Sức khỏe của con người được hưởng lợi từ việc trải nghiệm thiên nhiên. (Ảnh minh họa)
Do ảnh hưởng của Covid-19, TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng. Theo các khuyến cáo của chuyên gia y tế, ngoài những biện pháp chủ đạo là phòng chống lây nhiễm, tập luyện thể chất, việc duy trì một tinh thần tích cực cũng rất quan trọng để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Theo nghiên cứu của TS David R Hawkins, mỗi người có tần số rung động khác nhau tùy theo cảnh giới tinh thần của mình, tần số đó dao động từ 1-1000. Sự đau khổ, tuyệt vọng và oán thán có tần số thấp, dễ khiến người ta mang bệnh, và ngược lại, hòa ái từ bi có tần số cao khiến mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc. Kết quả của nghiên cứu này đã được trình bày trong cuốn sách "Power vs Force" của ông.
Kết quả nghiên cứu này được thể hiện trong bảng bên dưới.
Nếu con người vui vẻ, hạnh phúc thì năng lượng và sức đề kháng của cơ thể cũng tốt hơn và ngược lại. (Ảnh: Pinterest)
Như vậy, nói một cách ngăn gọn thì khi chúng ta vui vẻ, hạnh phúc năng lượng cơ thể sẽ ở mức cao, sức đề kháng tốt hơn và ngược lại, khi buồn chán, lo âu hay giận dữ thì năng lượng cơ thể ở mức thấp, sức đề kháng kém và dễ mắc bệnh.
Trở lại với thực tế, trong những ngày giãn cách, việc tiếp xúc xã hội giảm đi, đồng nghĩa với tiếp xúc với các phương tiện nghe nhìn, truyền thông, giải trí tăng lên là tất yếu. Một cách tự nhiên, những gì chúng ta tiếp xúc trên môi trường internet hoặc tivi sẽ có tác động nhất định đến tinh thần và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, chọn xem gì cho bản thân và người thân, nhất là trẻ nhỏ, không nên coi là chuyện nhỏ.
Nâng cao sức khỏe tinh thần nhờ "thiên nhiên số"
Nghiên cứu của Đại học Exeter (Anh) chỉ ra việc xem các video chất lượng cao về thiên nhiên có khả năng cải thiện tâm trạng con người, đặc biệt là giúp giảm cảm xúc tiêu cực và cảm giác buồn chán liên quan đến việc ở lâu trong nhà.
Xem video thiên nhiên giúp cải thiện sức khỏe tinh thần
Nghiên cứu được công bố hồi tháng 10/2020 trên tạp chí bình duyệt Tâm lý Môi trường (Journal of Environmental Psychology) của Mỹ - thời điểm mà nước này đang ở trong những ngày tồi tệ nhất vì Covid-19.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trải nghiệm thiên nhiên trong thực tế ảo (VR) có thể mang lại những lợi ích lớn hơn nữa, thúc đẩy cảm xúc tích cực và gia tăng kết nối giữa con người và thế giới tự nhiên.
Cụ thể, trong điều kiện phòng thí nghiệm, trước hết, các nhà nghiên cứu từ Đại học Exeter tạo ra cảm giác buồn chán ở 96 tình nguyện viên bằng cách yêu cầu họ xem một đoạn video mô tả công việc của một nhân viên tại một công ty cung cấp thiết bị văn phòng và văn phòng phẩm.
Sau đó, nhóm nghiên cứu cho những tình nguyện viên này xem các cảnh quay rạn san hô dưới nước theo một trong ba cách sau: xem video 2D trên màn hình TV độ nét cao; xem video VR 360 độ với kính VR; và xem video VR tương tác với kính VR và bộ điều khiển cầm tay.
Rùa biển Hawksbill Ấn Độ Dương. (Ảnh: Big Think)
Kết quả là, dù xem hình ảnh thiên nhiên bằng cách nào, người xem đều cảm thấy đỡ buồn chán hơn. Đặc biệt, trải nghiệm thực tế ảo tương tác làm tăng cảm xúc tích cực, chẳng hạn như hạnh phúc, vui vẻ, và tăng cường kết nối giữa con người với thiên nhiên.
Phát hiện có ý nghĩa quan trọng trong đại dịch Covid-19
Nicky Yeo, trưởng nhóm nghiên cứu, tin rằng những phát hiện này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với những nhóm cư dân hay cộng đồng phải ở nhà trong suốt một thời gian dài do giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu sự lây lan của loại virus nguy hiểm gây ra đại dịch Covid-19.
Theo Yeo, nghiên cứu này cho thấy cách con người có thể hưởng lợi từ việc xem các video về thiên nhiên, hay có thể gọi là "thiên nhiên số".
Nhóm nghiên cứu đã nhận được hỗ trợ từ Ban Lịch sử Tự nhiên của BBC để tạo ra các điều kiện thử nghiệm, trong đó có một số cảnh trong loạt phim tài liệu về thiên nhiên Blue Planet II do BBC sản xuất năm 2017.
Những phát hiện của nghiên cứu này tạo cơ sở cho việc phát huy những sáng kiến tìm cách đem tiềm năng trị liệu của thiên nhiên tới cho những người phải ở nhà, chẳng hạn như loạt phim Mindful Escapes của kênh BBC Four.
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam) nằm trong danh sách 51 địa danh đẹp nhất thế giới của Conde Nast Traveler, rất đáng để chúng ta "du lịch qua màn ảnh nhỏ". Ảnh: Getty
Các nhà nghiên cứu không tiến hành so sánh lợi ích của việc trải nghiệm thiên nhiên qua TV hoặc với công nghệ VR với việc trải nghiệm trực tiếp. Nhưng trong bối cảnh đại dịch, những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy rằng trải nghiệm thiên nhiên thông qua VR thực sự hữu ích.
Theo ông, xem video VR có thể giúp cải thiện sức khỏe của những người không có điều kiện tiếp xúc với thiên nhiên "thực", như bệnh nhân phải nằm viện điều trị trong thời gian dài.
"Đặc biệt, việc xem các cảnh quay thiên nhiên cũng có thể giúp làm sâu sắc thêm sự kết nối giữa con người với tự nhiên, khuyến khích con người có những hành vi thân thiện hơn với môi trường và thúc đẩy con người bảo vệ và bảo tồn tự nhiên," Tiến sĩ White cho biết.