‘Kho báu’ hiếm toàn cầu chỉ có 3,8 triệu tấn nhưng Việt Nam nắm trữ lượng lớn thứ 3 thế giới, còn tham vọng trở thành trung tâm tái chế hàng đầu

Minh Tiến |

Việt Nam đang nắm giữ kho báu quý hiếm của thế giới.

‘Kho báu’ hiếm toàn cầu chỉ có 3,8 triệu tấn nhưng Việt Nam nắm trữ lượng lớn thứ 3 thế giới, còn tham vọng trở thành trung tâm tái chế hàng đầu- Ảnh 1.

Theo dữ liệu mới nhất của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, thế giới hiện có khoảng 3,8 triệu tấn vonfram. Trong đó, 5 quốc gia có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (1,8 triệu tấn), Nga (400 nghìn tấn), Việt Nam (100 nghìn tấn), Tây Ban Nha (56 nghìn tấn) và Áo (10 nghìn tấn).

Vonfram là kim loại cần thiết để sản xuất chất bán dẫn, động cơ tên lửa và vũ khí. Nó ngày càng được sử dụng rộng rãi trong pin. Vonfram có khả năng chịu nhiệt cực cao. Do đó, vonfram được dùng làm vật liệu chống mài mòn, sử dụng trong các ngành công nghiệp gia công kim loại, khai thác mỏ, dầu khí và xây dựng. Đây là loại kim loại gần như không thể thay thế trong một loạt các ứng dụng công nghiệp như sản xuất máy hiệu suất cao và các hợp kim thép.

Tại Việt Nam, Thái Nguyên là tỉnh đang nắm giữ trữ lượng vonfram lớn nhất của cả nước. Đặc biệt, sản lượng vonfram từ mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc, có quy mô lớn thứ 2 thế giới. Đây là một trong những mỏ có trữ lượng vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới ở ngoài Trung Quốc.

UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, Masan High-Tech Materials (MHT) đang làm chủ công nghệ tái chế Vonfram đẳng cấp, xác định tái chế là trụ cột chiến lược sẽ mang lại thành công cả về doanh thu và khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường vật liệu công nghệ cao toàn cầu.

Đặc biệt, MHT cho biết sẽ xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Thái Nguyên. Đồng thời, Masan High-Tech Materials đang nỗ lực thực hiện để thực hiện tham vọng xây dựng nhà máy tái chế vonfram, đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về cung ứng vonfram chất lượng cao và bền vững.

Hiện nay, MHT đang tiếp tục cùng với công ty thành viên H.C. Starck (Goslar, Đức) nghiên cứu triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững về Vonfram ở khu vực châu Á. Đây là một phần trong chiến lược "Tăng trưởng gắn với phát triển bền vững" của MHT, với niềm tin rằng phát triển bền vững là một hành trình, không phải là đích đến.

Về công nghệ của nhà máy tái chế Vonfram tại Thái Nguyên, trước mắt được áp dụng từ H.C. Starck (Đức), đây là một trong số ít các công ty sở hữu các sáng chế độc quyền và có nền tảng tái chế Vonfram toàn diện và thân thiện với môi trường. Hiện nay, công nghệ liên tục được cải tiến và đổi mới để xây dựng các quy trình thân thiện với môi trường dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển về tái chế hàng đầu thế giới tại Đức, cũng như hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam đang hướng tới phát triển và thu hút đầu tư vào công nghệ bán dẫn. Trong khi đó, vonfram và đất hiếm là yếu tố quan trọng đối với chất bán dẫn. Chính vì vậy, Việt Nam đang nắm trong tay "át chủ bài" của thị trường hàng tỷ USD, có lợi thế lớn để thu hút công nghệ bán dẫn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại