Khiến TT Trump phải "điên đầu": Cuộc hải chiến Mỹ-Iran sẽ diễn ra theo phong cách Hollywood?

Hoài Giang |

Lực lượng hải quân Iran đã "học" chiến thuật từ bộ phim Mad Max của Mỹ và dùng chính nó để chuẩn bị đối đầu với Hải quân Hoa Kỳ ở Vịnh Ba Tư.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Iran, cũng như mối lo ngại leo thang chiến tranh ra toàn khu vực Trung Đông, chúng tôi xin được lược dịch bài viết "Iran's Mad Max Navy Might Just Drive Donald Trump Crazy in a War" của nhà phân tích Sebastien Roblin đăng trên tạp chí National Interest.

Khuất phục Iran trên biển "không phải chuyện đùa"?

Ngày 16/5, Mỹ đã trích dẫn các báo cáo cho thấy rằng Iran đã triển khai lắp đặt rocket trên những chiếc cano dân sự ở Vịnh Ba Tư. Đây được coi là hành động đáp trả tương xứng với việc Hoa Kỳ triển khai thêm quân đội đến Trung Đông.

Tuy nhiên, tuyên bố này có thể gây ra bất ngờ đối với các nhà phân tích khi quân đội Iran sử dụng một số cano vũ trang hạng nặng để thực hiện cuộc tập trận bất đối xứng vào các mục tiêu trên biển.

Nó khẳng định từ lâu nay "Chiến tranh bất đối xứng" đã là chiến lược hải quân công khai của Iran.

Bên cạnh những chiếc cano được trang bị rocket chúng ta cũng cần lưu ý đến sự hiện diện của các loại tên lửa chống hạm và các vũ khí khác có thể được dùng trong chiến tranh trên biển.

Khiến TT Trump phải điên đầu: Cuộc hải chiến Mỹ-Iran sẽ diễn ra theo phong cách Hollywood? - Ảnh 1.

Tàu chiến Littoral của Hải quân Hoa Kỳ.

Hải quân Hoa Kỳ thậm chí đã phải thiết kế lại các tàu chiến Littoral của mình trước sự đe dọa của những chiếc cano cao tốc của Iran. Rõ ràng hiện tại người Mỹ đang hối tiếc khi không thể sớm định hướng lại cuộc xung đột tiềm tàng này.

Các tàu chở hàng dân sự và tàu vận tải quân sự di chuyển ở Vịnh Ba Tư đều dễ bị tổn thương bởi thủy lôi, tên lửa hành trình và các cuộc tấn công bằng cano cao tốc vì eo biển Hormuz hẹp buộc các tàu lớn phải đi theo các hành trình có thể dự đoán được.

Đoạn video mô tả một đoàn cano vũ trang đang phóng ra một loạt tên lửa vào một một tàu sân bay giả định của Mỹ ở Vịnh Ba Tư.

Iran, quốc gia có hai lực lượng hải quân

Hải quân Iran (còn gọi là Artesh/Thông thường) tập trung vào việc vận hành các Hộ tống hạm, Khinh hạm và tàu tên lửa cỡ lớn và hàng chục tàu ngầm.

Khu vực hoạt động của lực lượng này chủ yếu ở xa hơn ở Eo biển Hormuz, Vịnh Ô-man và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, 22 tàu ngầm hạng trung lớp Ghadir của họ rất phù hợp với "chiến tranh du kích trên biển" trong vùng nước nông của Vịnh Ba Tư.

Khiến TT Trump phải điên đầu: Cuộc hải chiến Mỹ-Iran sẽ diễn ra theo phong cách Hollywood? - Ảnh 3.

Một tàu ngầm lớp Ghadir được Iran hạ thủy.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng có Hải quân riêng (IRGCN), gồm hơn 1.500 cano cao tốc được thiết kế để tấn công nhanh trong vùng biển duyên hải nước nông của Vịnh Ba Tư.

IRCGN có liên quan khá nhiều đến các vụ việc mang tính chất khiêu khích hơn là Hải quân Iran, ví dụ như bắt giữ một tàu tấn công nhanh của Hải quân Hoa Kỳ vào tháng 1/2016.

Về khía cạnh "cano dân sự", IRGCN đã tạo ra hàng trăm chiếc cano tốc độ cao theo mẫu của cano "Boston Whaler". Chúng thường được trang bị bệ phóng rocket không điều khiển, súng phóng lựu, tên lửa chống tăng và súng chống tăng không giật.

Các mẫu phổ biến khác bao gồm tuần tra tốc độ cao Boghammar của Thụy Điển và những chiếc xuồng cao su bơm hơi Zodiac. Những phương tiên này có thể di chuyển và ẩn náu giữa các hòn đảo bị cô lập và các giàn khoan dầu ở Vịnh Ba Tư.

Tuy nhiên, Iran cũng đang sản xuất cano cao tốc quân sự chuyên dụng với khả năng ấn tượng hơn. Một ví dụ là Seraj-1 , được thiết kế lại từ cano cao tốc 51 Bladerunner của Anh được Iran mua lại từ Nam Phi.

Khiến TT Trump phải điên đầu: Cuộc hải chiến Mỹ-Iran sẽ diễn ra theo phong cách Hollywood? - Ảnh 4.

Cano Seraj với hệ thống rocket phóng loạt.

Cano Seraj đã được trang bị hệ thống rocket phóng loạt và súng máy phòng không hạng nặng trên mũi tàu. Seraj có thể di chuyển với tốc độ 100 đến 130 km/giờ.

Một mẫu khác là chiếc Zolfaghar, được thiết kế trong nước có tốc độ tối đa 130 km/giờ. Nó được trang bị một radar tích hợp và hai ống phóng cho tên lửa hành trình Nasr-1 ở đuôi tàu.

Dựa trên tên lửa C704 do Trung Quốc sản xuất, Nasr-1 có tầm bắn 35 km, và có thể dẫn đường bằng hồng ngoại, radar hoặc điều khiển trực tiếp bằng camera.

Một số vũ khí kỳ lạ hơn bao gồm các tàu nửa chìm nửa nổi được thiết kế để tránh bị phát hiện. Các cano này dùng vào mục đích phục vụ cho lực lượng đặc biệt, gián điệp hay được trang bị như cano tự sát.

Vũ khí lớn nhất của IRGCN là 20 tàu tấn công nhanh lớp Thondar (mỗi chiếc được trang bị 4 tên lửa chống hạm C802) và 10 tàu phóng ngư lôi Tir-II.

Khiến TT Trump phải điên đầu: Cuộc hải chiến Mỹ-Iran sẽ diễn ra theo phong cách Hollywood? - Ảnh 5.

Tàu tấn công nhanh lớp Thondar được trang bị tên lửa C-802.

Chiến thuật Mad Max

Nếu chiến thuật Mad Max (được lấy theo tên của một bộ phim về hậu tận thế) theo hướng cụm tác chiến di chuyển tốc độ tối đa với một loạt các phương tiện cơ giới trang bị vũ khí có vẻ kỳ quặc, thì nó có logic nhất định đối với Iran hiện tại.

Những chiếc cano nhỏ và giá cả phải chăng hiển thị radar rất thấp, kết hợp với tốc độ, chúng sẽ làm giảm đáng kể thời gian phản ứng của mục tiêu.

Quan trọng hơn, số lượng áp đảo của chúng có thể làm giảm khả năng của các hệ thống phòng thủ đắt tiền trên tàu chiến Mỹ, và nếu cần thiết - bằng cách cho chúng hết đạn.

Ngoài ra kho vũ khí khổng lồ của Iran hơn 3 nghìn thủy lôi, loại vũ khí này có thể cản trở việc tiếp cận của bất kỳ tàu thuyền nào tới vùng Vịnh, và có thể được thả bằng nhiều loại phương tiện.

Máy bay không người lái trong nước của Iran hoặc thủy phi cơ hiệu ứng mặt đất kỳ quái của Iran có thể theo dõi vị trí của tàu địch và truyền tọa độ nhắm mục tiêu đến tên lửa trên đất liền.

Iran đã nhập khẩu tên lửa C802 Silkworm (con tằm) do Trung Quốc sản xuất với tầm tấn công là 193 km (phiên bản Iran sản xuất được đặt tên là Noor), và bắt đầu sản xuất tên lửa Ghadir ASCM có tầm bắn 321 km.

Và trên thực tế là Vịnh Ba Tư có chiều rộng dao động từ 35 tới 341 km.

Khiến TT Trump phải điên đầu: Cuộc hải chiến Mỹ-Iran sẽ diễn ra theo phong cách Hollywood? - Ảnh 7.

Vịnh Ba Tư là một vùng nước nông và hẹp.

Có thể kết luận rằng chiến lược hải quân của Iran là một cuộc chiến bất đối xứng với vị trí kẻ yếu đang tìm cách ngăn chặn các đối thủ mạnh hơn tiếp cận.

Tehran mong muốn kẻ thù phải suy nghĩ rằng một cuộc chiến tranh sẽ gây thiệt hại lớn cho các tàu mang theo 1/3 lượng dầu thương mại của thế giới di chuyển qua eo Hormuz và Hải quân Hoa Kỳ phải suy nghĩ ít nhất là hai lần trước khi triển khai tàu sân bay vào Vịnh Ba Tư.

Từ quan điểm của IRGCN, các tàu chiến mang tên lửa của Hải quân Hoa Kỳ là một "thiên thạch chết chóc" và những chiếc cano cao tốc của họ là những "chiến đấu cơ dũng mãnh" có khả năng cơ động vượt qua các tuyến phòng thủ để giáng một đòn chí mạng.

Liệu những cano cao tốc có thể tận dụng được địa thế vùng biển hẹp của Vịnh Ba Tư và chứng minh hiệu quả so với các tàu chiến hiện đại chưa thực chiến của Hoa Kỳ? Câu trả lời có thể là không bao giờ?

Sébastien Roblin là Thạc sĩ Giải quyết xung đột tại Đại học Georgetown và từng là giảng viên đại học cho Peace Corps ở Trung Quốc.

Ông làm việc trong lĩnh vực giáo dục, biên tập và tham gia dự án tái định cư người tị nạn ở Pháp và Hoa Kỳ và cũng là tác giả của một số bài viết về lịch sử an ninh và quân sự cho tờ War Is Boring.

Một số hình ảnh về chiến thuật tấn công trong bộ phim Mad Max Fury được ví như chiến thuật của Iran tại Vịnh Ba Tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại