng ngoài cuộc bởi bảo tàng này "không phải là nơi quyết định những bảo vật sẽ đi về đu".

Mặc dù phán quyết ban đầu đưa ra bất lợi cho phía Crimea, nhưng luật sư Koppenol-Laforce nói bà vẫn lạc quan về kết quả của phiên tòa bởi những bảo tàng ở Crimea có "lí lẽ thuyết phục".

Dù sao, luật sư cả 2 phía Nga - Ukraine đều đồng tình rằng vụ tranh chấp pháp lí liên quan tới các cổ vật lịch sử sẽ đặt ra tiền lệ cho những vụ án khác sau này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại