Mới đây, VFF và VPF dự kiến tổ chức cuộc họp vào ngày 31/3 với đại diện các CLB để thống nhất phương án tổ chức V.League ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống. Họ đảm bảo chỉ tổ chức giải khi Chính phủ cho phép, trong điều kiện an toàn và trước mắt vẫn thi đấu ở trên sân không khán giả cho đến khi dịch bệnh hết hẳn.
Một động thái được cho là bình thường nhưng bầu Đức lại thể hiện sự tức giận. Ông tiếp tục đưa ra tuyên bố "cấm HAGL tham gia bất kỳ hoạt động thể thao nào trong giai đoạn này", thậm chí, "không tham gia họp kể cả trực tiếp hay trực tuyến của VFF và VPF".
Phát biểu này của bầu Đức làm dậy sóng cộng đồng bóng đá Việt chiều 30/3. Ảnh: Sport5.
Lý do ông đưa ra là "cả nước đang lo chống bệnh,… Tôi kêu gọi những người tham gia họp nên dẹp đi. Bây giờ đừng bàn gì bóng đá, thể thao gì nữa, chỉ bàn dịch thôi".
"Dạo" một vòng quanh các diễn đàn, các hội, nhóm liên quan đến bóng đá trên mạng xã hội, bầu Đức vấp phải nhiều chỉ trích.
Phát ngôn của ông được xem là nhắm đến sai hướng so với mục đích của VFF và VPF. Phát ngôn ấy còn thể hiện sự vô trách nhiệm của một người đứng đầu CLB trong việc xây dựng các kế hoạch tổ chức giải đấu. Nó thể hiện sự thiếu cảm thông của một CLB với những nhà tổ chức giải trong thời điểm dịch bệnh hoành hành. Và với những người hâm mộ, chính họ cũng cảm nhận được kích động trong phát ngôn của bầu Đức dù vấn đề cốt lõi đặt ra đang được diễn ra ở nhiều nền bóng đá trên thế giới.
Thế nhưng đây không phải lần đầu tiên phát ngôn gây tranh cãi đến thế. 5 năm trở lại đây, đặc biệt từ khi lứa 1 lò đào tạo HAGL Arsenal JMG ra mắt, ông bầu sinh năm 1962 này đã không ít lần khiến bóng đá Việt Nam dậy sóng.
Bầu Đức (ngoài cùng trái) thời còn làm Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính cũng có nhiều phát ngôn gây tranh cãi. Ảnh: K.H.
"Trước hết sa thải Miura (cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam), tôi sẽ lo tất cho đội tuyển đến chừng nào đội tuyển vô địch thì thôi", bầu Đức phát biểu trên báo chí vào cuối năm 2015.
Sau này, với tư cách Phó chủ tịch phụ trách tài chính LĐBĐ Việt Nam (VFF), ông Đức cũng để lại tuyên bố để đời vào năm 2017: "Nếu U22 Việt Nam không vô địch SEA Games, tôi xin nghỉ VFF".
Sau mỗi lần như thế, một bộ phận dư luận gán cho ông thêm một từ là "nổ" sau những phát biểu hùng hồn nhưng không được thực hiện trọn vẹn. Chưa hết, CLB HAGL, những "đứa trẻ nhà bầu Đức" trở thành đối tượng bị ghét lây vì sự xốc nổi của người lãnh đạo cao nhất.
Năm 2019, phát ngôn "5 thằng gầy đánh 1 thằng béo", ám chỉ V.League không trong sạch hay HAGL chỉ "tham gia giải, đá cho vui" của ông trở thành tâm điểm ở giai đoạn hai của mùa giải. Khi ấy, không nhiều người ghét họ nữa mà cảm thấy thương hơn cho số cầu thủ tài năng. Bầu Đức có công đầu tư giúp khai phá những "viên ngọc thô" cho bóng đá Việt nhưng cũng chính ông khiến lứa cầu thủ ấy bị đặt dưới áp lực và đủ góc độ nhìn ngó của dư luận.
Không khó để phản biện những luận điểm của bầu Đức. Ông cho rằng Công Phượng có giá cả triệu USD nhưng cuối cùng anh thất bại ở cả 3 lần xuất ngoại sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ. Ông còn khẳng định không bao giờ cho cầu thủ của mình sang Thái Lan, như vậy là hạ thấp giá trị nhưng cuối cùng Xuân Trường vẫn cập bến Buriram United và chỉ đá đúng nửa mùa giải.
Thất bại của Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng trong những chuyến đi ấy chỉ ra rằng cầu thủ Việt Nam còn nhiều thiếu sót, là những bài học lớn dành cho thế hệ hiện tại và tương lai. Thế nhưng, thông qua những phát ngôn của bầu Đức, qua cái nhìn đã không còn thiện cảm của một bộ phận người hâm mộ, họ vô tình bị gán cho cái tên "những hợp đồng PR" thay vì chuyên môn thuần tuý.
Lứa 1 lò HAGL JMG với những Xuân Trường, Văn Toàn, Công Phượng,... phải chịu nhiều điều tiếng cũng vì phát ngôn của chủ tịch CLB. Ảnh: Hiếu Lương.
Hôm nay (31/3), cuộc họp giữa VPF, VFF với các CLB nhiều khả năng vẫn tiến hành cho dù có HAGL hay không. Thế nhưng, với một người làm bóng đá chuyên nghiệp như bầu Đức, ông có lẽ đủ hiểu cách phản đối chuyên nghiệp nhất là thế nào thay vì lên báo và chia sẻ quan điểm một chiều.
Bầu Đức có quyền phản đối, HAGL có quyền từ chối phương án tổ chức của VFF và VPF, đấu tranh cho quyền lợi của CLB. Tuy nhiên, truyền tải những điều ấy ở không gian nào cho phù hợp thì có lẽ họ chưa làm được.
Tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam vẫn còn mong manh dù đã chính thức "lên chuyên" được 2 thập kỷ cũng vì những sự kiện như thế này.