VN-EAEU FTA có hiệu lực từ ngày 5-10-2016, đồng thời, hai nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Belarus và với Chính phủ Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam dự kiến cũng có hiệu lực cùng FTA này.
Hiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi hai nghị định thư trên đang được đưa ra lấy ý kiến.
Theo dự thảo quyết định về nghị định thư giữa Việt Nam và Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam, từ ngày 5-10-2016, liên doanh tại Việt Nam giữa doanh nghiệp Nga (Nhà máy sản xuất ô tô GAZ, Công ty Thương mại quốc tế Kamaz, và Công ty cổ phần đại chúng Ulyanovsky Avtomobilny Zavod - UAZ) với doanh nghiệp Việt Nam được quyền nhập khẩu miễn thuế trong hạn ngạch một số loại xe.
Việc miễn thuế nhập khẩu đối với một số xe nguyên chiếc này là để bán thăm dò sức mua cũng như thị hiếu của thị trường.
goài ra, liên doanh cũng được hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm - là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô theo VN-EAEU FTA sẽ được cắt giảm dần về 0%.
Không có chuyện xe Nga đổ bộ
Có ý kiến cho rằng cam kết trong nghị định thư trên sẽ khiến ô tô Nga nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với thuế suất 0%.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin am hiểu về việc này, thực tế không đáng quan ngại. Bởi vì, bản chất của hai nghị định thư trên là cho phép việc nhập miễn thuế xe nguyên chiếc và bộ linh kiện từ Nga và Belarus, nhưng với nhiều điều kiện.
Cụ thể, điều kiện đầu tiên là phải có liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với công ty của Nga hay Belarus (chỉ có ba công ty cụ thể của Nga, và một công ty cụ thể của Belarus là được phép lập liên doanh này với Việt Nam).
Điều kiện thứ hai là liên doanh này phải có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam cụ thể hàng năm, như sản xuất hàng hóa gì, tỷ lệ nội địa hóa cam kết mỗi năm (đến năm 2025 là 40% đối với ô tô chuyên dụng và ô tô thể thao, 45% đối với ô tô tải và 50% đối với ô tô chở từ 10 người).
Ngoài ra, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng phải có các thỏa thuận về chuyển giao công nghệ, thỏa thuận về đào tạo,….
Theo đó, các cơ quan chuyên trách của Việt Nam sẽ xem xét phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh này. Có nghĩa là, để được nhập khẩu miễn thuế một số chủng loại ô tô từ Nga và Belarus, đòi hỏi phải có liên doanh đáp ứng đủ điều kiện, và liên doanh này phải sản xuất thật, chuyển giao công nghệ thật.
Đồng thời, hiện trong cam kết, có ba công ty của Nga được phép lập liên doanh, trong khi hạn ngạch được cấp cho tất cả liên doanh giữa Nga và Việt Nam (đáp ứng đủ điều kiện) dự kiến là 800 chiếc cho năm 2016, 850 chiếc cho năm 2017 và 900 chiếc cho năm 2018.
Do đó, Nga phải có văn bản gửi Bộ Công Thương nói rõ về lượng hạn ngạch phân bổ cho mỗi doanh nghiệp. Theo nguồn tin trên, Bộ Công Thương hiện vẫn chưa nhận được văn bản từ phía Nga về việc phân bổ này.
Sau đó, trong từng lần nhập khẩu ô tô miễn thuế, liên doanh phải gửi văn bản đến Bộ Công Thương để xem xét liệu yêu cầu nhập khẩu này có phù hợp hay không mới cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch.
Ngoài ra, theo dự thảo quyết định, khối lượng hạn ngạch được cấp năm sau sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện tỷ lệ nội địa hóa của liên doanh nêu trong kế hoạch thực hiện dự kiến của mình. Phần trăm hạn ngạch được cấp vào năm sau sẽ giảm và bằng phần trăm thực hiện thực tế tỷ lệ nội địa hóa trong kế hoạch thực hiện dự kiến của năm trước.
Cho đến nay, ba doanh nghiệp Nga vẫn chưa thành lập được liên doanh đáp ứng được các quy định trên của Việt Nam. Do đó, việc nhập khẩu miễn thuế có thể chưa diễn ra trong năm nay.
Không ảnh hưởng nhiều đến thị trường
Tại cuộc họp báo về Triển lãm Ô tô quốc tế Việt Nam lần thứ 2 – Vietnam International Motorshow 2016 (VIMS 2016) mới đây, Ban tổ chức cho biết hãng xe Nga UAZ (Ulyanovsky Avtomobilny Zavod), thương hiệu xe hơi của Nga nổi tiếng với những chiếc xe quân đội UAZ-469, thường được gọi là U-oát, sẽ tham gia triển lãm diễn ra tại TPHCM vào ngày 26 đến ngày 30-10 tới.
Đây được coi là sự kiện đánh dấu sự trở lại của UAZ tại thị trường Việt Nam. Hiện chưa rõ là chính hãng xe UAZ tham gia triển lãm này hay thông qua một nhà phân phối trong nước.
Nhưng các báo chuyên ngành ô tô gần đây thông tin rằng Công ty Auto K đã được UAZ chỉ định trở thành nhà phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam với thời hạn lên tới 30 năm.
Trước mắt, Auto K sẽ giới thiệu tới thị trường mẫu xe SUV (xe thể thao đa dụng) UAZ Patriot tại triển lãm ô tô VIMS 2016 nói trên. Theo lộ trình đã cam kết, Auto K sẽ bán ra thị trường Việt Nam đầy đủ các sản phẩm của hãng UAZ.
Tại Nga, UAZ sản xuất đầy đủ các dòng xe như SUV, pick-up, off-road và xe thương mại. Hiện tại mức giá các mẫu xe chưa được Auto K tiết lộ.
Tuy nhiên, với phân tích của nguồn tin nêu trên thì chưa hẳn Auto K được nhập khẩu xe UAZ với thuế suất 0%, bởi vì Auto K chỉ là nhà phân phối, chứ không phải là liên doanh sản xuất.
Giả thử xe du lịch UAZ trong thời gian tới đây được nhập với thuế suất 0% thì theo giới phân tích trong ngành, thị trường ô tô cũng không ảnh hưởng nhiều.
Bởi thuế suất xe ô tô của Nga sẽ được áp dụng 0% theo hạn ngạch, được áp số lượng theo từng năm và không đến 1.000 xe được ưu đãi thuế mỗi năm, chỉ là "muối bỏ bể" so với một thị trường tiêu thụ trên dưới 250.000 chiếc xe mỗi năm.
Đó là chưa kể việc ưu đãi này không dành riêng cho thương hiệu xe UAZ mà còn có cả thương hiệu ô tô Kamaz hay GAZ… Do đó khoảng 2.550 xe được ưu đãi thuế trong vòng ba năm này còn chia nhỏ ra các thương hiệu khác nữa.
Giá rẻ chưa hẳn là ưu thế
Theo giới kinh doanh ô tô, đối với những sản phẩm đắt tiền như ô tô, người tiêu dùng trong nước rất bảo thủ nên khó thay đổi thói quen mua sắm của họ.
Thị trường ô tô trong nước lâu nay ưa chuộng xe Nhật, Mỹ, Đức và gần đây là xe Hàn Quốc; trong khi xe Nga, nhất là xe du lịch thì không mấy thịnh hành ở thị trường Việt Nam thì liệu có thu hút được người tiêu dùng trong ngắn hạn?
Giá bán thấp không chưa đủ mà mặt hàng ô tô đòi hỏi về chất lượng, kiểu dáng và thương hiệu toàn cầu, trong khi xe Nga thì chưa rõ như thế nào.
Thực tế đã chứng minh, các hãng xe du lịch Trung Quốc với giá cả rất cạnh tranh so với ô tô Nhật, Mỹ và Hàn Quốc đã vào thị trường Việt Nam trong những năm qua nhưng không thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Một số thương hiệu ô tô du lịch Trung Quốc vì kinh doanh ế ẩm, trụ không nổi cũng đã lặng lẽ rời khỏi thị trường Việt Nam.
Xe Nga với thị trường Việt cũng còn rất mới lạ, thậm chí có người không biết, thì khó có thể tạo một sự chuyển biến mới trên thị trường dù giá bán thấp.
Mặc dù vậy, khác với dòng xe thương mại, xe chuyên dụng, thì xe tải của Nga được đánh giá là bền bỉ. Cụ thể như xe Kamaz bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam thông qua nhà phân phối là Công ty TNHH Thương mại quốc tế Tân Đại Tây Dương.
Và theo thông tin trên trang web của công ty này, dù đã có mặt ở Việt Nam được khoảng 38 năm nhưng đến nay Kamaz cũng chỉ bán được tổng cộng hơn 35.000 xe.