Khó bêu tên người mặc hở hang, phản cảm

Nguyễn Hưởng |

Sau ý tưởng cấm công chức xăm hình bị dư luận phản ứng, dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đang gây nhiều tranh cãi.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng gồm 3 chương, 14 điều.

Phạm vi áp dụng của quy tắc là nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Đối tượng áp dụng gồm các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập tại Hà Nội.

Phê bình công khai

Cụ thể, dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng quy định các hành vi không nên làm gồm: nói to, gây ồn ào; nói tục, chửi bậy; hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; xả rác thải, chất thải trái nơi quy định; viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng; mặc trang phục hở hang trái với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm

Tại khu vui chơi giải trí, điểm tham quan, nhà ga, bến tàu hay sân bay..., dự thảo nêu quy tắc không chen lấn, xô đẩy, gây rối; ăn uống, ngủ, nghỉ tùy tiện...

Người bán không tranh giành khách, chèo kéo; nâng giá hàng hóa và dịch vụ đối với khách du lịch.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm từng bước xây dựng những chuẩn mực đạo đức, hướng tới TP thanh lịch, văn minh; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của thủ đô và đất nước.

Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy tắc sẽ được biểu dương, khen thưởng và nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đáng chú ý, dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng có quy định người dân “không nên mặc trang phục hở hang không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm”, nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên báo chí.

Không khả thi

Ủng hộ việc xây dựng dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng, chị Nguyễn Thị Hoa (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết nhiều khi ra khu vực công cộng, chị thấy người dân cởi trần, hút thuốc lá “trông chẳng giống ai”.

“Đầu năm, nhiều người đi chùa, nhà thờ... mà mặc váy ngắn, hở lưng trông rất phản cảm và thiếu tế nhị. Tôi nghĩ Hà Nội nên chỉnh sửa thêm và sớm đưa vào áp dụng thực tế các quy tắc này” - chị Hoa bày tỏ.

Ngược với mong mỏi của chị Hoa, anh Nguyễn Văn Ích (ngụ quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cho rằng các quy tắc này khó khả thi và cần phải quy định rõ thế nào là ăn mặc hở hang, phản cảm.

Rồi còn việc nói to, gây ồn ào; nói tục, chửi bậy; hút thuốc, khạc nhổ,... làm sao biết hết những người vi phạm để nhắc nhở và phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng?

Theo anh Ích, các khái niệm mà mơ hồ thì khó phê bình, nhắc nhở được người dân.

Chưa kể, ai sẽ là người giám sát, nhắc nhở? “Đến hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, chuyện rõ ràng trước mắt vậy mà mấy năm nay vẫn chưa xử lý được thì sao có thể phê bình người mặc đồ phản cảm?” - anh Ích băn khoăn.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định ăn, mặc là quyền tự do của cá nhân.

Khái niệm “trang phục hở hang, gây phản cảm” hoàn toàn cảm tính bởi chưa được bất kỳ nhà khoa học hay cơ quan chức năng nào quy định cụ thể.

Mỗi người đều có cảm nhận riêng không ai giống ai, điều đó phụ thuộc vào thói quen, nếp nghĩ, cảm giác của từng người.

Việc ăn mặc hở hang, phản cảm khi biểu diễn, cơ quan chức năng đã áp dụng mức xử phạt hành chính đối với một số ca sĩ, người mẫu. Tuy nhiên, rất ít trường hợp người dân bị bêu tên, xử phạt.

Ngoài ra, theo luật sư Thơm, nếu tuân theo các quy định xử phạt trong Luật Hành chính mà bêu tên người vi phạm trên phương tiện truyền thông là sai với nguyên tắc xử phạt hành chính.

Thậm chí, chưa luật nào cho phép được công khai tên người mua dâm, huống hồ là người mặc đồ hở hang.

“Bêu tên như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời tư, cuộc sống của người dân và vi phạm quyền thông tin cá nhân” - luật sư Thơm nêu rõ.

Đánh giá cao nỗ lực cải thiện hình ảnh thủ đô của TP Hà Nội, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, cho rằng người dân cũng như khách quốc tế sinh hoạt ở nơi công cộng khá lộn xộn. Thời điểm này, Hà Nội xây dựng bộ quy tắc trên là cần thiết.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Bình, xây dựng bộ quy tắc ứng xử cần phải có thời gian và phải điều chỉnh một số quy định.

“Việc ngăn cản ăn mặc phản cảm nên khuyến cáo chứ không bắt buộc phải thực hiện. Nếu đưa tên người vi phạm lên truyền thông đại chúng là làm nhục người ta, chúng ta chỉ có thể thấy điều đó ở các xã hội thiếu văn minh” - PGS- TS Bình nhìn nhận.

Thay vì bêu tên, PGS-TS Bình cho rằng khi phát hiện người ăn mặc phản cảm, hở hang, cơ quan chức năng chỉ nên nhắc nhở. Qua đó, dần đánh thức sự tự trọng của mỗi người trên cơ sở áp lực cộng đồng.

Áp dụng cả với du khách

Đối tượng áp dụng dự thảo này gồm cả các cá nhân tham quan ở TP Hà Nội như du khách nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng điều này rất khó khả thi, chỉ nên áp dụng ở những nơi như đền, chùa, nhà thờ...

"Cơ quan chức năng có thể làm việc với những đơn vị lữ hành để in bộ quy tắc ứng xử này bằng tiếng Anh, phát trên các chuyến bay cho khách nước ngoài tìm hiểu trước.

Nếu du khách biết trước về quy định ăn mặc lịch sự ở nơi đền, chùa, họ sẽ lưu tâm và chọn trang phục phù hợp" - luật sư Thơm đề xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại